Dư luận thế giới với kết quả bầu cử tổng thống Ai Cập

Trong khi những người Hồi giáo trên khắp thế giới hân hoan chào đón chiến thắng của ông Mohammed Morsi và coi đây là một chiến thắng đối với sự nghiệp đấu tranh của họ thì các nước phương Tây, các nước vùng Vịnh và Ixraen lại phản ứng hết sức thận trọng và cảnh giác đối với quan điểm chính trị của ông Morsi.


Được theo dõi sát sao từ Dải Gaza tới vùng Vịnh, chiến thắng của ông Morsi trước ứng cử viên Ahmed Shafiq được đông đảo dư luận đánh giá là một sự kiện lịch sử có tầm ảnh hưởng sâu rộng, vượt ra ngoài biên giới Ai Cập.


Mặc dù Ixraen đã nỗ lực hết sức để làm suy yếu Hamas, nhưng họ vẫn bày tỏ sự tôn trọng đối với chiến thắng của ông Morsi và “tiến trình dân chủ”, đồng thời kêu gọi chính quyền mới ở Cairô ủng hộ thỏa thuận hòa bình đã được nhà lãnh đạo bị lật đổ của Ai Cập Hosni Mubarak duy trì trong suốt 33 năm cầm quyền.


 

Người ủng hộ ông Morsi ăn mừng tại quảng trường Tahir ở Cairô ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Những người Hồi giáo cho rằng chiến thắng của ông Morsi là bằng chứng cho thấy “cuộc cách mạng” của họ vẫn đang tiến triển.


Mỹ, nước cung cấp viện trợ quân sự lớn cho Ai Cập, đã hoan nghênh kết quả bầu cử song cũng tỏ rõ hy vọng ông Morsi sẽ đảm bảo sự ổn định và không chuyển hướng sang thái cực cực đoan. Jay Carney, người phát ngôn Nhà Trắng, nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng đối với Tổng thống mới đắc cử Morsi là tại thời điểm lịch sử hiện nay, ông sẽ có những động thái nhằm thúc đẩy sự thống nhất dân tộc, thể hiện qua việc hợp tác với tất cả các đảng và cử tri để tham khảo ý kiến về việc thành lập một chính phủ mới”. Ông Carney cũng kêu gọi ông Morsi đảm bảo rằng Ai Cập tiếp tục là “một trụ cột của hòa bình khu vực”.


Ngoại trưởng Iran phát biểu: “Phong trào cách mạng của người Ai Cập.... đang bước vào giai đoạn cuối của một kỷ nguyên phát triển mới ở Trung Đông và sự thức tỉnh của người Hồi giáo”.


Tại Arập Xêút, chính phủ vẫn giữ im lặng. Mối quan hệ của nước này với Tổ chức Anh em Hồi giáo vốn không mặn mà gì do nhiều quan chức của vương quốc này cáo buộc Tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ những yêu cầu thay đổi chính trị ở Arập Xêút. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Arập Xêút sẽ buộc phải bắt tay với Tổng thống mới của Ai Cập. Jamal Khashoggi, cựu biên tập viên nổi tiếng của Arập Xêút, nói: “Tôi cho rằng người Arập Xêút sẽ rất thực tế trong vấn đề này. Hơn nữa, họ sẽ tìm kiếm những lợi ích chung về kinh tế, chính trị và cả cách giải quyết vấn đề Iran như thế nào”.


Người phát ngôn của bà Catherine Ashton, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng cuộc bầu cử ở Ai Cập vừa qua là một mốc lịch sử lớn trong quá trình chuyển giao dân chủ ở Ai Cập. Bà Ashton hy vọng tổng thống mới của Ai Cập sẽ “đại diện cho tính đa dạng của đất nước Ai Cập”.
Ngoại trưởng Anh William Hague, trong một tuyên bố rộng rãi với các nước thành viên EU, đã kêu gọi ông Morsi tạo dựng các mối quan hệ và đề cao nhân quyền, trong đó có quyền của phụ nữ và các dân tộc thiểu số về tôn giáo.


Thổ Nhĩ Kỳ, cường quốc ngày một quan trọng trong khu vực, nhận định chiến thắng của ông Morsi thể hiện nguyện vọng của người dân, song Ancara cũng nêu rõ rằng, ông Morsi cần nỗ lực rất nhiều để đáp ứng các nguyện vọng đó.


Trong khi đó, hầu hết các nước vùng Vịnh đều phản ứng hết sức thận trọng. Tại Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, hãng thông tấn WAM cho biết chính phủ tôn trọng “sự lựa chọn của người dân Ai Cập trong bối cảnh tiến trình dân chủ ở nước này”. Dahi Khalfan, người đứng đầu lực lượng cảnh sát của Đubai tỏ ra hoài nghi hơn khi nói: “Một sự lựa chọn không may mắn. Tác động của sự lựa chọn này sẽ là không nhỏ đối với những người dân nghèo”. Hãng thông tấn nhà nước của Baranh cho biết Quốc vương Hamad đã gửi lời chúc mừng tới ông Morsi và ca ngợi “bầu không khí dân chủ và tự do”, trong khi Bộ trưởng Thông tin của Gioócđani Samih al-Mayytah nói với Reuters rằng đất nước ông hy vọng ông Morsi sẽ mang lại sự ổn định.


Những người Ai Cập sống ở nước ngoài đã thể hiện sự tin tưởng rằng đất nước họ cuối cùng cũng có cơ hội phát triển. Abdulhamid, một kỹ sư người Ai Cập 60 tuổi, sống ở Riát (Arập Xêút), nhận định chiến thắng của ông Morsi là một bước ngoặt.


Những người Hồi giáo ở các nơi khác nói rằng họ cũng hài lòng với kết quả bầu cử, song một số người đã đưa ra khuyến nghị đối với vị tân Tổng thống. Ở Angiêri, Atef Kedadra, nhà báo kỳ cựu của nhật báo “El Khabar”, nói rằng chiến thắng của ông Morsi có tầm quan trọng mang tính biểu tượng lớn, nhưng tân tổng thống sẽ phải thể hiện ông là người có khả năng bao quát.


Tuy nhiên, một số người Hồi giáo khác lo ngại rằng chiến thắng của ông Morsi sẽ mở đường cho trào lưu Hồi giáo chính thống. Adel Hamza, một giáo viên dạy nhạc 42 tuổi ở Bátđa, nói: “Ai Cập - quốc gia Arập ôn hòa nhất - được đặt dưới sự cầm quyền của những người Hồi giáo, tôi cho rằng đó là một cơn ác mộng”.


TTK (Theo Reuters)

Ứng cử viên “Anh em Hồi giáo” trúng cử tổng thống Ai Cập
Ứng cử viên “Anh em Hồi giáo” trúng cử tổng thống Ai Cập

Ngày 24/6, Ủy ban bầu cử tổng thống Ai Cập đã chính thức tuyên bố ứng cử viên Mohammed Morsi của tổ chức “Anh em Hồi giáo” giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, với 51,73% số phiếu bầu, đánh bại cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN