Hiểm họa IS biến hình - Kỳ 2: Cuộc giằng co chưa có hồi kết

Khi IS thắng thế dọc tây bắc Iraq đầu tháng 8/2014, Washington cuối cùng cũng phải ra tay can thiệp, điều động các máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và trực thăng tấn công từ các tàu chiến lẫn căn cứ trên mặt đất trong khu vực. Lầu Năm Góc nhanh chóng trở thành lực lượng dẫn đầu liên quân quốc tế, với nhiều tàu chiến và hàng trăm máy bay và sau đó đã mở rộng các cuộc không kích cũng như phóng tên lửa tấn công vào Syria hồi cuối tháng 9.

Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu sân bay USS George H.W. Bush trong Vùng Vịnh ngày 23/9. Ảnh: Reuters


Cho dù vấp phải những chỉ trích từ các chuyên gia, chính trị gia và phần lớn là từ công luận, các cuộc không kích trên đã giúp Iraq và người Kurd đẩy lùi IS trên mặt đất. Các cuộc không kích của phương Tây đóng vai trò là nhân tố quyết định trong việc giúp lực lượng người Kurd chấm giúp sự kiểm soát của IS tại núi Sinjar ở bắc Iraq, nơi hàng chục ngàn người tị nạn Yazidi chết dần chết mòn vì đói và khát.

Ngoài Rabia và các thành phố khác, Mỹ cùng với sự hỗ trợ về không lực của đồng minh, cũng giúp người Kurd và quân đội Iraq tái chiếm đập nước chiến lược Mosul. Đầu tháng 10, khi mũi tấn công của IS hướng đến Baghdad, trực thăng chiến đấu của quân đội Mỹ đã ra trận làm suy giảm sinh lực của chúng. Tại thành phố chiến lược Kobane ở biên giới Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ, IS với xe xăng và pháo cũng đã ở vào thế ngấp nghé thắng lợi trước khi bị máy bay chiến đấu liên quân chặn bước tiến.

Trong thời điểm cuối hè và đầu thu dọc khu vực đông Syria và tây bắc Iraq, tình thế vẫn không thay đổi. IS triển khai các đơn vị chiến đấu truyền thống với phương tiện cơ giới hạng nặng và liên quân do Mỹ cầm đầm nhắm đánh các lực lượng này bằng máy bay không người lái và máy bay chiến đấu. Liên quân ném bom, phóng tên lửa và sử dụng trực thăng, giúp các lực lượng tại chỗ làm chậm lại, chấm dứt hoặc đảo ngược tình thế tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của IS.

Thay đổi hoặc chết

Nếu IS tiếp tục trung thành với lối chiến thuật truyền thống, chúng có thể chịu chung số phận mà nhóm nổi dậy M23 đã nhận lấy ở Cộng hòa Dân chủ Congo cuối năm 2013. Sau nhiều tháng, Liên hợp quốc đã phát động một cuộc tấn công quân sự toàn lực nhằm vào M23 gần Goma ở đông Congo, bằng một lực lượng mạnh mà phần lớn là bộ binh Nam Phi cùng chiến giáp và trực thăng.

Phóng rocket đánh M23 ở Kibumba, bắc Goma ngày 27/10/2013. Ảnh: Reuters


M23 đã chọn lối đánh người đấu người, xe tăng đấu xe tăng, và thất bại. Lực lượng Liên hợp quốc dễ dàng giải phóng các thị trấn bị phiến quân chiếm đóng, phá hủy phương tiện cơ giới của kẻ địch và tiêu diệt các tay súng chống đối. Trước khi năm 2013 kết thúc, sự tồn tại của M23 chỉ còn nằm trong sử sách.

Công bằng mà nói, vẫn có các nhóm phiên quân khác của châu Phi đã chứng minh được tính kiên cường của chúng. Trong vòng 7 năm qua, Liên minh châu Phi đã chiến đấu chống nhóm Al Shabab ở Somalia. Cho đến đầu tháng 10 năm nay, liên minh này cùng quân đội Somalia cuối cùng đã tái chiếm lại thành trì lớn duy nhất còn lại của Al Shabab ở bờ biển của nước này.

Nhưng đối lập với M23, nhóm đã thất bại trong việc phát triển trước sự tấn công của Liên hợp quốc, Al Shabab đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật chiến đấu theo lối truyền thống của chúng. “Thay vì cố bám trụ vào những vùng lãnh thổ rộng, chúng tăng cường dùng lính du kích và chiến thuật khủng bố”, Peter Dörrie, một chuyên gia độc lập về an ninh châu Phi đã viết. Các cuộc đánh bom và nổ súng của Al Shabab ở Somalia, Uganda và Kenya đã giết chết hàng trăm người trong những năm qua.

Và giờ đây, IS cũng đã cho thấy những dấu hiệu của việc theo chân mô hình phát triển của Al Shabab thay vì con đường dẫn vào ngõ cụt của M23. Ngày 23/9, trung tướng William Mayville, Chỉ huy chiến dịch không kích ở Iraq, nói: IS là “một lực lượng biết thích ứng và học hỏi”.

Đến cuối tháng 9 vừa qua, IS ở Iraq và Syria đã bắt đầu thích nghi với các cuộc không kích của Mỹ và liên quân. Chúng tản ra và lẩn trốn trong khu vực dân cư để gây khó khăn cho liên quân. “Đúng vậy, chúng đang tản ra và không liên lạc một cách công khai, liều lĩnh như đã từng làm”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong ngày 30/9.

Hôm 27/9, sau khi thực hiện các cuộc tuần tra đầu tiên trên bầu trời Iraq mà không phát hiện ra mục tiêu nào để đánh bom, các máy bay chiến đấu của Anh quay trở lại căn cứ ở Cyprus với đầy đủ đạn dược. Ngày 5/10, không lực Australia trong chuyến bay đầu tiên trên không phận Iraq cũng không phát hiện các chiến binh IS.

Bước đi logic tiếp theo của IS có thể là việc quay trở về nguồn gốc của chúng: là một nhóm du kích và khủng bố, nhóm không cố đối chọi, so găng với Mỹ và đồng minh về kho vũ khí, pháo hay máy bay. Và khi đó, xét trên phương diện kĩ thuật, lực lượng quân đội Iraq và người Kurd có thể giải phóng mọi thị trấn và thành phố mà IS hiện đang chiếm giữ mà không cần phải tiệm cận đến việc đánh bại IS.

Diễn tiến của tình hình sau đó có thể sẽ là một chiến dịch đẫm máu, kéo dài với những cuộc đánh bom và giết chóc kinh hoàng khi các nhóm nhỏ IS thâm nhập vào các cộng đồng dọc Syria và Iraq, và rất có khả năng là ở cả các quốc gia láng giềng.

Như những cuộc chiến tranh kéo dài của Mỹ tại Iraq và Afghanistan đã chứng minh, việc đánh bật rễ các phần tử khủng bố và nổi dậy có thể là công việc tổn hao nhân lực, vật lực và chuốc bực dọc vào thân. Và những cái giá phải trả đó thậm chí còn lớn hơn so với việc dội bom các đội hình bộ binh và xe tăng của chúng từ trên không.



Anh Tiếu (Theo Reuters)


Hiểm họa IS biến hình - Kỳ 1: 'Đứa con lai' khủng bố
Hiểm họa IS biến hình - Kỳ 1: 'Đứa con lai' khủng bố

Từ ngày ra đời, IS đã gây ra nhiều sóng gió tại Trung Đông. Và sự lớn mạnh của nhóm khủng bố này đặt ra câu hỏi: Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và đồng minh sẽ đi về đâu một khi IS thay đổi chiến thuật khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN