Giấc mơ dầu mỏ Bắc Cực có tắt?

Việc các mỏ dầu ngoài khơi Bắc Băng Dương sẽ được khoan chỉ còn là vấn đề về thời gian. Tuy nhiên giấc mơ về một sản lượng dầu khả thi trong tương lai gần có thể vẫn là điều xa vời. Giá dầu xuống liên tục là một nguyên nhân cơ bản, nhưng giá dầu không nói nên tất cả sự phức tạp trong việc khai thác thương mại dầu mỏ ở Bắc Cực.

 

Bắc Cực chứa đầy hợp chất hydrocacbon. Ước tính khu vực này có khoảng 90 tỷ thùng dầu, bằng 13% trữ lượng dầu chưa được thăm dò của toàn thế giới, trong đó có khoảng 30 tỷ thùng dầu nằm gần khu vực Alaska. Thậm chí trữ lượng khí đốt chưa được thăm dò còn lớn hơn, dự đoán bằng 30% trữ lượng chưa được thăm dò của thế giới, phần lớn nằm ở vùng Tây Siberia và Đông lưu vực biển Barents thuộc Nga. Theo các tính toán thì 84% lượng dầu và khí đốt chưa được thăm dò nằm ở vùng biển xa bờ Bắc Cực.


Cho tới nay, thăm dò dầu khí trên đất liền ở Bắc Cực tương đối thành công. Từ năm 1962, có 45 trong số 61 các mỏ dầu lớn (với trữ lượng 500 triệu thùng) đã được khai thác và một số mỏ với trữ lượng khổng lồ ở vùng lãnh thổ Alaska và Nga vẫn được khai thác cho tới ngày nay. Mặc dù sản lượng khai thác chỉ bằng phần nhỏ so với mức trước kia nhưng việc thúc đẩy sản xuất, thậm chí ở khu vực trên đất liền, là không hề dễ dàng. Việc mở rộng các dự án đang có và thực hiện hoạt động khai thác mới ước tính tốn kém nhiều hơn khoảng 50-100% so với các dự án thực hiện ở bang Texas, Mỹ.


Một giàn khoan được kéo đến Bắc Cực năm 1983.


Trước đây, khai thác dầu ở Bắc Cực được xem là giải pháp cho hàng thập kỷ giảm sản xuất nhưng việc khoan dầu ở ngoài khơi Bắc Cực hiện tại đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Sau nhiều năm và tiêu hàng tỷ USD, công ty Shell đã trắng tay ở khu vực Biển Chukchi; công ty Total gặp thất bại ở bán đảo Yamal; và khu vực biển Beaufort của Canada vẫn chưa thể thăm dò. Từ năm 2003, gần một nửa tổng số các hợp đồng của các công ty dầu khí Mỹ làm ăn ở Bắc Cực bị hủy bỏ. Phó chủ tịch công ty dầu khí lớn thứ hai của Nga Lukoil là Leonid Fedun không tin rằng hoạt động khai thác dầu khí thương mại ở Bắc Cực sẽ diễn ra trong phần đời của ông. Fedun năm nay 58 tuổi và có lẽ ông đã đúng.


Giá dầu lao dốc do các nước OPEC gây ra đã tạo ra một thảm họa không chỉ với khai thác dầu ngoài khơi Bắc Cực mà còn với hàng loạt các hoạt động khai thác dầu khác cần chi phí đắt đỏ. Điều đáng chú ý nhất là giá dầu suy giảm sẽ làm kéo theo đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất dầu gây tốn kém và cần nhiều nhiều thời gian mới có thể thu lợi cũng giảm theo. Bi quan về thị trường trong tương lai khiến giá dầu khó đạt được mức trên 80 USD/thùng và khiến đầu tư vào khai thác dầu đá phiến ở Mỹ có thể sẽ giảm khoảng 10%.


Nếu tiền đầu tư cho dầu đá phiến giảm thì chắc chắn tiền đầu tư cho khai thác dầu ở Bắc Cực sẽ bị cắt bỏ. Khai thác dầu ở Bắc Cực không có lãi, thậm chí lợi nhuận từ khai thác dầu trên đất liền ở Bắc Cực còn xếp sau khai thác dầu cát, dầu đá phiến và dầu ở vùng nước sâu. Trên phương diện toàn cầu, ngân sách của các công ty dầu khí tư nhân và nhà nước cho hoạt động thăm dò dầu và khí đốt dự báo giảm khoảng 20%  vào năm 2015. Sự giảm chi tiêu này chính là do giá dầu giảm khiến cho làm ăn không có lãi và đồng thời làm giảm động lực cho việc khai thác dầu khí Bắc Cực. Tuy nhiên, giá dầu vẫn chưa phản ánh đầy đủ nguyên nhân khiến cho việc khai thác dầu khí ở Bắc Cực khó có thể thực hiện.


Về phương diện địa chính trị thì Mỹ không cần thiết phải mạo hiểm khai thác dầu ở Bắc Cực như trước đây. Khủng hoảng giá dầu thập niên 1970 và sự không đáng tin cậy của các nhà sản xuất Trung Đông kích thích Mỹ đẩy mạnh việc sản xuất dầu ở vùng đất liền của Bắc Cực, đỉnh điểm là thập niên 1980. Hiện nay, nỗi e ngại về sự không đáng tin cậy vẫn còn đó nhưng mối quan hệ cộng sinh với các nước Trung Đông vẫn được duy trì. Trong khi đó, lệnh cấm vận và gia tăng xung đột giữa phương Tây với Nga làm trì hoãn việc khai dầu của Nga ở hai vịnh thuộc Bắc Cực. Công ty dầu khí nhà nước Rosneft, là công ty ủng hộ mạnh mẽ nhất khai thác ở Bắc Cực, đã mất 30% giá trị của công ty và nợ hiện tại cao hơn giá trị vốn hoá thị trường là 10 tỷ USD.


Quyền sở hữu các khu vực tại Bắc Cực cũng đang là một vấn đề. Thậm chí ngay cả với một mức giá dầu có thể đem lại lợi nhuận thì việc khai thác thương mại các mỏ dầu ngoài khơi Bắc Cực không thể tiến hành một cách đàng hoàng khi chưa có giải pháp giải quyết xung đột về chủ quyền và lãnh thổ tại đây.


Cuối cùng, Bắc Cực thực sự giống như một túi khí. Nguồn tài nguyên của Bắc Cực chủ yếu là khí đốt và khí lỏng, điều này không hấp dẫn với khách hàng Mỹ vì họ có những nguồn cung dồi dào trong tầm tay. Trong khi đó, sự quan tâm của châu Âu với nguồn tài nguyên này lại bị ngăn cản bởi họ thiếu nguồn lực để khai thác và ý thức hệ chống Nga dẫn tới khó có thể tiếp cận khu vực Bắc Cực.


Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nguồn cung năng lượng khổng lồ sẽ được duy trì tới năm 2020. Tuy nhiên, giá thấp và đầu tư thấp cho năng lượng kéo dài tới cuối thập kỷ này sẽ tạo ra sự thiếu hụt vào giữa thế kỷ này. Việc khai thác ngoài khơi Bắc Cực sẽ chỉ diễn ra sau 10-15 năm  tới. Nhưng hiện giờ thì nó tạm thời bị đóng băng.



Hoàng Trang (theo oilprice.com)

Những vấn đề làm 'nóng' Bắc Cực
Những vấn đề làm 'nóng' Bắc Cực

Trong vài năm lại đây, Bắc Cực đã nổi lên như một vấn đề nóng bỏng do sự cần thiết phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho khu vực. Bắc Cực không phải là "một vùng trắng" về luật pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN