Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4):

Gắn kết quá khứ - hiện tại - tương lai

"Read Your Way" (tạm dịch “Đọc theo cách của bạn"), chủ đề của Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) năm nay một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đọc.

Chú thích ảnh
Người dân đọc sách hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền Thế giới tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/4/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Đơn giản, bởi đọc sách không chỉ để cung cấp kiến thức và kỹ năng ở nhiều lĩnh vực, không chỉ giúp bảo tồn ngôn ngữ và truyền tải truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ. Sách còn đưa chúng ta đến những thế giới khác nhau, khơi dậy trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Vượt qua biên giới, vượt cả không gian, thời gian, sách kết nối chúng ta, nuôi dưỡng sự đồng cảm và thấu hiểu giữa người với người. Sách, cùng với văn hóa đọc, như một sợi dây bền bỉ gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai.

Năm 1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chọn ngày 23/4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới nhằm tôn vinh những giá trị của sách và văn hóa đọc, đồng thời đề cao đóng góp của các tác giả đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị đối với tiến bộ xã hội và văn hóa của nhân loại.

Trong bối cảnh kỷ nguyên số đã và đang tác động không nhỏ tới văn hóa đọc cũng như vấn đề bản quyền tác giả, hàng loạt sáng kiến đã được đưa ra nhằm khuyến khích, lan tỏa tình yêu đối với sách và nâng cao nhận thức về bản quyền. Tại Vương quốc Anh, một trong những hoạt động thú vị nhằm thu hút trẻ em đọc sách là hóa trang theo sách. Đối với trẻ em, mặc quần áo của các nhân vật trong sách thường là phần thú vị nhất của Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Từ Harry Potter đến Alice ở xứ sở thần tiên, có rất nhiều trang phục tuyệt vời trong năm nay. Hàng nghìn trẻ em đã mặc quần áo hóa trang để tham gia dịp này. Năm nay hãng đồ ăn nhanh McDonald's tiếp tục áp dụng chương trình Bữa ăn vui vẻ và 105.000 cuốn sách có giá 1 Bảng Anh được phân phối thông qua nhiều đối tác gửi tới một số cộng đồng dân cư có hoàn cảnh khó khăn nhất ở Anh. Trong khi đó, Quỹ Tín thác Sách Scotland đã cung cấp các kho tài nguyên mới cho các trường học, bao gồm nội dung mới trên ứng dụng Bookbug miễn phí và hơn 50 sự kiện dành cho các tác giả trong chương trình Tác giả trực tiếp theo yêu cầu.

Tại Đức, Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Börsenverein des Deutschen Buchhandels triển khai chương trình đặc biệt nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới 2024, theo đó giáo viên các lớp 4, 5 cũng như các lớp hòa nhập, hỗ trợ... có thể đặt trước voucher mua sách. Đây là lần thứ ba liên tiếp, chương trình này được triển khai, năm nay khoảng 50.600 lớp đã đăng ký tham gia, có nghĩa là hơn 1,1 triệu học sinh có cơ hội trải nghiệm đọc sách. Nhân dịp này, nhân viên giao hàng của Deutsche Post và DHL sẽ gây bất ngờ cho khách hàng trên khắp Đức bằng một món quà là sách. Mục đích là lan tỏa niềm vui đọc sách đến nhiều hộ gia đình và khuyến khích tham gia Ngày Sách và Bản quyền thế giới.

Tại Việt Nam, Ngày Sách và Văn hóa đọc được tổ chức thường niên vào ngày 21/4 với nhiều hoạt động thú vị như các cuộc thi, trò chơi, giao lưu, hội thảo, nói chuyện, tọa đàm tìm hiểu về sách; thi đọc sách, thi bình sách; giới thiệu các kỷ lục về sách; trao tặng sách, đấu giá sách; phát động phong trào trao đổi sách, báo, tài liệu và trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học; khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Từng địa phương đã sáng tạo các hoạt động theo cách riêng như thi kể chuyện theo sách, xếp sách nghệ thuật… nhằm phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.

Chú thích ảnh
Đọc sách là thói quen tốt, giúp các em nâng cao kiến thức, tiếp nhận được nhiều điều bổ ích. 
Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Làm cho việc đọc sách trở nên vui tươi, thú vị là cách tuyệt vời để giữ cho thói quen này luôn hấp dẫn và mới mẻ. Để khuyến khích “đọc theo cách của bạn”, các chuyên gia gợi ý có thể khám phá các dạng thức khác nhau như nghe sách nói khi đang ở trong ô tô hoặc khi cùng nhau làm đồ thủ công. Nếu trẻ "lười" đọc sách, hãy tìm những cuốn sách gắn liền với những điều chúng yêu thích: sở thích, phim ảnh, âm nhạc, thể thao hoặc trò chơi điện tử. Việc tạo ra môi trường để trẻ có quyền tự do khám phá sẽ gia tăng cơ hội trẻ muốn đọc hơn. Khi trẻ đã lớn, hãy nghĩ đến việc cùng nhau đọc một cuốn sách và trao đổi sau khi cả hai đã đọc xong. Cũng có thể biến đọc sách thành một sự kiện đặc biệt bằng cách trò chuyện về cuốn sách tại quán cà phê, khi đi dạo hay trong bữa trà chiều. Các chuyên gia cũng gợi ý các bậc cha mẹ tìm cách biến một câu chuyện thành trò chơi, như cùng nhau khám phá các bức tranh, chơi với giọng nói, nhịp điệu và tốc độ.... Cách này sẽ không chỉ khiến việc đọc trở nên hấp dẫn và thú vị hơn, mà còn giúp tạo ra những kỷ niệm đẹp. Ngoài ra, cũng có thể làm cho hoạt động đọc sách trở nên đặc biệt hơn bằng cách đi dã ngoại đọc sách hoặc xây dựng một phòng đọc sách.

Các chuyên gia đã đưa ra 6 nguyên tắc mà các gia đình có thể thực hiện để khuyến khích thói quen đọc sách suốt đời gồm được đọc thường xuyên, có sách ở nhà và ở trường, có quyền lựa chọn đọc gì, có thời gian để đọc, có sự trợ giúp đáng tin cậy để tìm một cuốn sách và được hỗ trợ để làm cho việc đọc trở nên thú vị.

Lợi ích của việc đọc sách, dù là thư giãn, học tập hay gắn kết, đều có thể được tận hưởng quanh năm, tận hưởng trọn đời. Đó cũng là cách để sợi dây gắn kết giữa các thế hệ được bền chặt.

Bạch Dương (TTXVN)
'Hội sách Mầm 2024' cổ vũ văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam tại Nga
'Hội sách Mầm 2024' cổ vũ văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam tại Nga

Tổ chức "Vòng tay Việt - Nga" của các sinh viên Việt Nam phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga đã tổ chức sự kiện thường niên “Hội sách Mầm 2024”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN