Dầu mỏ Canada hướng đến thị trường châu Á

Theo báo chí Canada, giá dầu thô giảm hơn 50% kể từ tháng 6/2014 xuống quanh ngưỡng 50 USD/thùng, khiến nhiều nhà phân tích đưa ra các dự đoán khá bi quan cho ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và cả nền kinh tế Canada nói chung.

Nhiều nhà phân tích đưa ra các dự đoán khá bi quan cho ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và cả nền kinh tế Canada nói chung.


Suốt thời gian qua, thông tin nổi bật về kinh tế tại Canada luôn liên quan tới việc sa thải, trì hoãn trong các dự án mới, và thâm hụt ngân sách của các tỉnh khu vực ven bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, vốn phụ thuộc vào ngành sản xuất dầu cát và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhằm phản ánh tác động tiêu cực của mức giá dầu thấp này.

Tuy nhiên, giá dầu và LNG giảm sẽ không ngăn được ngành công nghiệp năng lượng của Canada theo đuổi mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường châu Á. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhu cầu dầu và khí đốt tự nhiên của khu vực châu Á sẽ là rất lớn, tăng gấp ba trong giai đoạn từ nay đến năm 2035.

Để tăng cường an ninh năng lượng, khách hàng châu Á cũng sẽ nhắm đến nguồn dầu khí của Canada như một phương tiện để đa dạng hóa nguồn cung. Và như vậy, Canada sẽ có một thị trường đầu ra ổn định cho dầu khí và việc cần làm trước mắt đó là xây dựng các cơ sở hạ tầng xuất khẩu cần thiết.

Khu vực Đại Tây Dương của Canada có tiềm năng để trở thành trung tâm xuất khẩu dầu khí cho châu Á. Trên thực tế, khu vực này đã và đang xuất khẩu dầu mỏ tới các thị trường ngoài Mỹ. Năm 2013, Tập đoàn năng lượng Husky đã xuất sang Ấn Độ 1 triệu thùng dầu từ các giếng dầu khu vực bờ biển Newfoundland. Và nếu dự án đường ống dẫn dầu miền Đông của tập đoàn dầu khí TransCanada được xây dựng từ tỉnh Alberta đến New Brunswick, dầu khí từ các tỉnh miền Tây của Canada có thể được xuất khẩu từ thành phố cảng Saint John của New Brunswick.

Hiện tại các tỉnh ven Đại Tây Dương đang xây dựng bốn dự án xuất khẩu LNG. Về mặt địa lý, các dự án này gần với Ấn Độ và châu Âu hơn các điểm xuất khẩu tại các tỉnh phía Tây ven Thái Bình Dương, cũng như các cảng xuất khẩu phía Đông của Mỹ.

Thêm vào đó, những dự án này cũng đang thu hút được sự chú ý của những khách hàng cụ thể từ Ấn Độ và châu Âu. Tập đoàn năng lượng H-Energy của Ấn Độ đang đề xuất xây dựng kho chứa công suất 13,5 triệu m3/năm tại tỉnh Nova Scotia, và tập đoàn E.ON AG của Đức đã đồng ý ký hợp đồng mua 5 triệu tấn LNG/năm trong vòng 20 năm từ tập đoàn Goldboro LNG.

So sánh với các đối tác tại khu vực miền Tây, các dự án LNG ở khu vực giáp Đại Tây Dương cũng có lợi thế về thời gian hoàn thành và chi phí sản xuất, do đã sẵn một số cơ sở hạ tầng cùng hệ thống đường ống cho xuất khẩu, nhất là đường ống Đông Bắc chạy từ Nova Scotia qua New Brunswick tới Mỹ đến khu vực Boston. Nếu được đảo ngược lại, các đường ống này có thể nhập khẩu khí đốt giá rẻ và phong phú từ khu vực Đông Bắc Mỹ để chế biến thành LNG.

Tuy nhiên, các dự án này cũng đang phải đối mặt với một số thách thức, đó là: Sự cạnh tranh mạnh mẽ từ rất nhiều dự án khác trên thế giới. Các dự án Đại Tây Dương của Canada buộc phải giữ chi phí thấp để thu hút khách hàng; và các dự án này không đủ hàng để đáp ứng nhu cầu trong khu vực và hỗ trợ cho xuất khẩu.

Những dự án này sẽ cần phải nhập khẩu khí đốt Mỹ để chế biến thành LNG. Đã có một số tranh luận về việc liệu các dự án của Canada có cần được sự chấp thuận từ chính quyền Mỹ để nhập khẩu khí đốt cho mục đích trên. Đến nay, hai dự án LNG tại Nova Scotia đã nộp đơn lên Bộ Năng lượng Mỹ.

Những thách thức này không phải là không thể vượt qua với sự giúp đỡ của chính phủ Canada. Chính phủ có thể giúp giảm chi phí xây dựng dự án khi đảm bảo quá trình điều tiết được minh bạch và hiệu quả nhằm mục đích phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chính phủ cũng có thể hành động giúp thu hút thêm khách hàng mua LNG và cấp vốn bằng cách quảng bá ngành công nghiệp dầu mỏ và xuất khẩu LNG của Canada trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể hỗ trợ phát triển quan hệ tích cực với các đối tác Mỹ để đảm bảo rằng Canada có thể tiếp cận hệ thống cung cấp dầu khí vào Mỹ.

Về dài hạn, Canada không thể đánh mất các cơ hội tại thị trường dầu mỏ và khí đốt của châu Á. Trong khi các dự án dầu và xuất khẩu khí đốt ở ven Đại Tây Dương của Canada có tiềm năng đưa nước này tham gia vào thị trường dầu thế giới thông qua việc tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có và sự gần gũi về địa lý với thị trường châu Âu và Ấn Độ. Chính quyền cấp tỉnh và liên bang của Canada nên tạo điều kiện cho các dự án này, trong khi tiếp tục tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu khí đến châu Á và các thị trường quốc tế khác.


Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Ottawa)
Đằng sau căng thẳng ngoại giao Canada-Venezuela
Đằng sau căng thẳng ngoại giao Canada-Venezuela

Canada và Venezuela đều chưa công nhận đại sứ của nhau, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng chính trị giữa chính quyền hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN