Gia nhập NATO, giấc mơ còn xa vời của Ukraine

Lần đầu tiên trong lịch sử, phần đông người Ukraine ủng hộ ý tưởng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong tuần này, Tổng thống Petro Poroshenko cũng đã nhắc đến việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, gia nhập NATO vẫn là một giấc mộng xa vời của Ukraine.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (giữa, phía sau) và đại diện các đảng trong phiên họp ở Kiev ngày 21/11. Ảnh: AFP/TTXVN


Một thập kỉ trước, ông Poroshenko từng gọi lời hứa trở thành thành viên của NATO là “ánh sáng cuối đường hầm”. Còn hôm 24/11 vừa qua, ông nói Ukraine sẽ phải mất nhiều năm cải tổ trước khi có thể trở thành một ứng cử viên. Nhưng liên minh cầm quyền đang lên kế hoạch cho bước đi đầu tiên: từ bỏ vai trò quan sát viên trong phong trào Không liên kết. Và việc này sẽ được xử lí trong khoảng thời gian vài tuần.

Chương trình hoạt động chính thức của chính phủ Ukraine nhấn mạnh ưu tiên nguyện vọng gia nhập NATO trong dài hạn. Bản thân ông Poroshenko cũng cho biết, đến cuối cùng các cử tri sẽ quyết định vấn đề này trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Nếu là trước đây, các lá phiếu thăm dò ở Ukraine vẫn cho ra một kết quả là phần lớn người dân muốn nằm ngoài liên minh này cũng như nằm ngoài những căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Nhưng chuyện nay đã khác. Một cuộc thăm dò ý kiến trong tháng này cho thấy 51% số người tham gia điều tra ủng hộ việc gia nhập NATO, tăng từ mức 20% của một năm về trước. Và chỉ có 25% số người phản đối.

Theo các chuyên gia, dù nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân, song Ukraine có rất ít cơ hội để gia nhập NATO trong tương lai gần. Ông Janek Lasocki, một chuyên gia về Ukraine tại tổ chức tư vấn liên châu Âu ECFR, xem lời hứa về cuộc trưng cầu dân ý của Tổng thống Ukraine chỉ là hành động “cố múa may trước mặt nước Nga”. “Có nhiều lí do giải thích tại sao điều này vẫn còn xa vời. Trước tiên, (Ukraine) cần phải bảo đảm an ninh biên giới để gia nhập NATO và rõ ràng đó không phải là chuyện đang diễn ra”, ông nói.

Nhân viên cứu hỏa dập các đám cháy tại một số ngôi nhà bị phá hủy do trúng đạn pháo tại quận Kuibishevskiy, gần sân bay ở Donetsk, đông Ukraine ngày 20/11. Ảnh: AFP-TTXVN


Ngoài ra, mặc dù NATO không có tiêu chí cứng nhắc nào quy định việc được trở thành thành viên của tổ chức này, song Ukraine cũng cần phải tiến hành những cải tổ sâu rộng với lực lượng quân đội tham nhũng và được trang bị yếu kém. Trong tuần này, trên tờ tuần báo Der Spiegel, ngoài việc chỉ ra những chướng ngại mà Ukraine phải đối mặt, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thẳng thừng nói: “Tôi nhìn thấy Ukraine có các mối quan hệ đối tác với NATO, chứ không phải là thành viên của tổ chức này”.

Không chỉ vậy, theo ông Lasocki, ngay cả khi số lượng người dân ủng hộ gia nhập NATO tăng lên, thì việc Ukraine cố gia nhập liên minh quân sự này vẫn sẽ gây ra sự chia rẽ cao độ trong bối cảnh chính phủ đang phải cố trấn an cộng đồng nói tiếng Nga của Ukraine cũng như thống nhất đất nước.

“Nhiều người, bao gồm cả những người ở các khu vực nói tiếng Nga, muốn tiến tới châu Âu bởi vì họ muốn những tiêu chuẩn châu Âu. Họ muốn hơi ấm ở các trường học và có ít tham nhũng hơn trong chính phủ, nhưng gia nhập liên minh quân sự là cả một câu chuyện khác”, ông nói.

Năm 1997, Ukraine và NATO đã đặt bút kí một hiệp định đối tác và tổ chức nhiều cuộc đàm phán về quyền thành viên đầy đủ vào năm 2005. Nhưng tiến trình này đã chọc giận nước Nga, và chính phủ tiền nhiệm có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin ở Kiev đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào năm 2010.

Nhiều người nhìn nhận sự sụp đổ gần đây trong quan hệ Đông – Tây xuất phát từ quan ngại của nước Nga rằng phương Tây đang lấn sân vào khu vực ảnh hưởng truyền thống của quốc gia này. Một người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã nói với hãng thông tấn BBC (Anh) rằng Nga cần “lời cam kết 100% rằng sẽ không ai nghĩ đến chuyện Ukraine gia nhập NATO”. Phát biểu này sau đó đã châm ngòi cho những chỉ trích mạnh mẽ từ NATO.

Theo bà Alisa Lockwood, một nhà phân tích cấp cao tại IHS Country Risk ở London, phương Tây hiểu rằng đến cuối cùng, giải quyết cuộc xung đột hiện nay sẽ đồng nghĩa với việc xoa dịu những lo lắng của Nga. “Nếu có thể đạt được một nghị quyết chấm dứt cuộc xung đột, điều mà Liên minh châu Âu có vẻ đang tăng cường thúc đẩy sau cánh gà, Nga sẽ cần được bảo đảm rằng Ukraine sẽ không tham gia NATO trong một tương lai gần, nếu chuyện có thật sự xảy ra”.

Dù câu chuyện có đi về đâu chăng nữa, bà cho rằng ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một cách “để trì hoãn vấn đề trong khi tiếp tục nói mồm về việc ủng hộ gia nhập NATO vì lợi ích của nhân dân Ukraine”. “Nhiều chuyện có thể sẽ thay đổi tại Ukraine đến thời điểm đó và không có gì bảo đảm ông Poroshenko sẽ còn nắm quyền lực, vì vậy liệu cuộc trưng cầu dân ý có diễn ra hay không vẫn là một câu hỏi mở”.


Anh Tiếu (Theo ASI/AFP)

'Ukraine nên trở thành một nước trung lập theo mô hình Phần Lan'
'Ukraine nên trở thành một nước trung lập theo mô hình Phần Lan'

Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman ngày 25/11 nói rằng, Ukraine nên trở thành một nước trung lập theo mô hình Phần Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN