Động lực khiến Armenia 'xoay trục' khỏi Nga

Chính quyền Armenia đang đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề trong nước bằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại đa chiều thay vì chọn bên giữa phương Tây hoặc Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong một cuộc họp năm 2022. Ảnh: TASS

Theo nhận định của Burak Caliskan, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Trung Á, chính sách đối ngoại của Nga và địa chính trị Á-Âu, hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học York (Canada) với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người lên nắm quyền vào năm 2018 với các cuộc biểu tình được gọi là "Cách mạng Nhung", tuyên bố rằng ông sẽ cứu nước này khỏi nạn tham nhũng và nền chính trị kiểu cũ. Tuy nhiên, thất bại nặng nề của Armenia trong Chiến tranh Nagorny-Karabakh lần thứ 2 (bắt đầu vào tháng 9/2020 và kéo dài 44 ngày) đã khiến Thủ tướng Pashinyan trở thành tâm điểm chỉ trích. 

Những người phản đối ông Pashinyan cho rằng Chính phủ Armenia không thực hiện được những cải cách đã cam kết và vì đã thua trong cuộc chiến với Azerbaijan. "Gia tộc Karabakh", cai trị Armenia từ khi độc lập cho đến năm 2018, đang dẫn đầu phe đối lập dân tộc chủ nghĩa bằng cách kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức. Ông Pashinyan, người phải từ chức vào tháng 4/2021, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với hơn 50% số phiếu trong cuộc bầu cử sớm được tổ chức vào tháng 6 cùng năm.

Chuyên gia Caliskan cho rằng công chúng Armenia, những người đã bị thao túng trong nhiều năm bởi các chế độ cai trị, truyền thông và cộng đồng người hải ngoại ở phương Tây, đã trải qua sự thất vọng lớn. Khi gần 30 năm chiếm đóng Nagorny-Karabakh của họ kết thúc, những gì còn lại là một nền kinh tế có nhiều vấn đề và một đất nước đã trở nên phụ thuộc vào các nguồn lực nước ngoài. Trong khi viện trợ kinh tế của cộng đồng người Armenia ở nước ngoài và Nga đã định hướng chính sách đối ngoại của Yerevan trong nhiều năm, thì nền kinh tế chiến tranh ra khiến điều kiện sống của người dân Armenia trở nên khó khăn.

Những lý do này, cùng với việc không bầu được cựu Tổng thống Armenia Robert Kocharyan, một trong những nhân vật quan trọng nhất của nền chính trị cũ với các vụ án tham nhũng đang được điều tra, đã đặt ra nhu cầu của người dân Armenia về một nền chính trị mới và trong sạch hơn.

Thủ tướng Pashinyan, người nhận thức được các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của Armenia, phản đối chính trị dân tộc chủ nghĩa, đang tìm cách phá vỡ ảnh hưởng của "Gia tộc Karabakh" theo chủ nghĩa dân tộc và cộng đồng người Armenia hải ngoại, vốn ủng hộ chiến tranh và xa rời thực tế khu vực, trong nền chính trị quốc gia. Chỉ trích các chính sách được áp dụng trong những năm trước đây, Thủ tướng Pashinyan đang nỗ lực thu hút công chúng bằng cách tuyên bố rằng hiện trạng mới ở Nagorny-Karabakh sẽ tích cực hơn cho tương lai của Armenia. 

Trong bối cảnh đó, những cải cách pháp lý và kinh tế, điều mà người dân Armenia cũng mong muốn, có thể thực hiện được bằng cách tiến hành các bước đi đúng đắn trong chính sách đối ngoại. Quá trình này bắt đầu với việc Yerevan tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Nga với Armenia và thực hiện chính sách thân phương Tây.

Thủ tướng Pashinyan, người nổi tiếng với những bình luận chống Moskva khi còn ở phe đối lập, bắt đầu thực hiện những toan tính trên một cách rõ ràng hơn sau cuộc chiến Nagorny-Karabakh năm 2020. Đặc biệt vào tháng 2 vừa qua, thông báo của Thủ tướng Pashinyan rằng Armenia đã đình chỉ tư cách thành viên của mình trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đã làm gia tăng các cuộc thảo luận về sự "xoay trục" trong chính sách đối ngoại của Yerevan.

Trên thực tế, sự thay đổi cục diện của cuộc chiến Nagorny-Karabakh lần thứ 2 đã khuyến khích Armenia tạo ra một chính sách đối ngoại đa chiều, trong đó nước này vừa cải thiện quan hệ với các nước láng giềng vừa cải thiện quan hệ với phương Tây. Về điểm này, Thủ tướng Pashinyan, người tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tháng 6/2023, cho rằng việc bình thường hóa quan hệ với Ankara là yếu tố quan trọng nhất đối với Armenia.

Trong khi đó, quốc gia tỏ ra quan tâm nhất đến xu hướng chính sách đối ngoại thân phương Tây của Armenia là Pháp. Các cuộc đàm phán đã diễn ra giữa hai nước về các thỏa thuận an ninh và viện trợ quân sự khác nhau. Trên thực tế, việc xích lại gần nhau này đã khiến Pháp công khai theo đuổi chính sách chống Azerbaijan và quan hệ Baku-Paris xấu đi trong một thời gian ngắn. Có thể nói, Pháp, lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi, đang nỗ lực giành được một vai trò mới ở Nam Caucasus như một phản ứng địa chính trị.

Chuyên gia Caliskan kết luận, tại thời điểm này, các sáng kiến chính sách đối ngoại của Armenia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Pashinyan là "thực dụng". Yerevan đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề trong nước bằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại đa chiều thay vì chọn phe giữa phương Tây hoặc Nga. Những bước đi tích cực mà Armenia thực hiện đối với các nước láng giềng chắc chắn sẽ nhận được phản hồi và tạo cơ hội quan trọng cho những cải cách kinh tế xã hội ở nước này. Tuy nhiên, cả áp lực của phe đối lập trong nước và tính toán địa chính trị của các đồng minh, đối tác mới của Armenia đều có thể ảnh hưởng đến hòa bình khu vực ở Nam Caucasus.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr)
Armenia xem xét gia nhập EU
Armenia xem xét gia nhập EU

Armenia đang xem xét việc đăng ký làm thành viên EU khi nước này tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây trước căng thẳng với đồng minh truyền thống Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN