Hội nghị G20: Gánh nặng dồn lên vai IMF

Công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Cannes (Pháp) vào tháng 11 tới nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang được khẩn trương tiến hành. Chuyên gia Stewart Fleming của Viện Hoàng gia các vấn đề quốc tế (Anh) mới đây cho rằng tại hội nghị này gánh nặng sẽ đổ lên vai Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo ông Stewart, hội nghị G20 lần này sẽ đóng vai trò là một “hội nghị xử lý khủng hoảng” giống hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 4/2009 tại Anh. Hồi đó, mục tiêu đặt ra cho G20 là ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra bởi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp ở Mỹ và sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Lần này, mục tiêu của G20 sẽ là làm sao để cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu không đẩy các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương, thậm chí là nền kinh tế toàn cầu, vào một cuộc suy thoái mới. Giả sử các cuộc thương lượng “dọn đường” hiện nay mang lại kết quả, hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes sẽ ưu tiên chương trình nghị sự để bàn về tái cơ cấu chiến lược khu vực Eurozone nhằm xử lý cuộc khủng hoảng nợ công khu vực. Khi đó, bên cạnh các nền kinh tế đang nổi, IMF sẽ phải đảm nhận một vai trò lớn hơn như là vị cứu tinh cho Eurozone.

Phát biểu tại Frankfurt (Đức) tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet tái khẳng định quyết tâm thoái lui khỏi cương vị “đứng mũi chịu sào” trong cuộc khủng hoảng đồng euro, nhất là với Chương trình Bình ổn Thị trường Chứng khoán. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng các chính phủ, thay vì ECB, có trách nhiệm khôi phục ổn định trên thị trường tài chính châu Âu”. Ông nói thêm, ECB cũng không nghĩ là sẽ cấp thêm tiền cho Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF). Tuyên bố của ECB cho thấy EFSF - hiện đang thiếu khả năng tài chính để có thể chống đỡ một khi các nước như Italia hay Tây Ban Nha vỡ nợ - sẽ phải tìm sự trợ giúp ở nơi khác. Các cuộc thảo luận hiện nay đang diễn ra theo hướng liệu IMF, hiện cũng đang phải phân thân cho các cuộc cứu trợ ở Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha, có thể thay thế vai trò của ECB hay không?

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde từng nói, định chế này cũng đang cần được bổ sung thêm nguồn lực cho quỹ dự phòng khẩn cấp hiện có 400 tỷ USD. Như vậy, cũng giống như hội nghị G20 cách đây 2 năm, vấn đề đặt ra là IMF sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ từ đâu. Có lời đồn đoán rằng các quốc gia thặng dư ngoại tệ ở Trung Đông và các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc, nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, có thể sẽ đóng vai trò là những người cho vay chính, bên cạnh một số nền kinh tế còn đủ sức như Nhật Bản.

Một vấn đề nữa sẽ là làm sao để có thể củng cố lại hệ thống ngân hàng mong manh của châu Âu, bao gồm cả khu vực Đông Âu. Các nhà lãnh đạo EU đều nhất trí việc tối quan trọng hiện nay là phải bơm thêm vốn cho các ngân hàng có nguy cơ cao trong khu vực. Lý do lớn nhất là bởi hệ thống ngân hàng sẽ bị một cú sốc lớn nữa một khi EU quyết định ngừng cứu Hy Lạp ra khỏi vũng lầy nợ nần. Liệu việc tái cấp vốn cho các ngân hàng đang suy yếu có thể nhận được sự đồng thuận bởi các nhà đầu tư tư nhân, các chính phủ, các cơ chế như IMF hay EFSF và các tổ chức tài chính quốc tế khác hay không, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Nhiều ngân hàng ở EU hầu như không thể huy động được các khoản tín dụng cần thiết để có thể duy trì hoạt động cho vay. Vì vậy, hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 cuối tuần này sẽ được các thị trường theo dõi đặc biệt.

Vũ Hội  (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN