Đằng sau cuộc tập hợp một ngày của “Áo đỏ” Thái Lan

Sự kiện phe “Áo đỏ” tổ chức một cuộc tụ tập lớn tại trung tâm thương mại Ratchaprasong nhằm kỷ niệm hai năm ngày xảy ra cuộc xung đột chính trị đầy bạo lực ngày 19/5 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như giới truyền thông Thái Lan. Cuộc tụ tập này tuy chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, nhưng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra đằng sau nó.


 

Biển người "Áo đỏ" ở trung tâm thủ đô Băngcốc ngày 19/5. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Có thể nói đây là lần tập hợp lực lượng lớn nhất và quy mô nhất của lực lượng “Áo đỏ” kể từ sau các cuộc biểu tình năm 2010. Sự kiện này đã thu hút tới hơn 50.000 người ngồi kín một khu phố khiến toàn bộ các cửa hàng, siêu thị xung quanh phải đóng cửa.


Nhân sự kiện này, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã có bài phát biểu gần một tiếng đồng hồ, với những ngụ ý liên quan tới tương lai của lực lượng “Áo đỏ”. Ông Thaksin nói: "Nếu tiến trình hòa giải diễn ra, tôi sẽ có cơ hội tiếp tục phục vụ nhân dân. Tôi không suy tính tới việc đang phải sống ở nước ngoài, nhưng nếu không muốn hòa giải thì chẳng ai được lợi từ các cuộc xung đột, trừ những tay lái súng đang ngày càng giàu lên".


Người ta đã đặt câu hỏi tại sao lần này phe “Áo đỏ” lại khuếch trương lực lượng rầm rộ như vậy? Nếu đảng Dân chủ cầm quyền thì sự khuếch trương đó là đương nhiên, nhưng hiện tại đảng Vì nước Thái, cùng phe với lực lượng “Áo đỏ” và đều là sản phẩm chính trị của Thaksin, đang nắm chính quyền, thì liệu đó có phải là điều cần thiết không? Hay ẩn sau sự kiện này là thông điệp mà lực lượng “Áo đỏ” muốn gửi tới anh em ông Thaksin.


Báo Matichon ngày 22/5 bình luận rằng cảm nhận của các thủ lĩnh cũng như những người từng tham gia là lực lượng “Áo đỏ” bị bỏ rơi. Trên thực tế, ông Thaksin không phải là mục tiêu duy nhất để những người “Áo đỏ” đấu tranh mà nó còn liên quan tới vấn đề dân chủ và khoảng cách giàu nghèo. Nhưng không thể phủ nhận rằng “Áo đỏ” chính là lực lượng mở đường cho sự nổi lên của đảng Vì nước Thái do ông Thaksin gây dựng.


Nhưng với những gì đã và đang diễn ra, lực lượng “Áo đỏ” mang trong mình nỗi tủi của kẻ bị bỏ rơi, những đòi hỏi, quyền lợi của họ đã không được đáp ứng, nhất là việc đòi hỏi công lý cho 91 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương trong các cuộc đụng độ đến giờ vẫn chưa rõ ràng. Bản thân lực lượng “Áo đỏ” hiện cũng có sự phân hóa cũng như mâu thuẫn nội bộ giữa các nhóm, các tỉnh, giữa những người nhận được sự “trả công” của ông Thaksin với những người trắng tay.


Đối với ông Thaksin, bài phát biểu với lực lượng “Áo đỏ” ngày 19/5 đã phát đi thông điệp rằng thời điểm này ông không cần họ nữa bởi ông đã có được những gì ông cần thông qua đấu tranh đường phố. Hiện nay là thời của các đảng phái chính trị. Hơn ai hết, ông hiểu việc ông có được trở về Thái Lan hay không, hay trở về bằng cách nào, với vị trí nào sẽ do một lực lượng khác quyết định chứ không phải là lực lượng “Áo đỏ”. Chiến lược của anh em nhà Thaksin hiện nay là “dĩ hòa vi quý” với tất cả các lực lượng trên chính trường.


Báo Dân tộc ngày 22/5 cũng có bài phân tích rằng nội dung chính trong thông điệp ngày 19/5 là nhằm vào những người “Áo đỏ”. Với việc đề nghị các đồng minh “Áo đỏ” của mình ủng hộ việc hòa giải nhằm đẩy nhanh tiến trình trở về của mình, ông Thaksin đã thừa nhận rằng một số thành viên quan trọng trong liên minh của ông vẫn phản đối tiến trình hòa giải - do những sự thật vẫn chưa được công bố đằng sau cuộc xung đột chính trị năm 2010. Nhưng với những thủ lĩnh “Áo đỏ” trong cuộc tập hợp ngày 19/5, thông điệp chính của họ là đòi lại công lý cho vụ tàn sát chứ không ai nói về việc đưa ông Thaksin trở lại Thái Lan.


Trong vấn đề hòa giải, rõ ràng là ông Thaksin và các đồng minh “Áo đỏ” đang không cùng chí hướng. Ông muốn lực lượng “Áo đỏ” không nhắc lại quá khứ, nhưng những người “Áo đỏ” lại đòi công bố sự thật trong vụ đàn áp trước khi gác lại quá khứ.


Hà Linh (P/v TTXVN tại Băngcốc)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN