Hồi hộp với vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp

Kết quả vòng 1 không tạo ra bất ngờ, nhưng nó cũng bộc lộ rõ nước Pháp đang bị chia rẽ đến mức độ nào và uy tín của các đảng phái lớn đã sa sút ra sao.

Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron (trái) và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen (phải) sẽ bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã bước qua nửa chặng đường với kết quả vòng 1 không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Hai ứng cử viên đi tiếp vào vòng hai, diễn ra sau 2 tuần nữa, đều là những nhân vật trẻ về tuổi đời, có người còn bị đánh giá là ít kinh nghiệm chính trường hơn nhiều ứng cử viên còn lại. Đó là ứng cử viên độc lập theo tư tưởng trung dung Emmanuel Macron, 39 tuổi, và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen, 49 tuổi.

Kết quả vòng 1 không tạo ra bất ngờ, nhưng nó cũng bộc lộ rõ nước Pháp đang bị chia rẽ đến mức độ nào, và uy tín của các đảng phái lớn, từng cầm quyền ở Pháp nhiều thập kỷ qua đã sa sút ra sao. Lần đầu tiên kể từ năm 1981, cả hai đảng lớn là đảng Cộng hòa và đảng Xã hội Pháp đều mất quyền lãnh đạo đất nước. Nếu trong cuộc bầu cử năm 2012, tỷ lệ cử tri ủng hộ 2 đảng này là 56%, thì nay con số chỉ còn chưa đầy một nửa – 26%.

Nhìn vào bản đồ bầu cử, có thể thấy bà Le Pen đã giành chiến thắng ở những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao và lương lao động thấp, chủ yếu ở miền Bắc và Đông Nam nước Pháp, những nơi mà cử tri đã bị thu hút bởi các cam kết cấm người nhập cư và đàm phán lại về mối quan hệ của Pháp với Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, ông Macron đã dễ dàng giành phiếu ở các thành phố lớn và các khu kinh tế chính của Pháp, như Paris hay Bordeaux, nơi các chính sách ủng hộ doanh nghiệp và thúc đẩy xã hội của ông được cử tri hoan nghênh. Theo giới phân tích, chính yếu tố khác biệt này sẽ quyết định kết quả vòng 2 cuộc bầu cử vào ngày 7/5 tới.

Với ông Macron, một gương mặt trẻ ít kinh nghiệm chính trường lần đầu tiên ra tranh cử tổng thống, chiến thắng ngay ở vòng đầu được coi là một kỳ tích. Với phòng trào “Tiến bước" mới ra đời của mình, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế đã thu hút lá phiếu nhờ chủ trương chính sách theo “đường lối vừa tự do, nhưng vẫn giữ có xu thiên tả".  Nét chính trong cương lĩnh tranh cử của ông Macron là nỗ lực giảm bội chi ngân sách và nợ công, với mục tiêu tiết kiệm 60 tỷ euro trong nhiệm kỳ 5 năm nhờ giảm đội ngũ viên chức nhà nước và cắt bớt ngân sách cho các chính quyền cấp vùng. Bãi bỏ quy định 35 giờ làm việc một tuần với giới trẻ; giảm thuế doanh nghiệp, giữ nguyên mức thuế cho tư nhân để khuyến khích tiêu thụ; đầu tư vào các công nghệ của tương lai như tự động hóa, kỹ thuật số.

Về an ninh, ông Macron chủ trương tuyển dụng thêm 10.000 cảnh sát và hiến binh, tăng ngân sách quốc phòng. Chính trị gia trẻ tuổi này mong muốn đẩy mạnh hội nhập chính trị, kinh tế và tài chính trong EU và Eurozone; duy trì hiệp định tự do đi lại trong khối Shengen, đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới ngoài EU. Ông Macron cũng muốn hợp tác với Đức để xây dựng một EU hoàn toàn mới.

Vị trí thứ 2 trong vòng 1 cuộc bầu cử của bà Le Pen, người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, có tư tưởng bài ngoại và chống nhập cư, cũng được coi là vô cùng ý nghĩa đối với đảng cực hữu Mặt trận quốc gia. Tờ The New York Times bình luận “với chiến thắng ngày 23/4, bà Le Pen đã kéo đảng FN, lần đầu tiên trong hơn 40 năm tồn tại của mình, từ phía ngoài rìa vào trung tâm của chính trường nước Pháp”. Chủ trương của bà là đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và chặn đứng dòng người nhập cư. Tuy có thể  không đóng sập cửa hoàn toàn, nhưng bà sẽ hạn chế lượng người nhập cảnh hợp pháp vào Pháp ở mức 10.000 lượt người mỗi năm, tức là chỉ bằng 1/20 mức hiện nay.  Bà cũng khẳng định sẽ thực hiện nhiều đề xuất gây sốc trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh EU nhằm đàm phán lại các hiệp ước châu Âu và tìm kiếm các không gian hành động, đặc biệt liên quan tới đồng euro; khôi phục tuổi nghỉ hưu ở 60 tuổi; ưu tiên cấp nhà ở xã hội cho người dân Pháp, duy trì mức thuế 3% đánh vào hàng hóa nhập khẩu, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Hai ứng cử viên Macron và Le Pen sẽ có 2 tuần để cho các cử tri thấy ai là người chuẩn bị tốt nhất cho vị trí tổng thống Pháp. Trong các cuộc thăm dò dư luận từ nhiều tháng qua, ông Macron luôn chiếm lợi thế hơn bà Le Pen nếu cả hai đối đầu tại vòng hai, thậm chí còn có thể bỏ xa bà Le Pen tới 25% số phiếu. Ngay sau khi có kết quả sơ bộ của vòng 1, hai ứng cử viên thất bại là cựu Thủ tướng Francois Fillon và ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon đều đã công khai tuyên bố ủng hộ ông Macron, đồng thời kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ứng cử viên độc lập này trong vòng 2.

Lợi thế đang nghiêng về ông Macron, không hẳn ông đã hoàn toàn thuyết phục cử tri, mà chủ yếu do tâm lý lo ngại đảng cực hữu lên cầm quyền. Cho dù bà Le Pen đã dành phần lớn sự nghiệp để cải tổ đảng của mình theo hướng tránh xa chủ nghĩa cực đoan, nhưng những tư tưởng cực hữu của đảng FN vẫn là mối lo đối với đông đảo người dân Pháp, và kể cả châu Âu. Trong bối cảnh tư tưởng hoài nghi châu Âu đang gia tăng hiện nay, tác động của kết quả bầu cử tại Pháp được cho là sẽ vượt qua biên giới quốc gia. Và một chiến thắng của ứng cử viên cánh hữu Le Pen tại vòng 2 có thể đẩy nước Pháp và cả EU vào tình thế nguy hiểm.

Phát biểu khi tuyên bố ủng hộ ông Macron, ứng cử viên Fillon đã nhấn mạnh “Chủ nghĩa cực đoan chỉ đem lại bất hạnh và chia rẽ”. Còn ông Hamon nêu rõ: “Cần phải phân biệt rất rõ ràng giữa đối thủ chính trị và kẻ thù của nền cộng hòa… Chính vì vậy, việc dồn phiếu cho ông Macron là điều tối quan trọng lúc này”. Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve thì đặt ngay dòng tweet “Hãy chống lại kế hoạch của đảng FN nhằm đưa nước Pháp trở lại thời lạc hậu và chia rẽ nhân dân Pháp”.

Thực thế này cho thấy nước Pháp đang trải qua những căng thẳng chính trị sâu sắc. Đó là sự xung đột về tương lai hội nhập của Pháp với kinh tế toàn cầu và với châu Âu. Nhà phân tích chính trị Bruno Cautres thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị (trụ sở tại Paris) cho rằng nước Pháp giờ đây không chỉ dừng lại ở sự chia rẽ cánh tả - cánh hữu, mà nó phức tạp hơn nhiều bởi sự đối chọi giữa tư tưởng ủng hộ toàn cầu hóa với tư tưởng chống lại toàn cầu hóa.

Những xung đột tư tưởng nói trên có thể đưa ông Macron vào vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, những thực tế phải đối mặt hàng ngày mới chính là yếu tố tác động tới lá phiếu của cử tri. Kinh tế đình trệ, an ninh bất ổn, hệ thống nhà nước tiêu tốn tới 57% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi có tới 1/4 thanh niên Pháp đang thất nghiệp… sẽ là những vấn đề nóng mà tổng thống mới phải giải quyết. Nếu vượt qua được bất lợi về kinh nghiệm chính trường và tránh trở thành phiên bản của Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande, khả năng chiến thắng của ông Macron là khá cao. Tuy nhiên, một kịch bản ngược lại cũng có thể bất ngờ xảy ra. Thắng lợi bước đầu của bà Le Pen là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa dân túy vẫn đang trỗi dậy tại châu Âu, bất chấp những thất bại gần đây của phe cánh hữu dân túy trong các cuộc bầu cử ở Áo và Hà Lan.

Thanh Bình/TTXVN
Bầu cử Pháp: Ứng cử viên 39 tuổi Emmanuel Macron dẫn đầu vòng 1
Bầu cử Pháp: Ứng cử viên 39 tuổi Emmanuel Macron dẫn đầu vòng 1

Kết quả kiểm 46 triệu phiếu cho thấy ông Emmanuel Macron dẫn đầu với 23,82% số phiếu giành được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN