Hành lang Philadelphi: ‘Ranh giới đỏ’ giữa Ai Cập và Israel trong xung đột ở Gaza

Có nguy cơ xảy ra khủng hoảng giữa Ai Cập và Israel liên quan đến "Hành lang Philadelphi", vùng đệm hẹp giữa Ai Cập và Dải Gaza khi Israel lên kế hoạch tấn công quân sự toàn diện vào Rafah, khu vực phía Nam đông đúc gần biên giới với Ai Cập.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại cuộc họp báo ở Jerusalem ngày 7/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ở Ai Cập, các cuộc đàm phán đình chiến tuần này đã tập trung chú ý vào áp lực mà Ai Cập đang phải đối mặt trong cuộc chiến Israel-Hamas và một vùng đất ít được biết đến là “Hành lang Philadelphi”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố ý định kiểm soát vùng đệm hẹp dọc biên giới Ai Cập-Gaza này kể từ khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phát động cuộc chiến chống Hamas.

Khi Israel đang định thực hiện một cuộc tấn công trên bộ toàn diện ở Rafah, Ai Cập đang cảnh giác ở biên giới phía Đông Bắc với Israel.

Một ngày trước khi các lãnh đạo CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) và Mossad (Cơ quan Tình báo Israel) tổ chức các cuộc đàm phán ở Cairo trong tuần này với các nhà hòa giải khu vực về một lệnh ngừng bắn, ông Netanyahu lại khiến Ai Cập lo lắng.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC News của Mỹ, ông Netanyahu cho biết Israel sẽ cung cấp lối đi an toàn cho dân thường rời khỏi Rafah, nơi mà ông mô tả là thành trì cuối cùng của Hamas.

Thủ tướng Israel không nói chính xác nơi mà người dân Gaza phải di dời để trú ẩn. Tuy nhiên, ông Netanyahu đã đề cập đến các khu vực phía Bắc Rafah có thể được sử dụng làm khu vực an toàn cho dân thường.

Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) phản đối kế hoạch trên của Israel đối với dân thường ở Gaza. Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói với các phóng viên rằng LHQ sẽ không tham gia vào việc cưỡng bức di dời người dân vì hiện tại không có nơi nào an toàn ở Gaza.

Điều đó làm tăng sự chú ý vào Hành lang Philadelphi, tuyến đường chạy dọc biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập, từ bờ biển Địa Trung Hải đến cửa khẩu Kerem Shalom, nơi biên giới của Ai Cập, Israel và Dải Gaza giao nhau.

Lo ngại làn sóng người tị nạn tràn vào và những hậu quả có thể xảy ra, Ai Cập đã triển khai khoảng 40 xe tăng và xe bọc thép chở quân ở phía Đông Bắc Sinai trong vài tuần qua. Hai nguồn tin an ninh Ai Cập nói với Reuters rằng việc triển khai này là một phần trong một loạt các biện pháp nhằm tăng cường an ninh ở biên giới với Gaza.

Được đặt tên là Philadelphi theo tên mã quân sự của Israel cho “Trục Saladin”, hành lang chiến lược này là vùng đệm dài 14 km và rộng 100 mét. Nó được thành lập theo các điều khoản của Hiệp định năm 1978 giữa Ai Cập và Israel.

Mục đích của Hành lang Philadelphi là ngăn chặn các cuộc xâm nhập vũ trang, kiểm soát sự di chuyển của người Palestine theo cả hai hướng và ngăn chặn buôn lậu cũng như buôn bán vũ khí giữa Sinai của Ai Cập và Dải Gaza.

Hiệp định Philadelphi năm 2005 giữa Ai Cập và Israel cho phép Cairo triển khai một đơn vị gồm 750 lính biên phòng dọc theo phía Ai Cập của vùng đệm. Thỏa thuận Ai Cập-Israel năm 2005 cũng xác định rõ việc triển khai thiết bị quân sự của Ai Cập tại vùng đệm này: 8 máy bay trực thăng, 30 xe bọc thép hạng nhẹ và 4 tàu tuần tra ven biển.

Nhiệm vụ của họ là canh gác hành lang phía Ai Cập - biên giới Gaza duy nhất nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của quân đội Israel - nhằm chống khủng bố và ngăn chặn buôn lậu, xâm nhập.

Ở phía bên kia hành lang, lực lượng an ninh của Chính quyền Palestine (PA) đã tiếp quản từ phía Israel cũng trong năm 2005. Nhưng chỉ hai năm sau, PA đã mất quyền kiểm soát hành lang khi bị đẩy ra khỏi Gaza sau cuộc xung đột năm 2007 giữa các lực lượng Fatah và Hamas.

Đáp lại, Israel đã tăng cường áp đặt lệnh phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển cũng như lệnh cấm vận đối với vùng đất của người Palestine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Hamas. Những hạn chế này đã khuyến khích Hamas phát triển hệ thống đường hầm đi qua vùng đất cấm giữa Gaza và Ai Cập, tạo điều kiện cho hàng hóa và người qua biên giới.

Cũng kể từ đó, cửa khẩu Rafah do Ai Cập kiểm soát, nơi vận chuyển người, hàng hóa và viện trợ nhân đạo, được mở không liên tục. Israel coi khu vực này là khu vực tiếp tế quan trọng cho Hamas. Vào tháng 12/2007, Ngoại trưởng Israel lúc bấy giờ là Tzipi Livni đã chỉ trích Ai Cập đã thực hiện kém trong việc ngăn chặn buôn lậu vũ khí qua Hành lang Philadelphi.

Từ cuộc chiến Gaza 2008-2009, còn được gọi là Chiến dịch Cast Lead, các kế hoạch quân sự của Israel đã hướng đến việc chiếm đóng Hành lang Philadelphi để phá hủy các đường hầm dưới lòng đất. Trên thực tế, điều này sẽ phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza.

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2013 lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, một thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo, Cairo trở nên thù địch với Hamas, lực lượng mà họ coi là một phần mở rộng của Tổ chức Anh em Hồi giáo người Palestine.

Quân đội Ai Cập bắt đầu phá hủy hàng trăm đường hầm dưới biên giới với Dải Gaza. Đây là hành động trả đũa Hamas, lực lượng mà Cairo cáo buộc gây bất ổn ở Sinai trong khi quân đội Ai Cập tiến hành chiến dịch chống khủng bố nhằm vào một nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Để phá hủy hệ thống ngầm này, Ai Cập đã cố tình làm ngập khu vực biên giới vào năm 2015.

Nguy cơ khủng hoảng ngoại giao

Sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 nhằm vào Israel, với quy mô và số người thiệt mạng chưa từng có, sự chú ý ở Israel một lần nữa chuyển sang Hành lang Philadelphi, nơi được coi là khu vực chiến lược của Hamas.

Chú thích ảnh
Sơ đồ Hành lang Philadelphi. Ảnh: France 24

Khi xung đột ở Gaza bước sang tháng thứ 3, ông Netanyahu đã tuyên bố rõ ràng về ý định chiến lược của Israel tại cuộc họp báo vào ngày 30/12/2023: “Hành lang Philadelphi – hay nói chính xác hơn là vùng đệm phía Nam của Gaza phải nằm trong tay chúng tôi. Nó phải được phong tỏa”. Thủ tướng Netanyahu thường xuyên lặp lại lời đe dọa này, buộc Cairo phải rất cảnh giác với tuyên bố của nhà lãnh đạo Israel.

Theo Salah Gomaa, Phó tổng Giám đốc đài phát thanh nhà nước Ai Cập Al-Sharq Al Awsat, nguy cơ người dân Gaza tuyệt vọng chạy sang Ai Cập do cuộc tấn công của Israel là mối lo ngại lớn đối với chính quyền Ai Cập.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Israel – Hamas, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, người đóng vai trò trung gian giữa Hamas và Chính phủ Israel, đã phản đối ý tưởng cho phép người dân Gaza di tản chiến tranh và tập trung đông đúc ở biên giới Ai Cập để vào lãnh thổ của mình. Trong bài phát biểu vào tháng 11 năm ngoái, ông Sisi nhắc lại việc Cairo phản đối việc buộc người Gaza phải di dời sang Ai Cập, gọi đó là “ranh giới đỏ”.

Ngoài khả năng xảy ra thảm họa nhân đạo, kế hoạch của ông Netanyahu còn có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Ai Cập nếu ra lệnh cho quân đội Israel tiếp quản Hành lang Philadelphi.

Vào giữa tháng 1, Israel đã thông báo cho Ai Cập về ý định thực hiện một chiến dịch quân sự dọc theo biên giới Gaza.

Vài ngày sau, Diaa Rashwan, người đứng đầu Văn phòng quan hệ công chúng chính thức của Ai Cập, Cơ quan Thông tin Nhà nước (SIS), đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc rằng bất kỳ hành động chiếm đóng Hành lang Philadelphi nào của lực lượng Israel sẽ vi phạm hiệp ước hòa bình năm 1978 giữa hai quốc gia láng giềng.

"Nhiều chính trị gia Israel đã tuyên bố rằng mục đích chính của việc nắm quyền kiểm soát hành lang là để cho phép người Palestine di cư về phía Sinai và đây là mấu chốt của vấn đề trong thông báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra ở Rafah", người đứng đầu SIS của Ai Cập nói, cảnh báo đây là lý do tại sao Ai Cập coi việc chiếm hành lang trên là ranh giới đỏ.

Theo Salah Gomaa, Ai Cập, một đồng minh của Mỹ, đã thông qua Washington để nhấn mạnh tầm quan trọng thông điệp của mình: "Ai Cập đã thông báo cho Israel thông qua các kênh ngoại giao và đã thông báo cho Israel thông qua Mỹ rằng lựa chọn này sẽ không bao giờ được Ai Cập cho phép".

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo france24.com)
Tình báo quân đội Israel dự đoán Hamas có thể trở thành nhóm du kích hậu chiến
Tình báo quân đội Israel dự đoán Hamas có thể trở thành nhóm du kích hậu chiến

Tình báo quân đội Israel đã chuyển một báo cáo tới các nhà lãnh đạo nước này cảnh báo rằng ngay cả khi Tel Aviv tiêu diệt được Hamas trong vai trò lực lượng quân sự có tổ chức ở Gaza thì lực lượng này vẫn có thể tồn tại như một nhóm khủng bố và du kích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN