Hezbollah có thể khiến cuộc xung đột Syria lan rộng

Phong trào Hezbollah ở Lebanon đã tham gia cuộc chiến khốc liệt nhất vì vị Tổng thống đang bị bao vây Bashar al-Assad. Động thái này làm dấy lên cảnh báo của cộng đồng quốc tế rằng cuộc nội chiến ở Syria có thể lan rộng và khiến Mỹ phải đưa ra lời kêu gọi kiềm chế khẩn cấp.

Các nhà hoạt động Syria cho biết hôm 19/5, khoảng 30 tay súng Hezbollah cùng 20 binh lính Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã thiệt mạng trong trận chiến dữ dội nhất từ đầu năm tới nay tại thành trì của phe nổi dậy ở thị trấn Qusayr, gần biên giới Lebanon.

Cảnh đổ nát tại Qusayr sau xung đột ngày 20/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Đây là ngày tổn thất nặng nề nhất đối với phong trào Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Syria, đồng thời thể hiện rõ cách mà Iran đang nỗ lực hậu thuẫn cho ông Assad. Động thái này khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Lebanon - Tổng thống Michel Suleiman.

Nếu những tổn thất của Hezbollah ở Syria được xác nhận thì điều này cho thấy cuộc chiến ở Syria đang trở thành cuộc xung đột "mượn tay người khác" giữa quốc gia Hồi giáo dòng Shi'ite Iran và các quốc gia Arập khác như Arập Xêút và Qatar - những nước hậu thuẫn kẻ thù Hồi giáo dòng Sunni của ông Assad. Việc hàng chục người thiệt mạng trong cuộc đánh bom mang tính giáo phái ở Iraq hôm 20/5 cùng cuộc thảm sát tại Tripoli, thành phố lớn thứ hai của Lebanon, càng làm gia tăng sự đối đầu vốn đã lan rộng trong khu vực.

Các cường quốc phương Tây và Nga, hậu thuẫn hai phe đối lập trong cuộc xung đột tại Syria, cũng đang vượt ra khỏi biên giới nước này. Hiện Israel đã can dự mặc dù Mỹ và các đồng minh đang tránh một cuộc can thiệp quân sự nhằm hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy Hồi giáo. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này đã "chuẩn bị cho mọi kịch bản" ở Syria và trong tương lai có thể tiếp tục tấn công vào Syria nhằm ngăn chặn Hezbollah và các kẻ thù khác của Israel có được các vũ khí tối tân.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã lên tiếng với Tổng thống Lebanon Suleiman và "bày tỏ quan ngại của ông về vai trò chủ động và ngày càng tăng của Hezbollah ở Syria, lực lượng đang chiến đấu nhân danh chế độ Assad - điều hoàn toàn trái ngược với chính sách của Chính phủ Lebanon". Tuy nhiên, chính quyền Beirut lại có những biện pháp hạn chế trong việc gây ảnh hưởng đến nhóm Shi'ite đầy quyền lực chính trị và quân sự này.

Phe đối lập ở Syria và truyền thông nhà nước Syria đăng tải các thông tin khác nhau về cuộc đụng độ hôm 19/5 ở Qusayr- địa điểm từ lâu được phe nổi dậy sử dụng làm tuyến đường tiếp tế từ Lebanon đến thành phố Homs. Cuộc tấn công bằng máy bay và xe tăng vào thị trấn chiến lược với 30.000 dân này là một phần trong chiến dịch do quân đội của Tổng thống Assad tiến hành nhằm củng cố quyền lực ở Damascus và bảo đảm tuyến đường kết nối giữa thủ đô và thành trì của chính phủ ở khu vực duyên hải miền trung.

Chiến dịch của Chính phủ Syria diễn ra vào đúng thời điểm Mỹ và Nga đang nỗ lực tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria bất chấp những bất đồng nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài đến năm thứ ba ở nước này khiến hơn 80.000 người chết.

Theo các nguồn tin từ phe đối lập, trong đó có Tổ chức Giám sát Nhân quyền ở Syria có trụ sở tại Anh, tổng số đã có khoảng 100 binh sỹ của cả hai phía thiệt mạng trong cuộc đụng độ hôm 19/5. Con số này cho thấy có ít nhất hàng trăm binh sỹ đã tham gia trận chiến.

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin quân đội Chính phủ đã "lập lại an ninh và ổn định ở hầu hết các khu vực lân cận của Qusayr" và "đang truy đuổi những tên khủng bố còn lại ở khu vực phía Bắc". Truyền hình Syria cũng chiếu cảnh một chiếc xe jeep của quân đội Israel và cho rằng chiếc xe này đã được lực lượng nổi dậy sử dụng - bằng chứng cho thấy lực lượng nổi dậy được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nữ phát ngôn viên của quân đội Israel nói rằng chiếc xe này đã không được sử dụng từ mười năm trước và cho rằng đoạn phim này chỉ là "sự tuyên truyền không hiệu quả".

Vụ đụng độ này đã khiến các quốc gia phương Tây đang tìm cách gây sức ép lên ông Assad nổi giận. Anh và Pháp muốn Liên minh châu Âu cho phép chuyển vũ khí cho lực lược nổi dậy, đồng thời chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình do Nga và Mỹ môi giới vào tháng tới.

Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng "không có giải pháp nào khác" ngoại trừ khả năng vũ trang cho phe đối lập nếu Chính phủ Syria không đàm phán một cách nghiêm túc tại các cuộc đàm phán theo dự kiến. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng đại diện của phe đối lập ở Syria phải tham dự vô điều kiện, ám chỉ yêu cầu của lực lượng này rằng ông Assad phải ra đi trước khi họ tham gia đàm phán.

Ông Assad không đánh giá cao ý kiến cho rằng cuộc đàm phán sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sỹ) có thể kết thúc cuộc chiến vốn đang dẫn đến bất ổn và làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn giữa người Sunni và người Shi'ite tại Trung Đông. Khi nói tới lực lượng nổi dậy người Sunni ở Syria trên báo "Argentine", ông nói: "Họ nghĩ rằng một cuộc đàm phán chính trị sẽ khiến bọn khủng bố tạm ngừng hoạt động ở Syria. Đó là điều viễn tưởng".


TTXVN/Tin tức
Lý do khiến triển vọng hòa bình ở Syria vẫn xa vời
Lý do khiến triển vọng hòa bình ở Syria vẫn xa vời

Trong những ngày tới, các nhà ngoại giao của các nước trên thế giới sẽ cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột này dường như vẫn rất xa vời.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN