Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava: Châu Âu đi tìm sự gắn kết

Hai tháng đã trôi qua kể từ khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong vụ việc được gọi là Brexit, các nhà lãnh đạo EU dường như vẫn lúng túng không biết nên làm những gì và làm như thế nào trong thời kỳ hậu Brexit ngoài việc đưa ra một tuyên bố rất chung chung là EU vẫn tiếp tục tồn tại.

Đây cũng là trọng tâm hội nghị thượng đỉnh không chính thức của liên minh, diễn ra ngày 16/9 tại thủ đô Bratislava của Slovakia. Hội nghị được xem là diễn đàn để các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU (không có Anh) thể hiện sự đoàn kết nội khối, tạo "sức sống mới" và xác định hướng đi trong thời gian tới sau khi Anh ra đi.

Lúng túng như gà mắc tóc

Sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua tại Anh về việc nước này rời khỏi EU, châu Âu đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đe dọa nội bộ. Mặc dù các nước EU đều cho rằng cần phải có hành động cụ thể khi Anh chính thức rời mái nhà chung, song cho tới nay họ vẫn chưa thể thống nhất về một phản ứng chung hậu Brexit. Trong khi khoanh tay đứng xem nước Anh rối ren ra sao và chờ xem chính phủ mới của Anh sẽ xử trí vấn đề Brexit như thế nào, các nước thành viên còn lại của EU lại không thể trả lời được câu hỏi họ cần phải làm gì trong bối cảnh mới này.

Các đại biểu tham dự hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng EU ở Bratislava. Ảnh: THX/TTXVN

Trên thực tế, EU lâu nay đã bị tê liệt bởi nhiều sai lầm đan xen - đó là sự giằng xé giữa "chủ nợ" và "con nợ", giữa "ma cũ" và "ma mới", hay giữa phe tả và hữu trong nội bộ khối. Chẳng có điềm báo tốt nào cho một chương trình cải cách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nghiêm túc theo hướng một liên minh ngân hàng thực sự, một liên minh tài khóa hạn chế và những cơ chế mạnh hơn đảm bảo trách nhiệm dân chủ. Trong khi đó, thực tế tình hình lại không ủng hộ "lục địa già", trong bối cảnh áp lực bên ngoài từ những nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang chực bùng phát trong nội bộ châu Âu. Có nhiều quan ngại rằng EU đang bên bờ vực tan rã và thậm chí khiến châu Âu còn tệ hại hơn so với trước khi EU ra đời.

Nhiều cuộc họp giữa các quốc gia đầu tàu đã được tiến hành để bàn về tương lai của châu Âu hậu Brexit, song hầu hết bị đánh giá là "mang tính hình thức nhiều hơn". Qua các nỗ lực ngoại giao con thoi của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đối với các nước thành viên EU thời gian gần đây, có thể thấy rằng động lực mới cho sự phát triển của EU vẫn còn mù khơi.

Những ưu tiên trọng tâm

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava, các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng sẽ hoạch định được một lộ trình cụ thể và mức độ ưu tiên đối với các mục tiêu cần đạt được trước lễ kỷ niệm 60 năm ra đời Hiệp ước Rome (tháng 3/2017) - một trong những cơ sở cho việc hình thành EU.

“Sự bảo vệ” có thể sẽ trở thành ưu tiên chung của 27 nước thành viên EU (sau Brexit) cũng như một trong những trọng tâm để thể hiện rằng EU sẽ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dân. Trong tuyên bố ngày 2/9, ông Donald Tusk nhấn mạnh: “Người dân ở khắp châu Âu hy vọng rằng sau Hội nghị Bratislava, EU sẽ là nhân tố đảm bảo an ninh, sự ổn định và bảo vệ người dân. Bảo vệ với nghĩa rộng nhất bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế và xã hội”.

Trong một cuộc họp được xem là "trù bị" cho Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava, Tổng thống Pháp François Hollande đã đề xuất 3 ưu tiên hàng đầu để khôi phục EU sau khủng hoảng. Đó là: Bảo vệ các đường biên giới bên ngoài EU thông qua lực lượng biên phòng và kiểm soát bờ biển; Tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước EU, xây dựng một nền quốc phòng độc lập, tách biệt khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ; Tạo xung lực mới cho châu Âu thông qua việc quan tâm hơn đến giới trẻ bằng cách tổ chức chương trình Erasmus (trao đổi tăng cường cấp đại học). Ngoài ra, Pháp cũng muốn tăng cường quỹ đầu tư EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cần tận dụng kỹ thuật số và các công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế, vì châu Âu "vẫn chưa phải là vùng đất có ưu thế cạnh tranh nhất trên thế giới". Còn quan điểm của Thủ tướng Italy Matteo Renzi là "cần phải chứng tỏ cho thế hệ trẻ rằng châu Âu có nghĩa là hòa bình, là an ninh".

Giới quan sát cho rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava, các lãnh đạo EU sẽ quyết tâm đạt sự đồng thuận về tăng cường an ninh nội khối nhằm chống khủng bố và củng cố an ninh biên giới chung để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Hiện tại, giữa các nước vẫn còn một số bất đồng, thí dụ một số quốc gia muốn EU tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại còn một số khác lại nhấn mạnh vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi chia sẻ: "Chúng tôi muốn viết chương mới cho tương lai. Châu Âu sau Brexit sẽ thúc đẩy lại các lý tưởng về thống nhất, hòa bình, tự do và cả ước mơ". Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang gia tăng mạnh ở lục địa, để làm được điều ấy, các nhà lãnh đạo EU cần đưa ra những bước đi cụ thể và định hướng lịch sử để thúc đẩy sự năng động của châu Âu, thay vì chỉ lặp đi lặp lại những ngôn từ sáo rỗng và một tuyên bố rất chung chung là "EU vẫn tiếp tục tồn tại".
Thanh Phương
Tại sao Brexit chưa hủy hoại nền kinh tế Anh?
Tại sao Brexit chưa hủy hoại nền kinh tế Anh?

3 tháng sau ngày bỏ phiếu rời EU, nhiều người Anh lại cảm thấy chưa bao giờ tình hình tốt đến vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN