G-20 có thay đổi được trật tự thế giới?

Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), nước chủ nhà đã hoàn tất quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-20, dự kiến diễn ra trong hai ngày 11-12/11 tại Xơun. Hội nghị G-20 được kỳ vọng sẽ mang lại những thành quả cụ thể về "Sáng kiến Hàn Quốc", bao gồm các vấn đề phát triển và tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, hội nghị hứa hẹn mang tới nhiều thay đổi cho mô hình kinh tế toàn cầu hiện nay, hướng đến một trật tự thế giới mới theo chiều ngang, trong đó các nền kinh tế mới nổi sẽ thay thế các nước tiên tiến, vốn là trọng tâm của cấu trúc theo chiều dọc truyền thống.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đưa ra kế hoạch chi tiết cho hội nghị, bao gồm 4 vấn đề: Tỷ giá hối đoái, mạng lưới an toàn tài chính, cải cách hệ thống tài chính quốc tế và phát triển. Tổng thống Lee hy vọng các nhà lãnh đạo G-20 sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn ngoài các thỏa thuận mà giới Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã đạt được tại hội nghị ở Gyeongju.

Dư luận quan ngại rằng Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Xơun có thể phải chứng kiến một cuộc chiến tiền tệ. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy quan điểm tiêu cực sẽ nhường chỗ cho những kết quả tích cực, khi các bên nỗ lực đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo nhằm chấm dứt cuộc chiến tiền tệ.

Tiến sỹ Kwak Su-jong, thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung, nói: "Hội nghị thượng đỉnh G-20 thực chất đã bắt đầu từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-20 ở Gyeongju". Tuyên bố chung về vấn đề căng thẳng tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Hội nghị Gyeongju thể hiện cam kết của các nước sẽ sử dụng hệ thống tỷ giá hối đoái dựa trên thị trường và ngăn chặn một cuộc chiến tiền tệ. Vấn đề này xuất phát từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ nên khi đưa ra bàn thảo cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu điều này không được giải quyết ổn thỏa tại hội nghị lần này, thị trường tài chính thế giới sẽ càng trở nên bất an hơn.

Điểm đáng chú ý là "Sáng kiến Hàn Quốc", đặc biệt là các vấn đề phát triển mà nước chủ nhà sẽ tìm cách đưa vào trọng tâm các cuộc thảo luận. Sáng kiến này nhấn mạnh Hàn Quốc - với kinh nghiệm phát triển kinh tế thành công trong vài thập kỷ qua và kinh nghiệm khắc phục hai cuộc khủng hoảng - sẽ là cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển để cùng tăng trưởng cân bằng và bền vững. Theo đó, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần có những kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn tại các nước kém phát triển và giúp họ tự đứng trên đôi chân mình. Về vấn đề phát triển đi kèm với tăng trưởng kinh tế, Hàn Quốc muốn kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo và hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp của các nước này, vì nếu chỉ dừng lại ở những khoản tiền viện trợ sẽ không giải quyết được các vấn đề về cơ cấu của những nước nghèo.

Anh Nguyên (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN