Gió đã xoay chiều ở IMF

Theo báo "Thư tín địa cầu" (Canađa) ngày 31/10, cuối cùng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã trở thành một tổ chức mở cửa hơn rất nhiều. Đã qua rồi những ngày IMF là "tay sai" của học thuyết kinh tế phương Tây, chủ yếu là Mỹ. Thậm chí, IMF còn thách thức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi đặt dấu hỏi về hiệu ứng của sự thúc đẩy tiền tệ liên tục tại Mỹ đối với thế giới.


 

Liệu QE3 chỉ thúc đẩy thị trường chứng khoán thay vì nền kinh tế thực?

 

Do IMF đang là trọng tài quan trọng trong nhiều vấn đề chủ chốt của tài chính và kinh tế toàn cầu, sự mở cửa của IMF là đáng hoan nghênh. Trong suốt thập kỷ qua, cuộc tranh luận về cải cách tập trung chủ yếu vào việc trao thêm quyền bỏ phiếu cho các thị trường đang nổi, bằng việc giảm tỷ lệ bỏ phiếu của các nước giàu. Với động lực kinh tế toàn cầu, sự điều chỉnh này tất nhiên là kéo dài. Một bằng chứng rõ ràng, số lượng quan chức cấp cao IMF là người Mỹ và châu Âu ngày càng ít đi. Nhưng giờ đây, kết quả rõ rệt đầu tiên của những thay đổi này mới bắt đầu nổi lên.


Tuyến đầu của cuộc chiến này là Ban nghiên cứu của IMF, nơi các học giả trường phái cũ và chính phủ các nước giàu có “chiến đấu” với các nhà tư tưởng mới. Ví dụ như tuyên bố về đợt nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) gần đây của FED. Từ quan điểm của Mỹ, việc tăng mạnh nguồn cung tiền là nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, do đó tạo việc làm ở trong nước. Nhưng rõ ràng biện pháp này của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước thị trường đang nổi. Hầu như các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng điều quan trọng là phải có một nền kinh tế Mỹ hướng đến tăng trưởng. Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng liệu chính quyền Mỹ có "chơi xấu" bằng các biện pháp chính sách của họ hay không? Chương trình bơm thêm tiền QE3 chủ yếu thúc đẩy thị trường chứng khoán chứ không phải nền kinh tế thực. Và ngay cả sự tác động đến thị trường chứng khoán cũng đang giảm đi. Các nước thị trường đang nổi không còn muốn bị buộc phải chấp nhận tình trạng này và Braxin đang dẫn đầu xu thế phòng thủ.


Vấn đề trên đang chứng tỏ sự phóng khoáng hơn của IMF. Theo một nghiên cứu của Giáo sư Kevin Gallagher thuộc trường Đại học Boston, IMF đã có một loạt báo cáo chỉ trích hiệu ứng lan tỏa từ chương trình QE tại Mỹ đối với các nền kinh tế thị trường đang nổi. Ví dụ, IMF đã phát hiện ra rằng lãi suất thấp hơn tại Mỹ có thể đi kèm với sự tăng đột biến dòng vốn đổ sang các thị trường đang nổi. Sự tăng đột biến dòng vốn này có thể khiến đồng nội tệ của các nước đó tăng giá và phát sinh bong bóng tài sản, dẫn đến giảm sức cạnh tranh xuất khẩu và gây bất ổn các hệ thống tài chính nội địa của các thị trường đang nổi.


Thêm vào đó, IMF đang ủng hộ quan điểm rằng để chống lại những vấn đề trên, các thị trường đang nổi nên triển khai các quy định tài khoản vốn phản chu kỳ như Braxin, Đài Loan và Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện. Đó là sự đảo ngược thái độ của IMF, trước đây đã ủng hộ bài rao giảng của Bộ Tài chính Mỹ đối với các nền kinh tế mới nổi về việc tự do hóa thị trường vốn. Điểm mấu chốt của tất cả những luận cứ có vẻ chuyên môn này là gánh nặng của sự điều chỉnh không còn tự động dồn lên vai các nền kinh tế đang phát triển, mà các nước phát triển - chủ yếu là Mỹ - có thể cần quy định luồng vốn ra của họ.


Những nhân vật mới đầy quyền lực như Bộ trưởng Tài chính Xinhgapo, Tharman Shanmugaratnam, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo chính sách của IMF và người đồng cấp Braxin của ông là Guido Mantega đang khiến khái niệm "quản trị toàn cầu" cuối cùng có phần nào ý nghĩa trong cuộc sống thực. Cải cách quản trị toàn cầu đi xa hơn nhiều so với việc thay đổi quyền bỏ phiếu trong ban giám đốc của IMF và Ngân hàng Thế giới. Vấn đề này có liên quan đến một tiến trình thực tế nhằm đảm bảo việc chia sẻ công bằng và bình đẳng gánh nặng của sự điều chỉnh trong nền kinh tế và tài chính toàn cầu.


Thành công của tiến trình này chủ yếu nhờ vào thực tế là các nước đang phát triển giàu có hơn hiện cũng hành động như các nhà cho vay toàn cầu. Kết quả là họ xứng đáng có vai trò lớn hơn trong một tổ chức do những người cho vay kiểm soát. Sự cởi mở hơn của IMF là một bước tiến lớn hướng tới quản trị toàn cầu tốt hơn. Đây cũng là một bước chủ chốt trong việc kiểm soát ngành tài chính, đã hoàn toàn không còn tập trung vào việc phục vụ nền kinh tế thực.

 

Thanh Hoa

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN