Đằng sau việc Trung Quốc tuyên án tử hình quan tham ngành tài chính Lại Tiểu Dân

Bản án nghiêm khắc đối với Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin) có thể là một lời cảnh tỉnh những người khác trong lĩnh vực tài chính quốc doanh khổng lồ tại Trung Quốc phải trung thành với nhiệm vụ của họ.

Chú thích ảnh
Lại Tiểu Dân tại phiên tòa xét xử ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh:

Theo tờ Bloomberg, bản cáo trạng đối với Lại Tiểu Dân với tội danh trùng hôn đã gây nhiều sự chú ý, nhưng bản án tử hình dành cho quan tham này lại xuất phát từ một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều - gây nguy hiểm cho Trung Quốc.

Ngày 5/1, Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch Công ty quản lý tài sản nhà nước Huarong (Hoa Dung), bị tuyên án tử hình vì các tội danh tham ô, nhận hối lộ 1,79 tỷ nhân dân tệ (tương đương 277,3 triệu USD) và trùng hôn.

Lại Tiểu Dân bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo điều tra vào tháng 4/2018. Đây được coi là "đại án quan tham ngành tài chính lớn nhất từ khi Trung Quốc thành lập", theo tạp chí tài chính Caixin của Trung Quốc.

Các chuyên gia pháp lý cho biết, án tử hình đối với loại tội phạm cổ cồn này là bất thường, ngay cả ở Trung Quốc. Wu Xiaohui, cựu Chủ tịch của tập đoàn bảo biểm Anbang Insurance, người đã gây thiệt hại hàng tỷ USD, chỉ bị kết án 18 năm tù trong vụ gian lận 10 tỷ USD vào năm 2018.

Video tiền mặt, ước tính nặng tới 3 tấn, chất đầy nhà Lại Tiểu Dân:

Vậy nhà chức trách Trung Quốc đang muốn báo hiệu điều gì? Đối tượng của bản án nghiêm khắc này thực sự là ai, có phải những người giàu có và hưởng đặc quyền khác? Liệu tỷ phú Jack Ma của tập đoàn Alibaba có phải lo lắng?

Thoạt nhìn, bản án có thể có ý nghĩa như một lời nhắc nhở đối với các ông trùm kinh doanh “bất trị”. Nhưng theo Bloomberg, biện pháp trừng phạt đối với Lại Tiểu Dân nhiều khả năng là một phần trong hoạt động quản lý nội bộ của Trung Quốc.

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị mãn nhiệm và suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 đang dần kết thúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trở lại với cuộc chiến nhằm vào “bóng tối” trong ngành ngân hàng, mà ông đã bắt đầu một cách nghiêm túc từ cuối năm 2017. Bắc Kinh có thể muốn lấy bản án làm gương cho các quan chức, cho họ thấy kết cục tồi tệ thế nào có thể xảy ra với những người lơ là nhiệm vụ xử lý nợ doanh nghiệp.

Không giống như Anbang, Huarong là một doanh nghiệp nhà nước. Được sự hậu thuẫn của Bộ Tài chính, Huarong được thành lập nhằm dọn dẹp nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng thương mại. Do đó, lãnh đạo của công ty được hưởng nhiều đặc quyền, bao gồm cả uy tín tín dụng và một loạt các giấy phép tài chính mà khu vực tư nhân thèm muốn mà không thể nắm giữ.

Nhưng thay vì xử lý nợ khó đòi, Lại Tiểu Dân nổi lòng tham, lao vào mọi thứ, từ cổ phần tư nhân đến kinh doanh trái phiếu rác (trái phiếu rủi ro cao). Vào cuối năm 2016, các khoản nợ khó đòi chỉ chiếm 25% tổng tài sản của Huarong, giảm từ 34% của hai năm trước. Thay vào đó, các sản phẩm tài chính khác lại tăng mạnh theo tỷ lệ % tài sản, bao gồm trái phiếu, thứ có thể dễ dàng quay vòng để kiếm lời.

Theo tờ Caixin, tại Trung Quốc đại lục, Huarong đã thành lập hàng trăm công ty liên doanh, với mục đích duy nhất là mua bất động sản. Tại Hong Kong, công ty của Lại Tiểu Dân đã huy động được số tiền lớn từ các đợt phát hành trái phiếu bằng đô-la, rồi lần lượt sử dụng số tiền thu được để mua các trái phiếu rác.

Chú thích ảnh
Vụ điều tra và xét xử Lại Tiểu Dân là một trong những đại án tham nhũng lớn nhất tại Trung Quốc.

Công ty thương mại năng lượng CEFC Quốc tế Thượng Hải, một trong các nhà đầu tư của họ, kể từ đó đã bị phá sản. Và là một phần của cuộc chơi đó, Huarong đã xây dựng một mê cung các công ty vỏ bọc.

Nếu Lại Tiểu Dân chỉ là một người giao dịch công khai, có lẽ ông ta đã không phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng như vậy. Tuy nhiên, hoạt động cho vay trong bóng tối của ông ta đã dẫn đến những khoản thua lỗ lớn, cuối cùng gây thiệt hại cho nhà nước.

Theo các nhà quan sát, có thể nhận ra đích mũi tên của bản án qua lời tuyên án với Lại Tiểu Dân. “Ông ta gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính [của Trung Quốc]" - tòa án tại Thiên Tân nêu rõ.

Những quan chức như Lại Tiểu Dân, được nhà nước trao quyền lực lớn, có nhiều chỗ để lạm dụng quyền lực đó. Lại Tiểu Dân đã được cung cấp hàng tấn “của hồi môn” với mục đích duy nhất là giảm bớt gánh nặng nợ xấu của các ngân hàng. Thay vào đó, ông ta lại đẻ nhánh, xây tổ khác và sinh ra “những đứa con” nợ nần. Thay vì giải quyết vấn đề, Lại Tiểu Dân lại trở thành một vấn đề.

Với tổng số nợ lên tới 300% tổng sản phẩm quốc nội, Trung Quốc là một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới. Vì thế, một bản án tử hình là cần thiết để đủ sức răn đe những quan tham trong ngành tài chính quốc doanh khổng lồ của nước này.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cựu quan chức ngân hàng Trung Quốc bị kết án tử hình vì tội tham ô, hối lộ
Cựu quan chức ngân hàng Trung Quốc bị kết án tử hình vì tội tham ô, hối lộ

Theo Tân Hoa xã, ngày 5/1, một tòa án ở thành phố Thiên Tân đã tuyên phạt tử hình đối với Lại Tiểu Dân, cựu Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Hoa Dung, về các tội tham ô, nhận hối lộ và trùng hôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN