Đằng sau việc Azerbaijan tăng cường sức mạnh quân sự

Với bài viết trên, Báo Độc lập (Nga) đặt dấu hỏi phải chăng Azerbaijan đang định dùng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột Nagorny-Karabakh với Armenia?

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thể hiện như một nhà hùng biện quân sự. Nguồn: Trang web của Tổng thống

Chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự của Azerbaijan đã quá rõ ràng khi dự trù chi tiêu quốc phòng tiếp tục tăng trong năm nay. Điều này đã được Tổng thống Ilham Aliyev công bố ngày 11/1, khi ông đồng thời cũng nhấn mạnh rằng đất nước đang có chiến tranh. Bởi thế, theo ông, dù thế giới vẫn chưa thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, xu thế suy giảm giá dầu vẫn duy trì, thì việc dành các khoản chi phí lớn để hiện đại hóa quân đội Azerbaijan vẫn phải được ưu tiên.

Cụ thể ngân sách quốc phòng của Azerbaijan trong năm nay được bổ sung thêm 187 triệu manat (tiền Azerbaijan) so với năm 2016, lên thành 2,9 tỷ manat (khoảng 1,8 tỷ USD), tương đương tăng 6,9%.

Trong số tiền chi ngân sách kể trên, một phần không nhỏ sẽ được dành để mua vũ khí mới và trang thiết bị quân sự.

Tại cuộc họp nội các đề cập các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng, Tổng thống Azerbaijan Aliyev khẳng định: "Azerbaijan sẽ tiếp tục nâng cao tiềm lực quân sự của mình, bao gồm cả việc hiện đại hóa vũ khí-khí tài quân sự. Ông Aliyev cũng khẳng định hiện nay, quân đội Azerbaijan là một trong những đội quân mạnh nhất thế giới - cả về khả năng chiến đấu cũng như thiết bị kỹ thuật".

Tổng thống Aliyev khẳng định rằng Baku "có hầu hết các loại vũ khí hiện đại, có độ chính xác cao và sức hủy diệt mạnh mẽ", và ông còn tỏ ra "bí hiểm" khi tuyên bố các loại vũ khí này đã được phô bày, song không phải là tất cả. Và rằng “vũ khí của Azerbaijan sẽ được thể hiện đúng lúc và đúng chỗ”.

Tờ báo Nga lưu ý rằng việc tăng chi tiêu quân sự của Azerbaijan đã bắt đầu cùng với việc ông Ilham Aliyev lên làm Tổng thống từ năm 2003. Kể từ đó, chi phí trang bị vũ khí khí tài của Baku năm sau luôn cao hơn năm trước. Số liệu thống kê từ các ấn phẩm quân sự có thẩm quyền cho thấy khối lượng nhập khẩu vũ khí ở các nước Đông Âu trong giai đoạn 2003-2007 và 2008-2012, đã tăng 21%.

Và chiếm đa phần trong tỷ lệ gia tăng này chính là của Azerbaijan, quốc gia duy nhất trong khu vực tăng nhập khẩu quân sự lên 155% và trở thành quốc gia đứng thứ 35 trong danh sách các nhà nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới, thay vì vị trí 48 như trước thời điểm 2003. Năm quốc gia hàng đầu mà Baku mua thiết bị quân sự, máy bay và tên lửa, gồm Nga, Israel, Pakistan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây, trong một chuyến thăm chính thức tới Azerbaijan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã tuyên bố rằng Azerbaijan đã mua 5 tỷ USD vũ khí từ Israel. Và Azerbaijan cũng chi đúng chừng đó trong các hợp đồng giao dịch mua vũ khí của Nga trong những năm gần đây.

Trong khi đó, một trong những hợp đồng mới nhất giữa Azerbaijan và Israel có thể được coi là thỏa thuận về việc Baku mua hệ thống phòng thủ tên lửa "Iron Dome" (còn được gọi là Vòm sắt, của Israel), được thiết kế để bảo vệ chống lại các tên lửa chiến thuật, pháo và cối ở cự ly từ 4 - 70 km.


Đồng thời với việc tăng cường trang bị vũ khí, một vài năm trước đây nước này đã thành lập thêm Bộ Công nghiệp Quốc phòng Azerbaijan, cũng như đã kịp nâng cấp lực lượng vũ trang nước này trở thành một đội quân hiện đại với những bước phát triển vượt bậc.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng Yaver Jamalov còn tuyên bố với các phóng viên rằng, dưới sự dẫn dắt của Tổng Tư lệnh Ilham Aliyev, chỉ trong một thời gian ngắn, nước này đã thử nghiệm thành công thiết bị bay không người lái "Udar" và thiết bị do thám-giám sát không người lái. Nhà quân sự này cho biết trong tương lai gần Baku sẽ bắt đầu sản xuất đại trà và cung cấp ra thị trường.

Sau cùng, tờ báo Nga nhắc lại một thực tế rằng chủ trương đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước và tăng cường sức mạnh quân sự của Azerbaijan diễn ra dường như đồng thời với các cuộc xung đột giữa nước này với Armenia. Phải chăng Baku định dùng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề Nagorny-Karabakh?

Thời gian sẽ là câu trả lời cho vấn đề này. Và sẽ là hết sức đáng quan ngại nếu như các cuộc đàm phán hòa bình không mang lại kết quả mong đợi, và Baku chọn dùng giải pháp quân sự.

Gia Linh (Theo Báo Độc lập)
Azerbaijan bỏ 5 tỷ USD mua vũ khí phòng thủ từ Israel
Azerbaijan bỏ 5 tỷ USD mua vũ khí phòng thủ từ Israel

Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Azerbaijan Yaver Jamalov ngày 17/12 cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN