Dự án xây tường bao quanh biên giới phía Đông Ukraine

Theo nhật báo "Bưu điện Kiev" ngày 5/11, do không thể kiểm soát phần lớn biên giới với Nga, chính phủ Ukraine đã quyết định xây một bức tường dài 2.295km, chạy dọc biên giới với Nga. Tuy nhiên, dự án khổng lồ này có thể sẽ không đem lại hiệu quả.

Binh lính Ukraine tại trạm kiểm soát thuộc khu vực miền đông Lugansk ngày 7/10. Ảnh: AFP/ TTXVN


Được chính phủ Ukraine tuyên bố hồi đầu tháng 9/2014, dự án xây dựng đầy tham vọng này được mệnh danh là "Bức tường phòng thủ châu Âu". Kế hoạch này nhằm thắt chặt an ninh dọc theo toàn bộ biên giới vốn chưa bao giờ được phân định đầy đủ với Nga. Các quan chức hàng đầu của nước này cho rằng bức tường đó sẽ giúp bảo vệ đất nước khỏi một cuộc xâm lăng từ nước Nga láng giềng.

Theo sơ đồ do Cục Biên giới Nhà nước và Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine thiết kế, bức tường trên sẽ chạy dài theo đường biên của các tỉnh Kharkov, Chernihiv, Sumy, phần phía bắc của tỉnh Lugansk và phần giáp với bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga, ở khu vực gần các thành phố Mariupol, Berdiansk và Genichesk.

Chính phủ Ukraine nói rằng các cấu trúc phòng thủ sẽ bao gồm các tuyến hào có thể ngăn cản xe cơ giới cùng các đài giám sát để phát hiện các hoạt động chuyển quân và phương tiện chiến tranh từ phía Nga.

Ngày 15/10, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã tới làng Hoptivka thuộc tỉnh Kharkov để kiểm tra việc triển khai giai đoạn đầu tiên của dự án, nơi quy tụ 1.145 người tham gia. Ông cho biết dự án sẽ được hoàn tất trong vòng 56 tháng bằng nguồn tài chính mà ông hy vọng có thể có được thông qua tài trợ, chủ yếu từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Tại cuộc họp của Nội các vào ngày 8/10, ông Yatsenyuk thông báo chi phí cho việc xây dựng bức tường chỉ hết 66 triệu euro (gần 90 triệu USD) và Liên minh châu Âu (EU) bước đầu đã tuyên bố tài trợ 14 triệu euro.

Tháng 6/2014, nhà tỷ phú Ihor Kolomoisky - Tỉnh trưởng tỉnh Dnipropetrovsk và đồng sở hữu Ngân hàng Privat - là người đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng bức tường trên, đồng thời tuyên bố sẽ tài trợ 100 triệu euro cho dự án.

Tuy nhiên, tất cả số tiền này cộng lại cũng quá nhỏ bé so với các dự án tương tự trên thế giới. Chẳng hạn, dự án "hàng rào chống khủng bố" dài 800km dọc biên giới với Palestine - mà Israel khởi sự cách đây hơn một thập kỷ và đến nay vẫn đang được tiếp tục - tốn kém hơn 2 tỷ USD.

Bà Yulia Tymoshenko. Ảnh: AFP-TTXVN


Ngoài vấn đề kinh phí, dự án trên còn không được nhiều người ủng hộ. Những người chỉ trích cho rằng dự án không hiệu quả và có thể trở thành một cái cớ để "cắt xén" các nguồn tài trợ. Nhiều đối thủ chính trị của ông Yatsenyuk, trong đó có bà Yulia Tymoshenko - thủ lĩnh đảng Batkivshina - cho rằng bức tường thành này chỉ có giá trị tượng trưng.

Tuy nhiên, bà Viktoria Siumar - một cựu quan chức của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine - cho rằng dự án này là có tiềm năng và rất cần thiết. Bà nói: "Chừng nào biên giới của Ukraine không được bảo vệ thì Ukraine cũng không được bảo vệ, và do đó đất nước không thể trở thành thành viên của EU".

Cùng quan điểm với giới hoài nghi, ông Viacheslav Tseluiko - chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Giải trừ quân bị - cho rằng bức tường đó có thể ngăn chặn được nạn buôn bán hàng lậu, nhưng sẽ không hiệu quả trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược quân sự toàn diện.


TTK
Leo thang mâu thuẫn khí đốt Ukraine, EU và Nga
Leo thang mâu thuẫn khí đốt Ukraine, EU và Nga

Các cuộc thương lượng về việc cung cấp khí đốt cho mùa Đông này giữa Ukraine, EU và Nga đã thất bại, sau khi có tin Nga đã ngừng tất cả các cuộc thương lượng bởi vì EU không sẵn sàng bảo đảm về mặt tài chính cho việc cung cấp khí đốt cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN