Đằng sau cuộc khủng hoảng ở Xyri

Theo "Eurasia Review" ngày 13/4, ngay sau cuộc nổi dậy của dân chúng ở Tuynidi và đặc biệt ở Ai Cập, bản đồ Trung Đông đã thay đổi. Mỹ và Ixraen mất một trong những "tài sản" lớn trong khu vực là nhà lãnh đạo Hosni Mubarak. Với dân số hơn 80 triệu người, từ lâu Ai Cập đã đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông.

Tuy nhiên, chế độ Mubarak đã biến nước này thành một nhà nước "khách hàng" của Mỹ và Ixraen. Nay, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ai Cập sẽ có những ảnh hưởng quyết định trong khu vực, tạo nên một mặt trận quân sự và ngoại giao Arập mạnh mẽ, buộc Ixraen phải cân nhắc trước khi tấn công bất cứ nước nào ở Trung Đông. Nếu chính phủ mới ở Ai Cập đáp ứng tất cả các yêu cầu của dân chúng, nước này sẽ không còn là một "tài sản" của Mỹ luôn sẵn sàng chống Iran, Xyri, Hamas và Hezbollah.

Hiện nay, các quan chức Mỹ công khai thảo luận xem việc thay đổi chế độ ở Xyri có dẫn đến thảm họa cho Ixraen hay không. Những năm gần đây, một Xyri trỗi dậy và có ảnh hưởng lớn trong khu vực đã khiến Mỹ rất thất vọng vì lâu nay, Oasinhtơn vẫn luôn tìm cách thay đổi các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Xyri và thuyết phục nước này chấm dứt ủng hộ Hezbollah, cắt đứt liên minh với Iran và không "nuôi dưỡng" thủ lĩnh của các nhóm kháng chiến người Palextin. Không giống Ai Cập hoặc Libi, Xyri chưa ký bất cứ thỏa thuận nào với Mỹ trong các lĩnh vực như chống khủng bố hay cấm phổ biến vũ khí hủy diệt lớn.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, chế độ Xyri sụp đổ hoặc suy yếu sẽ có ảnh hưởng nhất định ở Palextin và sẽ cô lập Hamas ở Gaza. Hơn nữa, Iran sẽ mất đồng minh chủ yếu ở thế giới Arập và Trung Đông. Chiến dịch gây mất ổn định ở Xyri của Oasinhtơn được thể hiện rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ. Gần đây, trong một bài viết đăng trên tờ "Bưu điện Oasinhtơn", ông Elliot Abrams, một nhân vật bảo thủ kiểu mới khá nổi tiếng và cũng là cố vấn về chính sách Trung Đông Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, đã công khai ủng hộ "thay đổi chế độ" ở Xyri. Sau khi lăng mạ Tổng thống Xyri Bashar al Assad bằng những từ ngữ như "đồ sát nhân", ông Abrams khẳng định Xyri sẽ "là chế độ sụp đổ tiếp theo" tại Trung Đông. Sử dụng chủ nghĩa bè phái như một thứ vũ khí chống Xyri, ông Abrams chỉ rõ chế độ mới ở Xyri nên nằm dưới sự quản lý của đa số người Sunni. Ông khẳng định một chính phủ Xyri dưới sự kiểm soát của người Sunni sẽ không bao giờ có quan hệ thân thiện với Iran cũng như Hezbollah và Iran sẽ mất đồng minh Arập và đất để quan hệ với Hezbollah.

Ông Abrams cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama nhanh chóng sử dụng các biện pháp ngoại giao và kinh tế tương tự các biện pháp chống Libi trước khi Mỹ và NATO can thiệp quân sự để làm suy yếu chính quyền Tổng thống Assad và tăng sức mạnh của phe đối lập. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và thượng nghị sĩ độc lập Joe Lieberman, nổi tiếng là những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái hiếu chiến trong Quốc hội, đã đòi chính quyền Obama hành động hơn nữa chứ không chỉ tuyên bố ủng hộ phong trào nổi dậy ở Xyri và khẳng định đã đến lúc Mỹ phải ủng hộ phe đối lập chống lại ông Assad. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jon Kyl, nhân vật chỉ trích gay gắt tất cả các nỗ lực can dự Đamát của chính quyền Obama, cho rằng Oasinhtơn nên yêu cầu ông Assad từ chức ngay lập tức và chỉ thị cho Đại sứ Mỹ tại Xyri Robert Ford tổ chức điều tra phản ứng của chính quyền Tổng thống Assad đối với phong trào nổi dậy. Ông Kyl tuyên bố, Xyri chống lại lợi ích an ninh quốc gia sống còn của Mỹ vì ủng hộ Hezbollah và Hamas.

Xyri đã nhận thức rõ thực tiễn trên. Ngay sau khi tình trạng bất ổn bắt đầu xảy ra ở Xyri, Tổng thống Bashar al-Assad tố cáo âm mưu và hoạt động can dự của Mỹ và phương Tây tại nước này. Ông sẵn sàng công nhận rằng việc thiếu cải cách có thể gây hại nhưng phản đối sự nóng vội. Ông nói: "Hầu hết nhu cầu của người Xyri vẫn chưa được đáp ứng" và ông sẽ nhanh chóng xem xét các nhu cầu đó. Nhiều quan chức và dư luận ở Libăng cũng như Palextin nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ ông Assad. Tại Libăng, nhà lãnh đạo đảng Xã hội Tiến bộ Walid Jumblatt cho rằng phát biểu mới nhất của Tổng thống Assad đã mở ra chân trời tích cực cho cải cách. Ông Sheikh Naim Qassem, nhân vật thứ hai của Hezbollah, tuyên bố chế độ của Xyri là một "hình mẫu tốt" và cảnh báo bất cứ ý đồ nào nhằm gây rối ở Xyri sẽ thất bại. Anwar Raja, nhà lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Palextin, nói: "Xyri đang đóng vai trò quan trọng như một nước ủng hộ các tổ chức kháng chiến ở Trung Đông và thế giới Arập, đặc biệt ở Palextin và Libăng. Việc gây mất ổn định ở nước này sẽ giúp Mỹ và Ixraen khôi phục sự thống trị trong khu vực mà họ đã mất, đặc biệt sau cuộc cách mạng tại Ai Cập".

N.H.T

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN