'Hai ông Donald' và sự đau đầu của châu Âu

Các nước EU đang phân vân không biết đứng về phe ông Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng châu Âu hay ông Donald Trump - tân Tổng thống Mỹ.

Các nước châu Âu không biết nghiêng về phe nào giữa hai ông Donald.

Cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Malta đã cho thấy họ đang đứng về phe nào. Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố về tinh thần đoàn kết, các nước EU vẫn bị chia rẽ về cách đối phó với những chính sách của Donald Trump - người đã đảo ngược sự ủng hộ vững chắc của Mỹ dành cho hội nhập châu Âu thời hậu chiến cũng như đề nghị các nước khác làm theo Anh rời khỏi EU (còn gọi là vấn đề Brexit).

Donald Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan, cho biết các nhà lãnh đạo EU đã tặng cho ông biệt danh “Donald của chúng tôi” khi họ ở Malta. Theo ông, điều này giống như một tín hiệu ủng hộ, và ông nói trước khi diễn ra cuộc hội đàm rằng ông Trump đã tạo ra một “mối đe dọa” cho liên minh, cũng như cho Nga, Trung Quốc và Hồi giáo cực đoan.

“Tâm trạng bao trùm cả cuộc họp chính là về ‘Donald của chúng tôi’ và ‘Donald còn lại’ (ám chỉ ông Donald Trump)”, theo nhận định của một người có mặt tại cuộc hội đàm, nơi ông Tusk cảm thấy sự ủng hộ của mọi người đã khiến ông đủ tự tin để thừa nhận rằng ông muốn là Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhiệm kì thứ hai.

Tuy nhiên, những kẻ thù chính trị của ông trong Chính quyền Warsaw lại công khai chối bỏ bất kì sự nhất trí nào dành cho ông Tusk, và gọi những lời chỉ trích của ông dành cho ông Trump là một “sự sỉ nhục trắng trợn”, cáo buộc ông đang “reo rắc nỗi sợ hãi” và “tìm kiếm sự đối đầu”. Những người khác, ít công khai hơn, cho biết họ còn có một mối lo sợ lớn hơn, đó là EU có thể sẽ “quay lưng lại” với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này. Những mâu thuẫn nội tại như vậy đã kích động những bất ổn lịch sử, đặc biệt là ở Pháp, về sự ảnh hưởng của Mỹ sẽ khiến phương Tây yếu thế hơn Nga, và đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, cách các lực lượng chính trị ở châu Âu thể hiện sẽ giúp hình thành những kì vọng của ông Trump, ví dụ như trong việc tiết kiệm tiền của Mỹ dành cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những chuyển biến thương mại thế giới để có lợi cho Mỹ.

Nhiều lực lượng chính trị ở châu Âu cũng sẽ ủng hộ cuộc đàm phán Brexit giữa EU với London - nơi Thủ tướng Theresa May cho rằng Anh chính là một cầu nối giữa Washington và Brussels - cũng như những nỗ lực của một số nước trong việc thắt chặt hợp tác về chính sách kinh tế khu vực đồng tiền chung euro với các khu vực khác, đặc biệt là việc hình thành một khả năng quân sự độc lập cho EU.

Sự tự chủ mang tính chiến lược

Là một người Ba Lan hiểu rõ lực lượng quân sự của Mỹ là nền tảng đảm bảo an ninh cho NATO ở miền Đông châu Âu, lời kêu gọi của ông Tusk với người dân châu Âu là để kéo họ lại, cùng nhau bảo vệ những lợi ích độc lập của họ nhằm chống lại “những nước siêu cường, là Mỹ, Nga và Trung Quốc”. Đồng thời, ông cũng kêu gọi người Mỹ bảo vệ “mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà nếu không có nó thì nền hòa bình và trật tự toàn cầu không thể tồn tại được”.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo lại lo lắng về sự lãnh đạm của ông Trump với NATO và việc nước Anh giàu mạnh rời khỏi EU sẽ kích động những tham vọng làm suy giảm mối quan hệ này - đặc biệt là ở Paris, nơi đã có sự “cọ xát” với ảnh hưởng của nền văn hóa "Anh-Mỹ" và cũng là nơi các quan chức cho rằng trường hợp của ông Trump cho thấy Pháp đã đúng khi tìm kiếm “sự tự chủ chiến lược” cho EU. “Người Pháp… thường nói ‘hiện giờ nó chỉ là Liên minh châu Âu, chẳng còn gì là liên minh phương Tây nữa”, một nhà ngoại giao Đông Âu cấp cao chỉ trích quan điểm của Paris. “Người Đức thận trọng hơn nhiều. Có một vấn đề rõ ràng cần được quyết định là liệu chúng ta nên tìm kiếm một lập trường chung để hợp tác với Mỹ hay quay lưng lại với họ” người này nói thêm.

Ngay khi các nhà lãnh đạo EU đang chuẩn bị vạch ra một chiến lược hậu Brexit tại hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm 60 năm thành lập EU sẽ diễn ra ở Rome (Italy) vào tháng 3 tới, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã chỉ trích ông Trump và cáo buộc Chính phủ các nước Đông Âu đã thu về các khoản trợ cấp của EU nhưng sau đó lại phá vỡ các nguyên tắc và làm suy yếu khối bằng việc tìm kiếm lợi ích đặc biệt từ Washington.

Nhiều nước ở phía Đông đã bị “giọng điệu ấm áp hơn” của ông Trump dành cho Nga làm cho hoảng sợ, song một số nước lại ủng hộ lệnh cấm nhập cư đối với người Hồi giáo mà ông Trump vừa ban hành, thể hiện sự chỉ trích của họ đối với chính sách tị nạn của EU. Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã sử dụng giọng điệu ít đối đầu hơn, song vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải “đa phương hóa”. Đây là một sự kích động để ông Trump không cố phá vỡ liên minh EU bằng cách hội đàm chỉ với lãnh đạo các nước, và để người châu Âu đi theo một quan điểm chung. Việc ông “Donald còn lại” có hiểu được thông điệp đó không lại là một chuyện khác.

Trong một cuộc phỏng vấn tháng trước, ông Trump cho biết ông đã nói chuyện với “người đứng đầu Liên minh châu Âu” và tên người đó là Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, thực tế là ông đã nói chuyện với ông Donald Tusk. Ông Juncker cho biết: “Thỉnh thoảng tôi có cảm giác rằng chính quyền mới (của Mỹ) không biết rõ về EU. Tuy nhiên, ở châu Âu, hiểu rõ tình hình là điều rất quan trọng”.

TTXVN/Tin Tức
Chính sách của ông Trump có thể gây tổn hại cho doanh nghiệp Mỹ
Chính sách của ông Trump có thể gây tổn hại cho doanh nghiệp Mỹ

Những quyết định đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến thương mại đã phủ bóng đen lên các mối quan hệ thương mại và có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN