Hồng Công sau 15 năm: Vẫn là nền kinh tế xuất sắc

Hai năm trước ngày Hồng Công trở về Trung Quốc, tạp chí Fortune đăng bài “Cái chết của Hồng Công”, cho rằng từ 0 giờ ngày 1/7/1997, mọi thứ ở Hồng Công sẽ thay đổi. Cũng giống như cái tít của bài báo, sự thay đổi này mang hàm ý tiêu cực. Nhưng vào năm 2007, Fortune đã phải cải chính dự đoán sai lầm của mình về tương lai Hồng Công bằng bài viết “Ồ, Hồng Công đã không chết”. Không những “không chết”, Hồng Công còn chuyển mình mạnh mẽ và trong dịp kỉ niệm 15 năm ngày trở về với Trung Quốc, Hồng Công tiếp tục nhận thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung Quốc, làm gia tăng hi vọng về những “thay đổi trong ổn định”, “tiến cùng thời đại”.


Ngày 1/7 tới, Hồng Công sẽ kỉ niệm 15 năm ngày trở về Trung Quốc với sự tham dự của Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng nhiều quan chức cấp cao đến từ Bắc Kinh cũng như nhiều nơi khác. Theo kết quả điều tra mới nhất do Hiệp hội Nghiên cứu Hồng Công tiến hành, có tới 53% số người được hỏi bày tỏ hân hoan chào đón ngày kỉ niệm 15 năm Hồng Công trở về Trung Quốc và cũng có ngần đó số người được hỏi nói rằng họ “vô cùng hài lòng” hoặc “rất hài lòng” đối với chính sách “một nước, hai chế độ”, tăng 2% so với lần điều tra trước vào năm 2007.


 

Hồng Công ngày nay là nơi nhiều hãng lớn chọn đặt trụ sở.

 

Tuy nhiên, nếu quay lại thời điểm trước khi Hồng Công chuẩn bị trở về với Trung Quốc vào năm 1997, người ta sẽ thấy tâm lý lo lắng, bi quan khá phổ biến. Lúc đó, Trưởng Đặc khu đắc cử, ông Lương Chấn Anh, người sẽ chính thức đảm nhiệm cương vị lãnh đạo chính quyền Hồng Công khóa 4 vào ngày 1/7 tới, làm việc tại Ủy ban Tư vấn Luật Cơ bản. Và câu hỏi mà ông Lương Chấn Anh hay gặp trong các chuyến đi xuống cơ sở lắng nghe ý kiến người dân là: “Ông Lương, hãy nói cho chúng tôi biết sáng 1/7, tỉnh dậy, chúng tôi sẽ phải dùng tiền gì để mua đồ điểm tâm đây?”. Ông Lương Chấn Anh giải thích rằng Dự thảo Luật Cơ bản quy định đồng tiền pháp định của Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Công là đồng đô la Hồng Công (HKD), nhưng mọi người tỏ ra ít tin tưởng, đau đáu lo cho những gì tích cóp gửi ngân hàng và cả những đồng tiền còn sót lại trong ví. Họ sợ Hồng Công sẽ quay lại thời kỳ bị chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ II, mọi thứ về cơ bản đều bị xóa bỏ. Trong khi đồng Nhân dân tệ lại không được lưu thông, tự do chuyển đổi, họ lo lắng không biết lấy gì để tiêu khi ra nước ngoài du lịch, đầu tư kinh doanh hay cho con cái học hành.


Sau ngày 1/7/1997, đúng như Luật Cơ bản, đồng HKD đã trở thành đồng tiền pháp định của Hồng Công, được tự do lưu thông và chuyển đổi. Thực tế của Hồng Công đã chứng minh một nước hoàn toàn có thể có hai loại tiền tệ và những lo ngại liên quan của người dân là không cần thiết. Không chỉ có đồng HKD, sau khi trở về với Trung Quốc, chế độ kinh tế, xã hội, phương thức sinh hoạt của Hồng Công vẫn giữ nguyên, luật pháp về cơ bản không thay đổi, Hồng Công tiếp tục giữ vai trò là một thương cảng tự do, trung tâm thương mại, tài chính quốc tế cũng như duy trì, phát triển quan hệ kinh tế với các nước, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Tất cả cho thấy một cách sinh động về tính sáng tạo và tính khả thi của chính sách “một nước hai chế độ”. Kết quả là Fortune đã phải thừa nhận dự đoán sai lầm khi xưa.


Thực tế còn cho thấy từ khi trở về với Trung Quốc, GDP bình quân đầu người của Hồng Công đã tăng từ 27.000 USD của năm 1997 lên 34.000 USD của năm 2011. Tăng trưởng GDP bình quân của Hồng Công từ năm 2004 tới năm 2011 là 5%, cao gần gấp 2 lần so với các nền kinh tế phát triển khác. Theo đánh giá của Quỹ Heritage (Mỹ), năm 2012, Hồng Công tiếp tục giữ vững vị trí nền kinh tế tự do nhất thế giới. Đây là lần thứ 18 liên tiếp Hồng Công nhận được vinh dự này.

Tính cạnh tranh của nền kinh tế Hồng Công cũng được ghi nhận bởi nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Ngày 31/5 vừa qua, Viện Quốc tế về Phát triển Quản lý (IMD) đã công bố Niên giám Cạnh tranh Thế giới 2012, theo đó, Hồng Công lần thứ hai liên tiếp được xếp hạng là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới trong số 59 nền kinh tế được đánh giá với những biểu hiện xuất sắc, đặc biệt là về hiệu quả hoạt động của chính quyền và hiệu quả kinh doanh. Trước đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Hồng Công trong lĩnh vực tiếp cận tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh và dịch vụ tài chính ngân hàng.

Chính vì thế, Hồng Công đã trở thành trung tâm tài chính châu Á đầu tiên đứng đầu thế giới trong bảng Chỉ số Phát triển Tài chính của WFE, vượt trên Mỹ, Anh và Xinhgapo.


Mười lăm năm sau khi trở về Trung Quốc, Hồng Công vẫn “trên bến dưới thuyền”, nhưng dòng người đổ đến nơi đây thì không ngừng tăng. Đó là bởi dưới chính sách “một nước hai chế độ”, Hồng Công vẫn giữ được sự ổn định chính trị, người dân Hồng Công biết nắm lấy cơ hội, nỗ lực không ngừng, nhưng không thể tách rời khỏi sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc.


Nhân dịp kỉ niệm 15 năm Hồng Công trở về Trung Quốc, Bắc Kinh lại có hàng loạt chính sách mới để thúc đẩy quan hệ kinh tế và văn hóa giữa Hồng Công và Trung Quốc trong 6 lĩnh vực từ tài chính cho tới du lịch. Với nền tảng tốt và ưu thế của mình cùng sự nỗ lực của người dân và sự trợ giúp của chính quyền trung ương, người ta tin rằng Hồng Công sẽ tiếp tục vươn lên “tìm kiếm sự thay đổi trong ổn định” và “tiến cùng thời đại” đúng như khẩu hiệu đưa ra khi tranh cử của ông Lương Chấn Anh.


Bài và ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Hồng Công sau 15 năm: Vẫn là nền kinh tế xuất sắc
Hồng Công sau 15 năm: Vẫn là nền kinh tế xuất sắc

Hai năm trước ngày Hồng Công trở về Trung Quốc, tạp chí Fortune đăng bài “Cái chết của Hồng Công”, cho rằng từ 0 giờ ngày 1/7/1997, mọi thứ ở Hồng Công sẽ thay đổi. Cũng giống như cái tít của bài báo, sự thay đổi này mang hàm ý tiêu cực.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN