Đồng NDT gia nhập SDR: Chưa thể tạo đột biến

Nếu đồng NDT gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế SDR trong cuộc họp của IMF vào hôm nay (30/11), đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao mang tính biểu tượng của Trung Quốc, đồng thời dự báo sự chuyển hướng trong đấu tranh tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc.


Ngày 13/11 vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ra tuyên bố nêu rõ qua đánh giá, các chuyên gia IMF cho rằng đồng nhân dân tệ (NDT) đã đáp ứng tiêu chuẩn “có thể tự do sử dụng”. Họ cũng kiến nghị Hội đồng Điều hành IMF đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế SDR hay còn gọi là “quyền rút vốn đặc biệt”. Như vậy, sau khi đáp ứng tiêu chuẩn về quy mô ngoại thương vào năm 2010, đồng NDT cơ bản đã đủ điều kiện gia nhập SDR theo quy định của IMF.

Gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế, liệu đồng NDT có tạo đột biến?

Đồng NDT càng tiến sát tới mốc lịch sử trong tiến trình quốc tế hóa hơn khi tại Hội nghị G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, như hãng tin Reuters tiết lộ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói với quan chức cấp cao Trung Quốc rằng ông sẽ ủng hộ đồng NDT gia nhập SDR nếu đồng NDT đáp ứng được tiêu chuẩn của IMF. Đây là sự thay đổi lớn trong thái độ của Mỹ, tạo bước ngoặt đối với việc đồng NDT gia nhập SDR. Nó đồng thời dự báo trong cuộc họp vào hôm nay, IMF nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định mà Trung Quốc kỳ vọng bấy lâu.

Đối với Trung Quốc, việc đồng NDT gia nhập SDR là một thông tin tốt lành. Gặt hái đầu tiên là khả năng dòng tiền từ các ngân hàng trung ương (NHTW) chảy vào Trung Quốc thông qua tăng cường dự trữ bằng đồng NDT. Việc này sẽ góp phần hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực từ việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc mà theo dữ liệu của Bloomberg, trong 9 tháng đầu năm 2015 quy mô đã lên tới 669 tỉ USD. Hiện nay, ngoài NHTW một số nước châu Á như Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia, NHTW Thụy Sĩ đã đưa NDT vào danh sách các đồng tiền dự trữ và NHTW châu Âu cũng đang nghiên cứu việc này.

Về định lượng, tính tới cuối năm 2014, tổng tiền dự trữ của thế giới tương đương 11.300 tỉ USD. Trong đó đồng USD chiếm 63%, đồng euro chiếm 22%, đồng NDT chiếm 1,1% (khoảng 130 tỉ USD) và 13,9% còn lại thuộc về đồng bảng Anh, yên Nhật. Dự kiến sau khi gia nhập SDR, tỉ trọng dự trữ bằng đồng NDT trên thế giới có thể sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng vào khả năng tạo đột biến vì vẫn tồn tại hoài nghi vào sự ổn định của đồng NDT. Thực tế cũng cho thấy việc Nhật Bản và Anh gia nhập SDR đã không giúp gia tăng tỉ trọng đồng yên hay đồng bảng làm tài sản dự trữ ngoại hối của các NHTW là bao. Trong khi đó, đồng đôla Australia và đồng đôla Canada lại được sử dụng làm tài sản dự trữ ngoại hối một cách rộng rãi dù không nằm trong rổ SDR.

Nhìn về tương lai, có phân tích cho rằng SDR có thể là một phương án thoát hiểm nhờ cơ chế quy đổi SDR thành tiền thật đang lưu hành. Nhưng phải thấy rằng SDR không phải là USD hay euro để có thể trao đổi ngay lập tức nên SRD luôn có tính thanh khoản rất yếu. Nói cách khác, việc đồng NDT gia nhập SDR chủ yếu mang tính biểu tượng và tác dụng lớn nhất là giúp gia tăng lòng tin, cải thiện vị thế và đẩy nhanh tiến trình quốc tế hóa đồng NDT.

Đối với Mỹ, việc đồng NDT gia nhập SDR có nghĩa kỳ vọng vào việc đồng NDT phá giá sẽ bị loại bỏ. Tới đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá, đồng NDT cũng sẽ phải tăng giá theo, giúp giảm nhẹ áp lực đối với kinh tế Mỹ, nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu. Về lâu dài, sau khi đồng NDT gia nhập SDR, Trung Quốc sẽ phải tiến hành hàng loạt cải cách tài chính tương ứng như mở cửa hơn nữa đối với thị trường tài chính, tài khoản vốn... Mỹ là cường quốc tài chính toàn cầu, chỉ cần thị trường tài chính của Trung Quốc càng ngày càng mở cửa, cơ hội đến với ngành tài chính Mỹ càng lớn.

Nói tóm lại, xuất phát từ lợi ích thực tế và tự thân của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, cánh cửa SDR đã rộng mở đối với đồng NDT. Nhưng sau khi đồng NDT gia nhập SDR, hướng đấu tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc cũng xuất hiện, ấy là tiến trình mở cửa ngành tài chính của Trung Quốc. Đây là vấn đề mà Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải cân nhắc thận trọng vì trên thực tế rất ít nước tránh được các cuộc khủng hoảng sau khi tự do hóa lĩnh vực tài chính và hội nhập toàn cầu.

Hà Ngọc
Nga đưa đồng NDT vào giỏ ngoại tệ dự trữ
Nga đưa đồng NDT vào giỏ ngoại tệ dự trữ

Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định đưa đồng nội tệ của Trung Quốc là đồng nhân dân tệ (NDT) vào giỏ ngoại tệ dự trữ của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN