EU chuẩn bị cho sự phá sản của nhà nước Hy Lạp

Đánh giá tình hình và triển vọng của bức tranh kinh tế tại Hy Lạp nói riêng và tại châu Âu nói chung, “Tạp chí Âu - Á” ngày 8/10 cho biết, hiện nay, các tổ chức châu Âu đã thay đổi giọng điệu liên quan đến vấn đề nợ của Hy Lạp. Thay vì “cứu trợ” nước này, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận các vấn đề xung quanh sự phá sản của Hy Lạp và giải pháp ngăn chặn ảnh hưởng của nó.

Những người biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp ở Athens ngày 5/10. AFP/TTXVN


Sự thay đổi giọng điệu của EU diễn ra dần dần do sức ép của những thay đổi thất thường trên các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và mối đe dọa sụp đổ của các ngân hàng, cũng như sự phản đối ngày càng tăng của công chúng đối với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ Hy Lạp. Trước đó, EU rất lo sự sụp đổ của Hy Lạp sẽ gây ra phản ứng dây chuyền không thể kiểm soát. Họ sợ các ngân hàng cho vay lớn nhất bị phá sản sẽ đẩy nhiều ngân hàng khác xuống vực thẳm. Vì vậy, các gói cứu trợ nhiều tỷ euro đã được dành cho Hy Lạp. Tuy nhiên, chúng không mang lại lợi ích cho nhà nước và người dân Hy Lạp.

Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ Hy Lạp không giúp ích nhiều cho việc tái cơ cấu ngân sách mà ngược lại, nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầng lớp lao động. Theo cái gọi là nhóm “bộ ba” - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - chính phủ Hy Lạp đã giảm bớt các khoản tiền trợ cấp và thu nhập, làm mất hàng chục nghìn việc làm của khu vực công và đẩy nhiều công ty tư nhân rơi vào tình trạng phá sản do bị tăng thuế, trong khi đó tầng lớp người giàu tăng tích trữ của cải trong các tài khoản ngân hàng nước ngoài. Từ thực tế trên, các đại diện của “bộ ba” khẳng định đã đến lúc phải từ bỏ Hy Lạp.

Điều gì xảy ra khi nhà nước Hy Lạp phá sản?

Nhà nước phá sản có nghĩa là chính phủ Hy Lạp không có ngân sách để chi trả lương, các khoản trợ cấp và nhiều khoản chi tiêu công khác. Cũng như các tập đoàn ô tô của Mỹ lợi dụng các thủ tục phá sản để xóa bỏ các nghĩa vụ tài chính của họ với lực lượng lao động, chính phủ Hy Lạp có thể bãi bỏ các hợp đồng và các văn bản pháp lý hiện có. Sau đó, vấn đề không phải là bao nhiêu việc làm sẽ bị xóa và mức lương sẽ bị cắt giảm bao nhiêu, mà vấn đề là ai sẽ có việc làm. Sự phá sản của nhà nước Hy Lạp cũng sẽ được sử dụng để đe dọa người lao động ở các nước châu Âu khác. Đó sẽ là mối đe dọa rõ ràng và cho thấy điều gì đang chờ đợi nếu người dân không chấp nhận các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ họ. Tất nhiên, nhà nước phá sản sẽ dẫn đến bất ổn xã hội và bạo lực tại Hy Lạp. Tuy nhiên, EU có thể huy động sự giúp đỡ của các công đoàn để tình trạng bất ổn không lây lan sang các nước khác.

Hiện nay, mối lo ngại chủ yếu của EU là làm sao để ngăn chặn ảnh hưởng của sự phá sản nhà nước Hy Lạp đối với các ngân hàng quốc tế cũng như các nước châu Âu khác. Tất cả các quyết định và các cuộc thảo luận của EU trong tuần qua đều xoay quanh vấn đề này. Các bộ trưởng tài chính đã trao quyền cho ECB áp dụng các biện pháp bảo vệ các ngân hàng ở châu Âu nếu Hy Lạp bị vỡ nợ và phá sản. Ngày 6/10, ECB đã quyết định cung cấp nhiều khoản tiền lớn cho các ngân hàng đang bị đe dọa. Nói cách khác, thay vì cứu trợ các nước khu vực đồng euro để đối phó với phá sản, EU đang sử dụng các khoản tiền trong gói cứu trợ bằng đồng euro và tiền của ECB để giúp đỡ các ngân hàng. Rõ ràng, các kế hoạch chuẩn bị cho sự phá sản của nhà nước Hy Lạp đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc tiến công của giới tài phiệt nắm quyền lãnh đạo nhằm chống lại người lao động ở châu Âu. Do đó, chẳng bao lâu nữa, chắc chắn châu Âu sẽ diễn ra những biến động không nhỏ giống như phong trào “chiếm lấy Phố Wall” đang lan rộng trên toàn nước Mỹ.

Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN