Dầu khí sẽ là cầu nối quan hệ Cuba - Mỹ?

Dự án thăm dò dầu khí của Tập đoàn Repsol (Tây Ban Nha) trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Cuba ở Vịnh Mêhicô đã mở ra viễn cảnh đầy hi vọng cho quốc đảo vùng Caribê. Tuy nhiên, theo bài phân tích của hãng IPS, vấn đề năng lượng này còn có ý nghĩa sâu xa hơn rất nhiều: Khả năng tạo ra sự xích lại gần nhau giữa Cuba và Mỹ.

Giàn khoan Scarabeo 9 do Repsol thuê của Trung Quốc đã được đưa tới vùng Vịnh Mêhicô. Ảnh: Internet


Đến thời điểm này, giàn khoan Scarabeo 9, có khả năng khoan sâu hơn 3.600 m, do Repsol thuê của Trung Quốc đã được đưa tới vùng Vịnh Mêhicô để bắt đầu kế hoạch thăm dò ở vùng nước sâu theo hợp đồng ký với phía Cuba.

Chính phủ Cuba đã xác định ở vùng biển rộng 112.000 km2 của Cuba tại Vịnh Mêhicô có 59 lô có khả năng có dầu mỏ với trữ lượng vào khoảng 20 tỷ thùng. Giám đốc khai thác và sản xuất của Công ty dầu mỏ Cuba (CUPET), ông Rafael Tenreiro cho biết với trữ lượng như vậy Cuba hoàn toàn có thể trở thành một nước xuất khẩu dầu trong tương lai và vì vậy đất nước cần phải chuẩn bị để tham gia toàn bộ quá trình. Nhiều tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đã tham gia đấu thầu và ký hợp đồng thăm dò khai thác hơn 20 lô trong vùng biển của Cuba, trong đó có Statoil của Na Uy, ONGC Videsh của Ấn Độ, Petronas của Malaixia, PetroVietnam của Việt Nam, Gazprom của Nga, Sonangol của Ăngôla và PDVSA của Vênêxuêla.

Vì ý nghĩa chiến lược của năng lượng đối với cả Cuba lẫn Mỹ, theo nhận định của giới phân tích, đây có thể sẽ là lĩnh vực hợp tác quan trọng mà về lâu dài có thể góp phần vào quá trình cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Giáo sư Fernando Martirena thuộc trường Đại học La Habana cho biết với chương trình phát triển dầu khí tầm cỡ như vậy thì rõ ràng Cuba đang rất cần nguồn vốn đầu tư lớn từ các đối tác. Trong khi các tập đoàn dầu khí của nhiều nước đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và nhảy vào thị trường Cuba thì các công ty của Mỹ lại không thể tham gia do chính những chính sách bao vây cấm vận mà Chính phủ Mỹ áp đặt từ nửa thế kỷ qua chống Cuba.

Giáo sư Martirena nhấn mạnh nếu Quốc hội Mỹ muốn thực dụng thì họ phải sớm quyết định hoặc tiếp tục ủng hộ những nhóm nghị sỹ cực hữu gốc Cuba luôn tìm cách vận động siết chặt bao vây cấm vận, hoặc đơn giản là phải chấp nhận thực tế rằng không có lý do gì để tiếp tục chính sách phi lý đó trong thời đại hiện nay.
Cách đây ít tháng, nhóm nghị sỹ Mỹ gốc Cuba, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ileana Ros - Lehtinen đã tìm mọi cách để ngăn chặn hoạt động thăm dò của Repsol với lý do gây ảnh hưởng đến môi trường và an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, trước khi được đưa đến vùng biển của Cuba, giàn khoan Scarabeo 9 đã vượt qua được cuộc kiểm tra của Cơ quan An ninh và Kiểm soát Môi trường của Bộ Nội vụ Mỹ, cũng như Cơ quan phòng vệ bờ biển nước này. Các quan chức của Công ty CUPET cũng khẳng định tất cả các trang thiết bị thế hệ mới mà Repsol thuê để triển khai dự án khoan thăm dò đều đã được kiểm tra kỹ lưỡng để bảo đảm cho các hoạt động được thực hiện một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Luis Rene Fernandez, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Cuba - Mỹ, thừa nhận sự tồn tại của những rủi ro chính trị trong trường hợp hai nước bắt tay hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tuy nhiên ông cũng khẳng định có những kinh nghiệm cho thấy tất cả những lo lắng có thể được giảm thiểu nếu các bên đều có quyết tâm. Ông Fernadez lấy ví dụ Vênêxuêla vẫn tiếp tục bán dầu thô cho Mỹ bất chấp những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên hay những thỏa thuận di trú giữa La Habana và Oasinhtơn, cũng như việc Cuba được mua có giới hạn lương thực của Mỹ vẫn tiếp tục được triển khai bất chấp những hạn chế do chính sách thù địch từ Oasinhtơn.

Nhà kinh tế học Fernandez kết luận rằng năng lượng có thể là một lĩnh vực hợp tác quan trọng do ý nghĩa chiến lược mà nó đem lại cho cả Cuba và Mỹ.

Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN