Hiệp định Geneva đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân loại

60 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký kết, quan hệ quốc tế đã chuyển sang một trang mới với mong muốn đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân loại. Nhân dịp này phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn Tổng thư ký Tổ chức hòa bình quốc tế IPB Colin Archer. IPB được thành lập từ năm 1891-1892 và đã được vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình năm 1910. Trong hơn 100 năm qua, 13 cá nhân làm việc tại IPB đã được nhận giải thưởng này.

Dưới đây là nội dung buổi trao đổi:

    

PV: Cộng đồng quốc tế luôn yêu chuộng hòa bình, các quốc gia trên thế giới có thể làm gì để hợp tác cùng nhau cho một thế giới không có chiến tranh?

           

TTK Colin Archer: Trong thế kỷ qua, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Hơn ai hết, mong muốn khát khao của mọi người Việt Nam là có được môi trường hòa bình và hiểu được giá trị của hòa bình. Tôi may mắn không bị rơi vào hoàn cảnh chiến tranh, nhưng tôi cũng rất hiểu nỗi đau của chiến tranh và mất mát. Vấn đề là ở chỗ độc lập tự do của quốc gia cũng không kém phần quan trọng, nhất là đối với Việt Nam.


Do vậy làm thế nào có thể cân bằng được những giá trị khác nhau. Đó là lý do tại sao cần có một hệ thống để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia cũng như các dân tộc và hệ thống đó chính là luật pháp quốc tế mà đã được hình thành và phát triển cả một quá trình kéo dài đến 150 năm tính đến nay. Cũng vì lý do đó mà Hội Quốc Liên được thành lập sau Thế chiến thứ nhất và sau này được thay thế bằng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đại diện cho các quốc gia, cùng với đó là các tòa án quốc tế.

           

Tổng thư ký IPB Colin Archer trong buổi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Geneva. Ảnh: Hoàng Long/TTXVN


Điều 26 Hiến chương LHQ quy định để có thể thúc đẩy việc thiết lập và duy trì hoà bình và an ninh quốc tế bằng cách chỉ dùng một số tối thiểu nhân lực và tài nguyên kinh tế thế giới vào việc vũ trang, Hội đồng bảo an có trách nhiệm với sự giúp đỡ của Ủy ban tham mưu quân sự như ghi ở điều 47, khởi thảo những kế hoạch xây dựng hệ thống sử dụng lực lượng vũ trang để trình lên các thành viên LHQ. Tuy nhiên, không phải các vấn đề đều được Hội đồng bảo an, trong đó có 5 ủy viên thường trực, giải quyết một cách thỏa đáng. Chính vì vậy vẫn phải cần đến tiếng nói của cộng đồng quốc tế, các xã hội dân sự để bày tỏ tình hữu nghị thể hiện sức mạnh đoàn kết, nhất là khi một số chính phủ muốn gây chiến và không muốn đàm phán.

           

Theo quan điểm của IPB, vũ khí và chạy đua quân sự đều gây ra những tác động tàn phá, nhất là khi thế giới hiện nay đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Giải trừ quân bị bền vững cho phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chính của IPB.

            

PV: Geneva là thành phố của hòa bình, ông nghĩ sao về những thỏa thuận hòa bình được ký ở Geneva, đặc biệt là Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương lập lại hòa bình và chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam?

             

TTK Colin Archer: 1954 đã cách đây 60 năm, ở thời điểm đó tôi còn rất nhỏ nên không thể nhớ. Nhưng sau này tôi đã đọc lại những sách lịch sử, tìm hiểu những người có liên quan và được biết Hiệp định đánh dấu việc mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, một thỏa thuận không thể giải quyết ngay được vấn đề và Hiệp định Geneva 1954 chính là bước khởi đầu để đi tới Hiệp định Paris được ký kết vào những năm 1970.

           

Ở thời điểm cuộc chiến tranh lạnh có nhiều điểm phức tạp và Hiệp định Geneva 1954 không chỉ liên quan đến Việt Nam. Nhiều điều quy định trong Hiệp định đã không được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó điều khoản tổng tuyển cử trong cả đất nước mà Việt Nam DCCH chủ trương tuyển cử càng sớm càng tốt. Mỹ tham gia  hội nghị với mong muốn thay chân Pháp, nên mặc dù Pháp thất bại trong trận Điện Biên Phủ song Mỹ tiếp tục ép Pháp ngăn chặn mọi thỏa hiệp. Mỹ tuyên bố không bị rành buộc bởi các quy định của Hiệp định và cho mình quyền tự do hành động. Sau khi hòa bình được thành lập trên bán đảo Đông Dương phù hợp với hiệp định Geneva năm 1954, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch thâm nhập vào miền Nam Việt Nam biến những nỗ lực giành tự do và thống nhất đất nước phải kéo dài và tốn nhiều xương máu.

           

Đây quả thực là vấn đề khó khăn cho các tổ chức hòa bình. Quan điểm của chúng tôi là không ủng hộ chiến tranh mà ủng hộ những hành động phi bạo lực bởi vì chiến tranh và vũ lực sẽ không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ dẫn đến cuộc chiến tranh khác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ủng hộ quyền tự quyết của các nước trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền và phản đối chế độ thuộc địa. Tôi cũng biết rằng Việt Nam đã có nhiều hy sinh, mất mát và nhiều anh hùng làm nên lịch sử. Song vấn đề đó có lẽ để cho các nhà lịch sử đánh giá rõ hơn.

           

Geneva là thành phố của hòa bình không chỉ vì những thỏa thuận hòa bình được ký ở đây mà còn là vì Geneva là nơi đặt trụ sở của rất nhiều tổ chức quốc tế như Văn phòng Liên hợp quốc tại châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế... Điều quan trọng hơn nữa là có sự hợp tác, liên hệ của các tổ chức này trong các vấn đề toàn cầu và điều này đã thể hiện giá trị của Geneva. Nhiều vấn đề hiện nay không một quốc gia nào có thể tự đứng ra giải quyết mà cần có sự phối hợp và cần phải đạt được các thỏa thuận cũng như các hiệp định.

 

PV: Giới trẻ trong tương lai luôn đóng một vai trò quan trọng, theo ông làm thế nào để các thế hệ trẻ nhìn nhận được giá trị của hòa bình cũng như các thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh mang lại sự bình yên cho nhân loại?

           

TTK Colin Archer: Tương lai của hành tinh phụ thuộc vào chính những người sẽ sinh sống ở đó, các thế hệ hôm nay và mai sau. Nhiều dự án hôm nay với hy vọng đạt được những thành quả trong tương lai. Chúng tôi hiện có những chiến dịch toàn cầu cùng với một số dự án hướng tới giáo dục lớp trẻ hiểu được giá trị của hòa bình. Đã có nhiều những bài học về chiến tranh, các sách lịch sử, các học viện quân sự và vấn đề hòa bình cũng cần được như vậy, và các thỏa thuận hòa bình không chỉ giới hạn đào tạo cho các nhà ngoại giao. Hòa bình nên là đề tài thường ngày, thậm chí ngay ở các trường học phổ thông. Học sinh cần được dạy để làm sao giải quyết được các xung đột không phải bằng nắm đấm, học cách lắng nghe những bạn bè xung quanh, cách tìm ra biện pháp thỏa hiệp, cách sáng tạo và tìm kiếm được giải pháp chung.

           

Còn ở các trường đại học, các sinh viên cũng cần được học những chủ đề cập độ toàn cầu như cấu trúc quan hệ quốc tế, hệ thống luật pháp quốc tế, Liên Hiệp Quốc các quá trình thương thảo để đạt được các thỏa thuận hòa bình và tiến tới các hiệp định hòa bình chấm dứt chiến tranh, những nỗ lực giải trừ quân bị, những chiến thuật để đưa mọi người đến với nhau và đạt được các dàn xếp về chính trị... Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm.

           

Tôi đánh giá cao những nỗ lực của truyền thông Việt Nam trong việc phổ biến cho mọi người hiểu được cuộc xung đột, trong bối cảnh có những tranh chấp chủ quyền về biển đảo. Mọi nỗ lực xâm chiếm biển đảo bằng vũ lực đều không thể chấp nhận. Cả hai bên đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đàm phán hoà bình là con đường phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia và toàn nhân loại. Nếu những nỗ lực ngoại giao không thể mang lại kết quả, mọi vấn đề cần được giải quyết tại Toà án quốc tế dựa trên công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

 

 

Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)

 

 

 

 

Chặng đường dài tới hội nghị Geneva
Chặng đường dài tới hội nghị Geneva

Hiệp định Geneva, ký ngày 20/7/1954, được xem như sự công nhận quốc tế về luật pháp với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và thống nhất đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN