Động cơ thực sự của làn sóng Hồi giáo chống Mỹ

Theo báo "Thư tín Địa cầu" (Canađa) ngày 16/9, các cuộc tấn công nhằm vào các đại sứ quán Mỹ và Anh tại Trung Đông - Bắc Phi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm "bất ổn" trong thế giới Hồi giáo.


Người Hồi giáo biểu tình phản đối Mỹ tại thủ đô Đắcca (Bănglađét) ngày 13/9/2012.Ảnh: AFP/TTXVN

 

Các cuộc biểu tình chống Mỹ đang lan rộng khắp Trung Đông - Bắc Phi và thế giới Hồi giáo kể từ đêm 11/9/2012 và không có dấu hiệu giảm bớt. Những người biểu tình cho biết họ phản đối một bộ phim được sản xuất tại Mỹ, báng bổ Đấng tiên tri Mohammed, nhưng đằng sau có một động cơ lớn hơn nhiều, đang thúc đẩy họ phải hành động. Barry Rubin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu về các vấn đề quốc tế tại Ixraen, nhận xét: "Đây là một cuộc chiến tranh, một trận chiến của ý thức hệ, một cuộc đấu tranh để kiểm soát quyền lực nhà nước, chứ không phải là tình cảm bị tổn thương vì một cuốn phim nghiệp dư".


Những phần tử Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni tại cả Libi và Ai Cập đang tìm cách giành quyền lực và đang lợi dụng sự hỗn loạn sau "cách mạng" để làm lợi cho họ. Tại Libi, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã lưu ý trong một báo cáo được công bố ngày 14/9 rằng, "lực lượng Hồi giáo vũ trang bị ảnh hưởng bởi Al Qaeda đang phát triển mạnh mẽ tại khu vực miền đông Libi và xung quanh, làm tăng quan ngại về sự ổn định của nước này, cũng như khả năng xảy ra thêm các cuộc tấn công giống vụ tấn công đã khiến Đại sứ Mỹ tại Libi thiệt mạng. Tại Libi, những người Hồi giáo, thường được gọi là Salafist này không ra tranh ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7 vừa qua vì tin rằng chỉ có một bộ luật duy nhất của Chúa và được Đấng tiên tri Mohammed ghi lại, nên không cần bất cứ quốc hội nào phải thông qua các bộ luật khác. Giờ đây, họ đang sử dụng các phương tiện khác để thúc đẩy lý lẽ của họ. Ông Rubin nói: "Họ đang coi người Mỹ là những người đỡ đầu một chế độ mà họ không thích. Họ không muốn cảm ơn người Mỹ vì đã giúp giải phóng Libi, mà muốn đẩy hoàn toàn người Mỹ ra khỏi khu vực".


Tương tự, tại Ai Cập, những người Hồi giáo Salafist cũng đang tiến hành đường lối chống Mỹ và Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo đang đối mặt với một tình huống khó khăn. Ông Rubin nhận xét rằng, những người Salafist đang tìm cách gây khó khăn cho tổ chức Anh em Hồi giáo khi tìm cách miêu tả họ là những người ủng hộ một nước Mỹ chống Hồi giáo. Quả thực, tổ chức Anh em Hồi giáo cầm quyền không muốn đánh mất sự hỗ trợ về tài chính và quân sự của Mỹ, nhưng họ cũng không muốn bị sự cạnh tranh của những người Salafist gây khó khăn. Trong một phát biểu tại Brúcxen, ông Mursi đã có những lời lẽ lên án mạnh mẽ bộ phim báng bổ đạo Hồi, hơn là xin lỗi hoặc chỉ trích các vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ.


Chính quyền Mỹ vẫn đang chờ xem diễn biến chính trị tại Ai Cập: Ban lãnh đạo Anh em Hồi giáo sẽ đi đến đâu trong việc đáp ứng những lợi ích của Mỹ? Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh sự căng thẳng ngày càng tăng giữa Oasinhtơn và Cairô, khi nói rằng Mỹ không coi chính phủ Ai Cập mới là đồng minh, nhưng cũng không coi là kẻ thù. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có một động thái bất thường khi lên án bộ phim báng bổ đạo Hồi, nhưng trong một phát biểu nhằm vào Tổng thống Mursi, đã nhấn mạnh rằng "các nhà lãnh đạo chính trị, hội dân sự hoặc tôn giáo có trách nhiệm đều phải vạch ranh giới rõ ràng trước tình trạng bạo lực".


Các cuộc biểu tình chống Mỹ hiện có nguy cơ lan khắp thế giới Hồi giáo chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Các cuộc tấn công ngày càng tăng tại Irắc, cùng các cuộc tấn công tại Xyri nhằm chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đều là hành động của những kẻ Hồi giáo Sunni cực đoan, nhằm tìm cách nắm quyền tại hai quốc gia này. Đó là một hiện tượng có quy mô toàn khu vực và cuộc chiến này có khả năng diễn ra tại Trung Đông - Bắc Phi trong nhiều thập kỷ tới.

 

Thanh Hoa

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN