Hiệp ước Schengen - lỗ hổng an ninh châu Âu

Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 3/11, với hơn 3.000 người châu Âu hiện chiến đấu như những tay súng thánh chiến tại Iraq và Syria, Hiệp ước Schengen - cho phép công dân của 26 quốc gia châu Âu đi lại tự do qua biên giới các nước này mà hầu như không bị kiểm tra bất cứ giấy tờ gì - đang trở thành một "lỗ hổng an ninh" đáng lo ngại.

Schengen - mối quan ngại lớn của châu Âu.


Ngày càng có nhiều quan chức an ninh châu Âu thừa nhận họ chưa thấy có biện pháp nào để dễ dàng bịt lỗ hổng này. "Schengen là mối quan ngại số một - vấn đề lớn mà chúng tôi đang phải trầy trật đối phó", một quan chức chống khủng bố hàng đầu của châu Âu nói. "Theo dõi tất cả các chiến binh nước ngoài này vốn đã rất khó và sự thiếu thông tin do nguyên tắc kiểm soát lỏng lẻo của Schengen biến việc này gần như thành bất khả thi".

Cho phép người dân di chuyển tự do là một trong các nguyên tắc trụ cột của EU và việc biên giới giữa các nước thành viên được để ngỏ là một niềm tự hào lớn của khối này. Thỏa thuận Schengen, được hợp nhất vào luật EU năm 1997, hệ thống hóa điều này bằng việc cấm mọi hình thức kiểm soát biên giới một cách hệ thống vì bất cứ lý do nào khác ngoài việc chứng thực giấy tờ đi lại của các cá nhân. Trên thực tế, thậm chí việc kiểm tra theo hệ thống các giấy tờ này cũng được nới lỏng: nhiều nhân viên bảo vệ biên giới chỉ đơn giản liếc qua màu sắc bìa hộ chiếu của người đi qua biên giới.

Đối với các cơ quan an ninh, điều này đồng nghĩa với việc không thể tham khảo cơ sở dữ liệu quốc tế về các đối tượng hay nghi can khủng bố, hay thậm chí không thể bày tỏ lo ngại về một mẫu giấy tờ đi lại đáng nghi ngờ của một cá nhân nào đó. Phát biểu với báo giới hồi tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho rằng Hiệp ước Schengen cần được thay đổi để ngăn chặn việc các tay súng thánh chiến qua lại giữa biên giới các nước châu Âu mà không bị phát hiện.

"Thông tin rằng ai đó là một chiến binh nước ngoài cần được nhận biết dễ dàng hơn cho các cơ quan bảo vệ biên giới. Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng các nhóm người liên quan cũng được kiểm tra thực sự", ông Thomas de Maiziere nói.

Tuy nhiên, do vấn đề này nằm trong luật EU nên việc cải cách Schengen phải mất nhiều năm để thực hiện. Bất cứ sự hối thúc nào cũng sẽ có khả năng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước châu Âu vốn coi nguyên tắc di chuyển tự do là "bất khả xâm phạm". Các nỗ lực nhằm tăng cường thu thập thông tin của công dân cũng có thể trở thành liều thuốc độc chính trị ở nhiều phần của châu Âu, sau vụ bê bối nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Chỉ riêng đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc lập cơ sở dữ liệu EU đối với hành khách cũng đang "chết tắc" tại Nghị viện châu Âu suốt 2 năm qua.

Dù vậy, một số ý chí chính trị vẫn tồn tại. Tháng 10 vừa qua, ông Thomas de Maiziere và các Bộ trưởng Nội vụ khác đã nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch 22 điểm do EC soạn thảo nhằm đối phó với chủ nghĩa thánh chiến. Các Bộ trưởng cũng nhất trí xem xét một kế hoạch quyết đoán hơn do một nhóm không chính thức, thuộc 9 nước châu Âu bị tác động nặng nề nhất bởi chủ nghĩa thánh chiến, chấp bút.

Trong số các đề xuất này, trước hết phải kể đến một kế hoạch giới thiệu biện pháp kiểm tra điện tử nhanh nhưng có hệ thống thay vì hình thức kiểm tra bằng mắt thường hiện nay tại tất cả các biên giới để xác minh giấy tờ đi đường. Những người đi qua các trạm kiểm soát biên giới sẽ được kiểm tra hộ chiếu qua máy quét. Điều này ít nhất cũng sẽ cho phép các lực lượng bảo vệ biên giới chặn lại những phần tử thánh chiến đi lại bằng các hộ chiếu đã bị hủy.

Hiện tại, cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin Schengen có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu của Cảnh sát châu Âu (Europol) và Cảnh sát Quốc tế (Interpol) để kiểm tra xem những giấy tờ đó có hợp pháp hay không. Do ngày càng có nhiều nước châu Âu - trong đó có Đức - thực hiện quyền hủy hộ chiếu đối với những đối tượng bị nghi là phần tử thánh chiến, các biện pháp như vậy có thể mang lại hiệu quả.

Tuy vậy, việc lập ra một cơ sở dữ liệu rộng rãi hơn bao gồm cả tên của những đối tượng bị nghi là phần tử thánh chiến hoặc cấp tiến có hộ chiếu có thể chưa bị hủy lại khó khăn hơn nhiều. Ông Raffaello Pantucci, Giám đốc bộ phận nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cùng các nhà phân tích an ninh nhận định rằng các nước trước hết phải vượt qua sự "không tin tưởng lẫn nhau" trong nỗ lực đối phó với vấn đề thánh chiến.


TTK

Đức ngăn Bulgaria và Romania gia nhập Schengen
Đức ngăn Bulgaria và Romania gia nhập Schengen

Đức tuyên bố sẽ ngăn cản Bulgaria và Romania gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen khi các bộ trưởng châu Âu nhóm họp vào ngày 7/3 để thảo luận vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN