Giữa rối bời Trung Đông, Mỹ nghĩ về châu Á

Ký thỏa thuận quân sự với Philippines và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, chính quyền Obama đã cho thấy muốn tăng cường mối quan hệ an ninh với châu Á, ngay cả khi những bất ổn ở Trung Đông đã làm tổn hao hy vọng đưa châu Á thành trung tâm của chính sách đối ngoại của nước này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Xoay trục” vốn dĩ được dự định sẽ là điểm nhấn trong chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong các vấn đề đối ngoại. Mỹ đã lên kế hoạch rũ bỏ các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan để dành nhiều mối quan tâm hơn, cả về quân sự lẫn ngoại giao, cho châu Á – Thái Bình Dương cũng như những lợi ích kinh tế của Mỹ tại khu vực này.

Thế nhưng, những biến động của thế giới lại không xoay vần theo kế hoạch mà nước Mỹ đã vạch ra. Washington hiện nay lại đang phải vật lộn với hiệu ứng bạo loạn của Mùa xuân Arab, sự kình địch tăng lên với nước Nga và sự trỗi dậy đáng báo động của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức khủng bố buộc Mỹ phải triển khai các cuộc không kích hao tài tổn lực ở Iraq và Syria.

Đặt trong bối cảnh loạn lạc đó, có vẻ như những căng thẳng gia tăng tại các vùng biển châu Á cũng như những nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề trỗi dậy của Trung Quốc chỉ là những mối bận tâm ngoại vi.

Sự thật là, những ngày này, chính sách "xoay trục" không còn khiến nhiều người ở Washington cảm thấy mặn mà. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài phát biểu có ảnh hưởng sâu rộng về chính sách đối ngoại của Mỹ hồi tháng năm, cũng không đả động đến chính sách này.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như mũi nhọn kinh tế chính trong chính sách "xoay trục" đã bị sa lầy bởi những khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Nhật Bản quanh vấn đề nông nghiệp và tiếp cận thị trường ô tô, cũng như vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn đang có những động thái cho thấy nỗ lực tạo ra một sự tái cân bằng ở châu Á, chính sách vốn đã bắt đầu chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Obama nhậm chức năm 2009, thời điểm Mỹ kí một thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Kể từ đó, Mỹ đã chấm dứt chính sách phong tỏa kéo dài hàng thập kỉ đối với Myanmar sau khi quốc gia này tiến hành một số cuộc cải cách dân chủ. Mỹ cũng có những tiếng nói ngoại giao mạnh mẽ hơn với những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như có các bước đi cứng rắn để hỗ trợ năng lực ứng phó cho các đồng minh của nước này.

Hồi tháng tư, 20 năm sau khi các căn cứ của Mỹ tại Philippines bị đóng cửa, Mỹ đã kí một thỏa thuận kéo dài 10 năm với quốc gia này, qua đó cho phép hàng ngàn binh lính Mỹ được đồn trú tạm thời ở đây.

Dù tránh can dự trực tiếp vào các cuộc đàm phán xung quanh các tranh chấp về chủ quyền ở châu Á, nhưng Mỹ vẫn tuyên bố có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như trang bị cho các quốc gia với mục đích tự vệ và ngăn chặn xung đột.

Dẫu vậy, theo cố vấn chính sách ngoại giao Chris Brose của nghị sĩ Đảng Cộng hòa Sen. John McCain, Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục thuyết phục châu Á rằng chính sách "xoay trục" là hoàn toàn có thể trở thành sự thật.


Anh Tiếu (Theo AP)

Các nước lớn xoay trục sang châu Á - TBD để kiềm chế nhau
Các nước lớn xoay trục sang châu Á - TBD để kiềm chế nhau

Có khá nhiều nước lớn đã, đang và sẽ xoay trục mạnh mẽ sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó phải kể đến các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, EU và các đối tác hoặc đồng minh thân cận của các nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN