Hàn Quốc muốn tiếp cận công nghệ hạt nhân?

Báo độc lập" (Nga) ngày 4/4 cho biết, cuộc chiến cân não trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng căng thẳng. Ngày 3/4, Bình Nhưỡng đã hạn chế các chuyên gia và nhà quản lý của Hàn Quốc đến khu công nghiệp Kaesong.

 

Binh sĩ Hàn Quốc tham gia huấn luyện quân sự tại thành phố biên giới Paju ngày 5/4/2013.

 

Khu vực này vốn là biểu tượng hợp tác giữa hai miền Triều Tiên và là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố sẽ khởi động lại các lò phản ứng đã bị đóng cửa trước đây. Oasinhtơn đáp trả bằng việc đe dọa sẽ bảo vệ Mỹ và các đồng minh bằng mọi giá, đồng thời tuyên bố Mỹ không công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.


Trong bối cảnh căng thẳng đó, có tin cho biết Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ cho phép nước này tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Theo giới chuyên gia, đề nghị của Hàn Quốc có thể tạo thành một cú huých châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Bắc Á và Cận Đông.


Mặc dù Xơun cam kết với Mỹ sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân trên nền tảng các thanh nhiên liệu dùng cho nhà máy điện nguyên tử. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và các chuyên gia hạt nhân ở Mỹ cho rằng, mong muốn của Hàn Quốc tự làm giàu urani và tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân sẽ giúp Xơun tiếp cận những công nghệ điều chế các chất phân hạch để sản xuất bom nguyên tử, điều này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.


Hơn nữa, nếu cho phép Hàn Quốc tiếp cận công nghệ này thì một loạt nước khác như Gioócđani hoặc Arập Xêút... cũng sẽ yêu cầu Mỹ cho các điều kiện tương tự. Nguy hiểm hơn, Iran có thể viện cớ này để thúc đẩy chương trình hạt nhân của nước này.


Hàn Quốc hiện có 22 lò phản ứng nguyên tử. Theo một thỏa thuận ký với Mỹ năm 1972, Mỹ có trách nhiệm cung cấp nhiên liệu và công nghệ hạt nhân cho Xơun. Hiện nay, Hàn Quốc muốn bổ sung vào thỏa thuận các điều kiện mới.


Trao đổi với báo "Độc lập", chuyên gia Konstantin Asmolov của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, vấn đề này không mới. Khi Tổng thống Lee Myung Bak còn nắm quyền, Hàn Quốc đã nêu yêu cầu sở hữu công nghệ hạt nhân. Tại Hàn Quốc, hiện có một nhóm đang ráo riết vận động để nước này trở thành một cường quốc hạt nhân. Xét về lịch sử, Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu công nghệ hạt nhân còn sớm hơn cả Triều Tiên. Tuy nhiên, người Mỹ lo ngại vấn đề này. Vì vậy, yêu cầu của Xơun khó được đáp ứng.


Liên quan đến khu công nghiệp Kaesong, chuyên gia trên nhận định đây chỉ là phát súng chỉ thiên của Triều Tiên. Mặc dù các kênh liên lạc giữa hai miền hiện không hoạt động, song theo một số thông tin, một bộ phận chuyên gia Hàn Quốc vẫn được tiếp cận khu phi quân sự này. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên đóng cửa hoàn toàn thì đây sẽ là một dấu hiệu chiến tranh thực sự đáng lo ngại. Trong khi đó, Giáo sư Steven Haggard thuộc Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương của trường Đại học California cho rằng, nếu Triều Tiên đóng cửa khu vực này, đối tượng chịu thiệt hại nhiều hơn sẽ là Bình Nhưỡng chứ không phải Xơun.


Theo số liệu của Hàn Quốc, hiện tại, có 861 chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại Kaesong. Trong đó, một bộ phận hàng ngày lui tới làm việc, một bộ phận lưu trú tại chỗ trong một thời gian nhất định.


Cao Cường (P/v TTXVN tại LB Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN