Đức, cường quốc bất đắc dĩ ở châu Âu

Theo biên tập viên Zanny Beddoes của tạp chí "Nhà Kinh tế", mặc dù đang là cường quốc ở châu Âu, nhưng nước Đức cần phải thay đổi lăng kính mà họ nhìn nhận chính mình cũng như thế giới. Dường như chưa sẵn sàng với vai trò nước lớn vào thời điểm hiện nay, Đức đang tìm cách thiết lập một trật tự do Đức lập ra ở lục địa già và thuyết phục các quốc gia khác tuân theo. Quá trình thai nghén một châu Âu mới sẽ tạo điều kiện để nước Đức tái định hình đường hướng phát triển, từ đó gánh vác thêm trách nhiệm mà họ không thể thoái thác.


 

Đức chưa có kinh nghiệm vào vai lãnh đạo thế giới.

Xem xét vấn đề dưới góc độ chính trị và kinh tế, rõ ràng Đức đã trở thành một cường quốc mạnh nhất ở lục địa già. Đó hẳn là sự trỗi dậy thần kỳ bởi năm 1999 cũng chính tạp chí trên đã miêu tả nước Đức như một người ốm yếu. Giờ đây nền kinh tế Đức chiếm 1/5 tổng sản lượng của cả châu Âu, và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ Volkswagen đến SAP, các tập đoàn lớn của Đức đã phủ ảnh hưởng lên toàn cầu trong khi nhiều hãng nhỏ hơn vẫn tìm mọi cách len lỏi vào từng phân khúc của thị trường thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức hiện là 5,4%, thấp hơn một nửa so với mức trung bình ở châu Âu. Chi tiêu ngân sách không bị thâm hụt, nợ công giảm và lãi suất trái phiếu dài hạn ở mức thấp nhất châu Âu.


Những gam màu tươi sáng này là nền tảng vững chắc giúp Đức trở thành chủ nợ lớn nhất châu Âu và có tiếng nói quyết định đối với tương lai khu vực đồng tiền chung euro. Anh mất dần ảnh hưởng và đang phải chật vật giải bài toán tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong khi nền kinh tế Pháp lâm vào trì trệ, cần được cải tổ kịp thời. Thực tế cho thấy những khó khăn mà cả Anh và Pháp đang vấp phải vô hình trung đã tạo thời cơ để Đức gia tăng ảnh hưởng và vị thế của mình. Trọng tâm quyền lực của châu Âu đã chuyển dịch về phía Béclin và Thủ tướng Angela Merkel được coi là chính trị gia quan trọng nhất ở châu lục. Vì thế, hãy trả lời câu hỏi: "Người Đức muốn gì?", thì sẽ biết "Châu Âu đi về đâu?".


Tuy nhiên, giới chính trị gia Nam Âu cáo buộc rằng Đức quá ích kỷ khi áp đặt chính sách khắc khổ về tài chính như điều kiện tiên quyết cho những gói cứu trợ. Suy đến cùng, họ chỉ biết bảo vệ người đóng thuế ở Đức. Một số người khác thì lại lo ngại về tình trạng mà họ gọi là sự thụ động và trì trệ của Đức. Theo Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski, nước Đức trì trệ còn đáng lo hơn là nước Đức thể hiện sức mạnh.


Xét ở góc độ nào đó, Đức quả là không muốn, mà thực tế là không thể, thực thi vai trò lãnh đạo của một cường quốc nổi trội nhất châu Âu. Nói theo ngôn ngữ của các nhà chính trị, Đức thiếu khả năng trở thành bá chủ ở châu Âu, một quốc gia hàng đầu có thể đảm nhận trách nhiệm duy trì sự ổn định của tất cả các thể chế trên phạm vi toàn cầu. William Paterson thuộc trường Đại học Aston ở Birmingham (Anh) gọi Đức là "cường quốc bất đắc dĩ". Thực tế này khó có thể thay đổi trong một sớm, một chiều. Ngay tại Đức, các cuộc tranh luận về vai trò của nước này đối với châu Âu ngày càng thưa thớt. Và cuộc tổng tuyển cử vào ngày 22/9 sắp tới mà bà Merkel dự kiến sẽ giành chiến thắng nhiệm kỳ ba là dịp quan trọng để kiểm chứng mức độ ảnh hưởng của Đức.


Thực tế cho thấy Đức chưa có kinh nghiệm vào vai lãnh đạo thế giới. Cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung euro đã thử thách các chính khách Đức, và thật dễ hiểu khi họ miễn cưỡng "đứng mũi chịu sào" cho những nỗ lực khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, châu Âu vẫn cần đến vai trò của Đức vào thời điểm hiện nay. Như vậy, Đức khó có thể thoái thác trách nhiệm đối với châu lục, và sẽ phải đảm nhận vai trò nước lớn, dù rằng họ chẳng mấy thích thú. Để tìm ra lối thoát cho tình thế bế tắc này, có lẽ Đức cần điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng giữa lợi ích quốc gia và khu vực.


Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN