Giới hạn nguy hiểm trong mối quan hệ Trung-Mỹ

Việc Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, muốn thay đổi hiện trạng là nguyên nhân gây nên căng thẳng ở châu Á. Không muốn muốn thỏa hiệp, sẵn sàng sử dụng vũ lực và chỉ muốn sự khuất phục của đối phương là nguyên nhân sẽ dẫn đến chiến tranh.

Quan hệ các nước ở khu vực châu Á những tuần qua trở nên rất căng thẳng trước hành động và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam thời gian vừa qua đã gây quan ngại và sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Sự việc xảy ra chỉ đúng một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama có chuyến thăm các nước ở khu vực.

Mặc dù bản thân Mỹ không phải là bên có yêu sách trong các tranh chấp này, tuy nhiên Washington có lợi ích rất lớn trong việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình. Nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông thì sẽ là một thảm hoạ cho thương mại khu vực và đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung.

Hải quân Mỹ thực hành bắn tên lửa trên biển.


Một năm trước,  Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp tại California (Mỹ) để tuyên bố về một “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai cường quốc. Tuy nhiên trong giai đoạn chuyển tiếp, ngay cả những người lạc quan nhất về mối quan hệ này cũng đang bị lung lay nghiêm trọng do tình hình căng thẳng liên tục gia tăng gần đây giữa hai nước.

Mới đây, Mỹ đã buộc tội 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc là gián điệp mạng, sau đó Washington tuyên bố giành chiến thắng trong tranh chấp với Trung Quốc ở WTO về vấn đề thuế nhập khẩu ô tô và đất hiếm. Những sự kiện đó xảy ra trong khi Mỹ cam kết hỗ trợ lâu dài cho những đồng minh của mình ở châu Á, và điều này đã chuyển thành một thách thức với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc đang bị chi phối bởi những sự kiện ở trong nước và trên biển. Tháng trước, Bắc Kinh đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ở biển Hoa Đông, chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc bay sát máy bay giám sát của Nhật Bản trong phạm vi 30m một cách có chủ ý.

Tại đối thoại Shangri-La gần đây ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thẳng thừng tuyên bố những hành động của Trung Quốc là “những hành động đơn phương, gây mất ổn định trong khu vực”. Đáp lại, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tướng Vương Quán Trung cáo buộc Mỹ là một nước “bá quyền”.

Thái độ ăn miếng trả miếng cho thấy sự thăng trầm trong mối quan hệ giữa hai cường quốc. Vấn đề hiện nay được đa số các học giả quan tâm không phải là “mối quan hệ kiểu mới” giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu hay chưa, mà trên hết là liệu mối quan hệ của hai cường quốc này đã tới “điểm tới hạn” hay chưa?

Từ sự việc ở WTO tới hành vi của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông cho thấy Trung Quốc đang thách thức tất cả những nguyên tắc và quy tắc toàn cầu. Khi Trung Quốc hội nhập sâu vào hệ thống toàn cầu, nhanh chóng trở thành một bên hưởng lợi từ quá trình này, một điều hiển nhiên được mong chờ là Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia “có trách nhiệm hơn”, tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Tuy nhiên, không giống như quá trình trỗi dậy của các cường quốc khác, Trung Quốc đã trở nên hung hăng và quyết đoán hơn, như thể khoảng cách về quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thu lại rất gần. Tổng thống Obama vừa trở về từ chuyến công du châu Á thì Trung Quốc bắt đầu thăm dò quyết tâm của Mỹ bằng cách hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cho hàng trăm tàu bảo vệ, trong đó có cả tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Dọc khu vực Tây Thái Bình Dương và biên giới trên bộ với các nước châu Á, toan tính trong dài hạn của Trung Quốc đang thay đổi. Cụ thể, quan điểm về mối quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ-Trung Quốc, được cân bằng bởi hàng rào an ninh hiện nay đã không còn mấy giá trị. Một cuộc cạnh tranh về quân sự ngày càng tăng nhưng không biểu hiện ra bên ngoài giữa Lầu Năm Góc và PLA đã dẫn tới việc cả hai nước chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Nguy cơ xung đột

Tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông.


Nỗi lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng càng làm tăng mối hoài nghi về mặt chiến lược ở cả hai nước. Trung Quốc đã tích cực phát triển tên lửa chống hạm nhằm tiêu diệt tàu sân bay Mỹ, và quan trọng hơn là chặn các tuyến đường tiếp cận trên biển của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong khi Mỹ phát triển khái niệm “Tác chiến không-biển”, một giải pháp về mặt quân sự nhằm tấn công các mục tiêu quan trọng bên trong lãnh thổ của Trung Quốc, tiêu diệt khả năng phòng thủ của Bắc Kinh.

Thật khó mà tưởng tượng cả hai chiều hướng trái ngược nhau - sự hội nhập về  kinh tế và tình trạng đối đầu-lại có thể được duy trì song hành liên tục. Thời gian không đợi ai, đã đến lúc Mỹ phải quyết định vạch ra giới hạn thế nào và ở đâu. Washington đang công khai thách thức những tuyên bố của Bắc Kinh trên Biển Đông, cũng như sự mở rộng và những giải thích đơn phương của Trung Quốc về việc kiểm soát trên không và trên biển ở biển Hoa Đông nhằm mục đích ngăn chặn quyền tiếp cận của Mỹ và đồng minh.

Nếu mối quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc có nghĩa là sự gây hấn, dần dần thay đổi nguyên trạng trong khu vực thì chắc chắn rằng mối quan hệ đó đã đạt tới điểm tới hạn. Giới học giả Trung Quốc liên tục cho rằng Mỹ từ chối công nhận những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, trong khi Mỹ tuyên bố rằng nước này có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do và an ninh hàng hải tại châu Á.

Sẽ là không ổn nếu Bắc Kinh muốn tìm cách áp dụng những quy tắc của mình bằng sự ép buộc hoặc cưỡng bức. Nếu như vậy thì mối quan hệ đã đạt tới điểm nút. Với các hành động bất ngờ gần đây của Trung Quốc với Nhật Bản, thực tế Bắc Kinh dường như đã không coi sức mạnh của Hải quân Mỹ ra gì.

Châu Á hiện đang xuất hiện mầm mống của sự ngộ nhận lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên đang có nguy cơ lao vào một cuộc đối đầu khi những hành vi gây hấn của Trung Quốc trở nên trắng trợn hơn nhằm vào các nước láng giềng, thách thức những cam kết của Mỹ. Cả hai đều nghĩ rằng bên kia sẽ nhượng bộ để tránh một cuộc đụng độ, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang sai lầm với suy nghĩ này.


Vũ Thanh (Tổng hợp)

Chiến tranh Trung-Mỹ: Nỗi kinh hoàng của châu Á-Kỳ cuối
Chiến tranh Trung-Mỹ: Nỗi kinh hoàng của châu Á-Kỳ cuối

Châu Á hiện đang xuất hiện mầm mống của sự ngộ nhận lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai bên đang có nguy cơ lao vào một cuộc đối đầu khi những hành vi gây hấn của Trung Quốc trở nên trắng trợn hơn nhằm vào các nước láng giềng, thách thức những cam kết của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN