Donetsk - chiến trường nguy hiểm tiếp theo ở Ukraine

Chiến dịch mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy ly khai ở Ukraine - cuộc chiến vì Donetsk – có lẽ sắp xảy ra, và câu hỏi đang nổi lên hiện nay là khu vực quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine này sẽ phải hứng chịu bao nhiêu thiệt hại?

Có một sự lo ngại rằng cuộc đối đầu giữa 30.000 binh sĩ của quân đội Ukraine và 10.000 người nổi dậy ly khai sẽ phá hủy thành phố 1 triệu dân này. Hiện hàng nghìn người dân đã phải sơ tán khỏi Donetsk.

Lực lượng ly khai trong một cuộc giao tranh với quân đội Ukraine. Ảnh: Itar-tass


Quân đội Ukraine đã sử dụng các chiến lược khác nhau để lấy lại 2 thành phố quan trọng khác trong các tỉnh miền Đông. Một chiến lược là thực hiện tấn công vũ trang quy mô nhỏ nhằm vào các trụ sở của lực lượng ly khai ở Mariupol vào đầu tháng 6 và đã gây ra thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của thành phố cảng 480.000 dân này. Chiến lược nữa mà quân đội Ukraine đã sử dụng là tiến hành pháo kích kéo dài một tuần nhằm vào Slavyansk trong tháng 6 và tháng 7, khiến cho thành phố 110.000 dân này bị hư hại khoảng 60% về cơ sở hạ tầng.

Sợ rằng quân đội Ukraine sẽ tiếp tục sử dụng pháo binh, tỷ phú công nghiệp Donetsk Rinat Akhmetov từng lên truyền hình ngày 6/7, một ngày sau khi lực lượng ly khai rút khỏi Slavyansk, kêu gọi: "Không được ném bom ở Donbass (vùng Donetsk và Lugansk). Không được phá hủy các thành phố, thị trấn và cơ sở hạ tầng của khu vực này”.

Chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko hiểu rõ rằng Donetsk có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế của Ukraine hơn bất cứ thành phố nào trong cả nước. Đây là một “thành trì” của ngành công nghiệp nặng Ukraine, bao gồm các nhà máy đóng tàu, các mỏ than, sắt và sản xuất thép cũng như các nhà máy luyện kim khác, phần lớn là thuộc sở hữu của ông Akhmetov.

Gần đây, Tổng thống Ukraine đã cam kết sẽ kiềm chế trong các chiến dịch ở Donetsk, nhưng quân đội phải cân bằng giữa việc phá hủy cơ sở hạ tầng do các cuộc không kích và pháo kích với nguy cơ bị thương vong cao hơn nếu dựa vào việc sử dụng các vũ khí nhỏ, hạng nhẹ.

Một tòa nhà chung cư ở khu vực miền đông Ukraine bị phá hủy vì cuộc không kích của quân đội nước này khiến 11 người thiệt mạng. Ảnh: AFP/TTXVN


Có một điều chắc chắn: Chính phủ muốn chiếm lại Donetsk theo cách tồi tệ nhất. Việc chiếm lại thành phố có thể sẽ khiến lực lượng ly khai mất chỗ dựa, tất nhiên quân đội vẫn phải kiểm soát được Lugansk, thành trì thứ 2 của phong trào ly khai, nơi có dân số 426.000 người.

Một lý do khác mà quân đội Ukraine đang “nóng lòng” muốn giành lại quyền kiểm soát Donetsk là vì một người: ông Igor Strelkov, quốc tịch Nga, lãnh đạo của lực lượng chiến đấu ly khai. Cựu sĩ quan tình báo Nga này (còn được gọi là Igor Girkin, theo Ukraine và phương Tây) đang dẫn đầu chiến dịch nổi dậy ở Slavyansk.

Khi lực lượng chính phủ chiếm ưu thế ở Slavyansk một tuần trước đây, ông Strelkov và 1.000 người nổi dậy ly khai đã rút về Donetsk, tuyên bố chiến đấu đến cùng. Sau đó, lực lượng ly khai đã lập các tuyến phòng thủ ở khu vực này. Donetsk sẽ "dễ dàng phòng thủ hơn nhiều so với Slavyansk", ông Strelkov nói.

Đại tá, chuyên gia quân sự Dmitry Tymchuk tại Kiev cho rằng chính phủ sẽ sử dụng chiến lược như ở Mariupol, tìm cách giảm thiệt hại trong chiến dịch ở Donetsk.

Vị Đại tá trên nói thêm rằng quân đội Ukraine đã sử dụng phương pháp tiếp cận Mariupol để chiếm lại Nikolaevka, một thị trấn với gần 18.000 dân ở Slovyansk, vào ngày 4/7, một ngày trước khi giành quyền kiểm soát Slovyansk.

Theo ông Tymchuk, quân đội Ukraine đóng quân ở các vị trí xung quanh khu vực Nikolaevka ở Donetsk để ngăn chặn quân tiếp viện hoặc vũ khí trang bị thâm nhập, sau đó sử dụng vũ khí hạng nhẹ để kiểm soát một số tòa nhà nơi lực lượng ly khai ẩn náu. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa thương vong về dân sự. Mặc dù Donetsk rộng lớn hơn Nikolaevka 50 lần, nhưng lực lượng ly khai đã tập trung lực lượng của mình trong một vài tòa nhà ở đó.

Lực lượng ly khai tại một trạm kiểm soát ở Maryinka, cách Donetsk 25km về phía tây ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN


Có nghĩa là quân đội Ukraine có thể chiếm lại Donetsk bằng một “chiến dịch chống khủng bố cổ điển”, ông Tymchuk cho biết nhưng lại không nói điều gì sẽ xảy ra nếu lực lượng ly khai tản mát ra khắp thành phố chứ không tập trung ở trong một vài tòa nhà.


Theo Vladimir Gorbach, một chuyên gia quân sự tại Viện Hợp tác châu Âu-Đại Tây Dương có trụ sở tại Kiev, một cuộc chiến nhằm giải tán lực lượng ly khai có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ nhất trong tác chiến ở đô thị - đổ máu và kéo dài. Điều đó có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ phải chiến đấu “từ nhà này sang nhà khác và từ tháng này sang tháng khác”.

Ông Gorbach cũng nhận định quân đội Ukraine sẽ không sử dụng chiến lược dựa vào pháo binh vì tầm quan trọng của Donetsk đối với nền kinh tế.

Ông Tymchuk chia sẻ thêm rằng quân đội Ukraine sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát Donetsk so với Slavyansk bởi vì họ không sẵn sàng để nổ súng nhằm vào người dân Ukraine trong nhiều tuần.

Sau khi hơn 300 binh sĩ Ukraine bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột, quân đội chính phủ có lẽ không còn do dự. Sự miễn cưỡng ban đầu của họ bắt nguồn từ việc hơn 100 người biểu tình thiệt mạng tại Kiev vào tháng 2 bởi lực lượng đặc nhiệm thuộc tiểu đoàn Eagle. Sau đó, chính phủ lâm thời đã giải tán tiểu đoàn này và thành lập 3 đơn vị lực lượng đặc biệt: Các tiểu đoàn Azov, Dnepr và Donbass.

Thành công của tiểu đoàn Azov và Dnepr trong việc chiếm lại Mariupol có nghĩa là cả 3 tiểu đoàn trên có khả năng sẽ được sử dụng trong chiến dịch ở Donetsk.


Công Thuận (Theo USAtoday)
EU không có kế hoạch trả nợ khí đốt hộ Ukraine
EU không có kế hoạch trả nợ khí đốt hộ Ukraine

Người đứng đầu ban năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC) Dominique Ristori cho biết, Liên minh châu Âu (EU) không có ý định trả hộ Ukraine khoản nợ khí đốt mua của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN