Doanh nghiệp châu Âu vẫn tiếp tục rời bỏ Nga

Vừa qua Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra một số sắc lệnh yêu cầu các ngành chức năng Nga cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, trong đó đặc biệt tính đến đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh tại Nga. Tuy nhiên, tờ "Báo Độc lập" (Nga) ra ngày 17/6 cho rằng có vẻ như các sắc lệnh này không mấy phát huy tác dụng, khi mà các doanh nghiệp châu Âu vẫn tiếp tục rút vốn khỏi thị trường Nga.


Những năm gần đây, Nga đã cải thiện đáng kể vị trí của mình trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business), nhưng trên thực tế những thay đổi này không ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh thực sự. Hơn 80% số công ty châu Âu đang hoạt động tại Nga cho rằng dù môi trường kinh doanh tại nước này được cải thiện, theo đánh giá của WB, song đã không làm cho hoạt động của họ tốt hơn.


Được biết, hơn một phần ba (khoảng 39%) công ty châu Âu hoạt động tại Nga có kế hoạch cắt giảm đầu tư ở “Xứ sở Bạch Dương” trong năm nay. Con số này tăng hơn hai lần so với năm 2014, và gần bảy lần so với năm 2013. Chỉ có 23% số công ty châu Âu cho biết năm nay họ vẫn sẵn sàng tăng cường đầu tư vào Nga. Con số này trong năm 2014 vào khoảng 30% và 2013 là 66%. Chỉ khoảng 35% số công ty dự định giữ nguyên mức đầu tư trong năm nay và 3% số khác còn phân vân chưa quyết định.

Các con số trên là kết quả một cuộc khảo sát tại 108 công ty châu Âu đang hoạt động tại Nga, do AEB và Tập đoàn nghiên cứu quốc tế GfK thực hiện. Chúng cho thấy xu hướng đáng lo ngại về tương lai nền kinh tế Nga, khi đa phần các công ty tham gia khảo sát cho biết họ dự kiến cắt giảm đầu tư.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng ghi nhận tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào nền kinh tế Nga giảm đáng kể và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng. Nếu như đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Nga năm 2013 là 69,2 tỷ USD, thì năm 2014 chỉ còn 21 tỷ USD, và năm nay có lẽ sẽ còn ít hơn nữa.

Trong khi đó “Danh mục các hạn chế” đầu tư nước ngoài vào Nga trong vài năm trở lại đây không mấy thay đổi. Ngoài việc thiếu hụt nhân sự có trình độ, thì “bảng danh mục” này cũng là một rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư vào Nga của các doanh nghiệp châu Âu. Đó là chưa kể những phân vân liên quan diễn biến phức tạp tại Nga, vấn đề Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, sự mất giá của đồng ruble, sự suy thoái kinh tế...

74% số công ty tỏ ý lo ngại những tác động tiêu cực của tình hình Ukraine và 81% số khác lo ngại về sự mất giá và tính bất ổn của đồng ruble Nga. 79% số khác cho biết họ không bị ảnh hưởng bởi trừng phạt kinh tế, nhưng cũng có 70% số công ty cho rằng các biện pháp trừng phạt có tác động tiêu cực đến kinh doanh của họ. Sở dĩ có sự mâu thuẫn trong kết quả khảo sát, theo các nhà nghiên cứu, trước hết có lẽ bắt nguồn từ chính những cảm xúc chủ quan, sợ hãi và tự rút vốn, ngay cả trước khi cảm nhận những khó khăn thực sự.
Dự đoán về tương lai nền kinh tế Nga, 76% số doanh nghiệp cho rằng trong ngắn hạn 2 năm tới, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm, trong khi 73% số khác dự đoán quãng thời gian suy giảm kéo dài từ 6 - 10 năm.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc "GfK - Rus" Alexander Demidov, tình hình thực tế không nghiêm trọng bằng tác động từ những cảm xúc bi quan của các doanh nhân. Khảo sát cho thấy chỉ có 24% số công ty cho rằng tình hình kinh tế Nga còn tồi tệ hơn cả những gì họ phán đoán. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất ít công ty có dự đoán lạc quan.

Giới chức Nga đặc biệt coi trọng các đánh giá của WB, coi đó như một kênh thông tin quan trọng để đề ra những phương hướng chiến lược.

Trở lại các sắc lệnh hồi tháng 5 của Tổng thống Putin, ông cho rằng căn cứ những đánh giá về điều kiện kinh doanh tại Nga do WB khảo sát, cần phải bằng mọi cách nâng Nga từ vị trí 120 trong bảng xếp hạng hồi năm 2011 lên vị trí 50 trong năm 2015 và vị trí 20 vào năm 2018. Năm 2015 chưa kết thúc, song cũng có thể dự đoán Nga sẽ không đạt được mục tiêu nâng hạng trên. Tuy nhiên, với vị trí hiện tại thứ 62 trong số 189 quốc gia, có thể thấy Nga đã nỗ lực hết sức để cải thiện điều kiện kinh doanh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Hoàng Thanh Tuyền
PetroVietnam tăng cường hợp tác với đối tác Nga
PetroVietnam tăng cường hợp tác với đối tác Nga

Hai bên đã bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hợp tác hiện có, đồng thời bàn cách thức tăng cường, mở rộng hợp tác trong các dự án khai thác chung trên thềm lục địa Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN