Diện mạo mới của Canada trên chính trường thế giới

Chính phủ mới của Canada đã cầm quyền được 100 ngày, đủ để cho thấy phần nào đường hướng chính sách đối ngoại mới của Canada trong thời gian tới.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Davos, Thụy Sĩ ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông qua các cam kết và hành động xụ thể, tân Thủ tướng Justin Trudeau muốn đưa Canada trở lại là một thành viên tích cực, cởi mở, đáng tin cậy và có nhiều đóng góp xây dựng trong cộng đồng quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đa phương trong các vấn đề toàn cầu.

Một thành viên tích cực, chủ động…


Chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền, Chính phủ Tự do và Thủ tướng Trudeau đã làm thay đổi hẳn bộ mặt cũng như vị thế của Canada trên chính trường quốc tế. Nhà lãnh đạo trẻ liên tiếp tham gia các hội nghị thượng đỉnh quốc tế như G7, G20, APEC, COP…, đồng thời có lịch gặp làm việc dày đặc với các nhà lãnh đạo thế giới bên lề các sự kiện này. Trong mỗi lần “xuất ngoại”, Thủ tướng Trudeau đều trở thành tâm điểm chú ý. Một phần do ông là gương mặt lãnh đạo mới và có phong cách rất trẻ trung. Phần khác, quan trọng hơn, là do các nước rất quan tâm tới những quan điểm chính sách mới của Canada sau một thời gian dài im lìm dưới thời của chính phủ tiền nhiệm.

Qua các tuyên bố và hành động cụ thể của Thủ tướng Trudeau cũng như các thành viên trong Nội các mới, có thể thấy xu hướng nổi lên rõ rệt trong chính sách đối ngoại năm 2016 của Canada là sẽ tập trung mạnh vào việc củng cố và thắt chặt lại quan hệ với các cường quốc và tổ chức đa phương, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Với Mỹ, đây là quốc gia láng giềng duy nhất có đường biên giới trên bộ với Canada và hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Mặc dù ngay sau khi Thủ tướng Trudeau lên nắm quyền, quan hệ hai nước gặp trục trặc nhỏ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bác bỏ Dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL đầy tham vọng (xuất khẩu dầu cát từ Canada sang miền Nam nước Mỹ), nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia cũng như nhìn vào đường hướng đối ngoại của chính quyền Trudeau, có thể thấy Washington vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Ottawa. Thứ nhất, như trên đã nói, Mỹ là bạn hàng thương mại lớn nhất của Canada với kim ngạch thương mại hai chiều chiếm tới 70% tổng kim ngạch thương mại của Canada.  Thứ hai, Mỹ là nước bảo trợ an ninh và quân sự cho Canada, một quốc gia có tới 3 mặt giáp đại dương. Thứ ba, hầu hết các chính sách của Canada hiện nay đều đi theo Mỹ và chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ.

Với Trung Quốc và Ấn Độ, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Trudeau nhiều lần công khai coi đây là hai thị trường ưu tiên hợp tác kinh tế của Canada trong thời gian tới. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều tín hiệu ảm đạm do giá dầu xuống thấp, đồng CAD mất giá kỷ lục, thị trường việc làm lao đao, nợ hộ gia đình tăng cao và thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều bong bóng, Canada buộc phải tìm kiếm các cơ hội hợp tác với những thị trường đang nổi giàu tiềm năng. Thủ tướng Trudeau đã lên kế hoạch sẽ đi thăm Trung Quốc và Ấn Độ vào cuối tháng 3, sau khi thăm chính thức Mỹ ngày 10 cùng tháng. Qua chuyến thăm này, Chính phủ Trudeau kỳ vọng sẽ sớm khởi động đàm phán thành lập FTA với Trung Quốc, hiệp định sẽ giúp mang lại hàng chục tỷ CAD cho Canada mỗi năm và tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới.

Với Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Liên minh châu  (EU) cũng vậy. Đây là hai khu vực giúp thúc đẩy kinh tế Canada trong bối cảnh còn khó khăn và chính phủ mới vừa lên nắm quyền.

Không chỉ củng cố quan hệ với các “đối tác cũ”, Chính phủ mới của Canada còn sẵn sàng chìa tay với một số quốc gia từng có quan hệ căng thẳng trước đây như Nga và Iran. Trong các tuyên bố gần đây, Thủ tướng Trudeau và Ngoại trưởng Canada Stephane Dion đều bắn tín hiệu sẵn sàng bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Iran và khởi động lại các cuộc thảo luận với Nga.

Với các tổ chức đa phương như LHQ, G7, G20, APEC…, Chính phủ Trudeau cũng rất nỗ lực cải thiện hình ảnh với mong muốn dần lấy lại vị thế của Canada như trước đây. Hướng đi này vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh với những cam kết tăng cường viện trợ phát triển cho các nước dang phát triển, trong đó có Việt Nam, và tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình.

… quyết đoán, cởi mở và đáng tin cậy.

Một trong những đặc trưng nổi bật khác trong chính sách đối ngoại mới của tân Chính phủ Canada là sự cởi mở, công khai và đáng tin cậy trong tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế. Điều này được thể hiện rõ qua 3 vấn đề lớn nhất hiện nay là chống biến đổi khí hậu, chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và cuộc khủng hoảng di dư lớn nhất kể từ sau Thế chiến II.


Trong cuộc chiến chống IS, Chính phủ Canada đã chính thức ngừng sứ mệnh ném bom ở Iraq và Syria để tập trung vào công tác mà nước này có nhiều thế mạnh là huấn luyện trên mặt đất. Toàn bộ phi đội 6 máy bay ném bom CH-18s sẽ được đưa về nước từ ngày 22/2, nhưng quân số tham gia công tác huấn luyện sẽ được tăng lên gấp 3 lần so với hiện nay. Ngoài ra, Canada cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo quân y, viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển với tổng số tiền lên tới 1,6 tỷ CAD trong 3 năm tới. Canada cho biết sẽ tăng quân số có mặt tại Iraq từ 650 lên 830 người.
 
Trong cuộc khủng hoảng di cư quốc tế, Canada cũng thể hiện rõ quyết tâm và thế mạnh hơn hẳn các quốc gia khác. Canada có GDP và dân số chỉ bằng 1/10 của Mỹ, nhưng lại cam kết đến hết tháng 2/2016 sẽ tiếp nhận 25.000 người tị nạn Syria, gấp 2,5 lần của Mỹ. Tất nhiên, Canada có lợi thế diện tích rộng, dân số thưa, nhiều vùng thiếu hụt lao động trầm trọng, nhưng việc tiếp nhận dòng người tị nạn quá lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay đang gây áp lực lớn lên mọi mặt đời sống xã hội từ y tế, giáo dục, nhà ở, trợ cấp phúc lợi xã hội đến thị trường việc làm… Một số thành phố lớn của Canada như Ottawa, Toronto và Vancouver đã bắt đầu cảm nhận được những áp lực này và buộc phải tạm ngừng tiếp nhận người tị nạn, song nhìn chung chính phủ và người dân Canada vẫn đặt quyết tâm rất lớn. Cam kết mới nhất của Canada sẽ tiếp nhận thêm khoảng 15.000 người tị nạn nữa từ nay đến cuối năm càng thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của nước này trong việc cùng thế giới giải quyết làn sóng di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến II.

Bên cạnh hai vấn đề trên, Canada cũng đang có những nỗ lực rất lớn để vươn lên tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Canada cam kết cắt giảm mạnh khí thải, tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh và cơ sở hạ tầng xanh để đảm bảo gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ liên bang đang tiến hành tham vấn rộng rãi với các chính quyền tỉnh bang và quyết tâm thực thi thâm hụt ngân sách để có tiền đầu tư cho tăng trưởng xanh. Những quyết tâm “vượt khó” của Canada trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang tạo ra động lực mới thôi thúc các nước cùng chung tay hành động.

Với những nỗ lực vượt bậc của chính phủ Canada trong thời gian qua, có thể thấy quốc gia này không chỉ dần lấy lại vị thế trước đây, mà còn chứng tỏ là một thành viên năng động và có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Sự trở lại đầy sống động đó đang tạo ra một hình ảnh Canada mới trong con mắt cộng đồng quốc tế và người dân, song để có thể tiếp tục hướng đi này chính quyền Trudeau phải có được một Nội các đồng lòng, tiềm lực kinh tế khá, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của người dân trong nước và môi trường quốc tế phù hợp cho việc phát huy vai trò và thế mạnh của Canada.

Vũ Hà
Ký kết TPP, Canada không thể đứng ngoài xu hướng phát triển
Ký kết TPP, Canada không thể đứng ngoài xu hướng phát triển

Tại Canada, chặng đường đến khi thỏa thuận TPP chính thức có hiệu lực được cho là sẽ không dễ dàng do vấp phải những phản ứng trái chiều từ nhiều ngành nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN