Đảng Cộng hòa Mỹ chia rẽ vì hai TNS 'ngốc nghếch' hay 'anh hùng'?

Một thỏa thuận lưỡng đảng thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách tạm thời và gia hạn quyền vay nợ, tạo điều kiện cho chính phủ mở cửa trở lại sau 16 ngày đóng cửa, đồng thời tránh cho nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ đã tạo ra không ít ồn ào xung quanh hai Thượng nghị sỹ bảo thủ thuộc Đảng Cộng hòa - những người đã khiến cuộc khủng hoảng càng trở nên căng thẳng với những nỗ lực nhằm thúc đẩy Quốc hội Mỹ bác bỏ việc cấp ngân sách cho chương trình y tế Obamacare mà Tổng thống Obama đề xuất.

Thượng nghị sỹ Ted Cruz (trái) và Mike Lee. Ảnh: Internet


Thượng nghị sỹ Ted Cruz của bang Texas và Thượng nghị sỹ Mike Lee thuộc bang Utah đang phải đối mặt với sự giận dữ của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa, những người đã liên tục cảnh báo về các nỗ lực không thực tế của họ.

Thỏa thuận vừa qua hầu như không đề cập gì tới việc cắt giảm ngân sách cho Obamacare trong khi việc chính phủ bị đóng cửa và nước Mỹ suýt rơi vào tình trạng vỡ nợ khiến Đảng Cộng hòa gặp không ít sóng gió.

Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham thuộc bang South Carolina nói một cách mỉa mai: "Uy tín của Đảng Cộng hòa đã bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chương trình Obamacare lại thắng thế một cách khó hiểu. Điều này thật tuyệt! Cách hành xử của Đảng Cộng hòa trong vài tuần qua khiến người dân Mỹ không khỏi đánh giá thấp chúng tôi".

Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Cruz, người đã có bài phát biểu chỉ trích luật y tế Obamacare kéo dài suốt 21 giờ tại Thượng viện, lại tỏ ra không hề hối hận về các hệ quả kéo theo. Trong khi bị các phóng viên vây quanh, ông nói: "Cuộc chiến sẽ tiếp tục nhằm giải thoát thực sự những người dân Mỹ đang bị ảnh hưởng, tiếng nói cũng như tâm tư của họ hiện không có chút tác động nào tới Thượng viện".

Thái độ thách thức của ông được các nhóm bảo thủ bên ngoài cũng như giới cực hữu, từng ca ngợi hai Thượng nghị sỹ Cruz và Lee vì điều mà họ coi là "hành động đấu tranh dũng cảm", hết sức ủng hộ. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng những quan điểm trái ngược của các thành viên khác trong Đảng Cộng hòa đối với hai nhân vật này đang cho thấy mức độ chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng, đặc biệt là sau thất bại tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Hai Thượng nghị sỹ này đại diện cho phe cứng rắn được hậu thuẫn bởi các thành viên Đảng Trà (Tea Party), lực lượng đã giành nhiều uy tín sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền năm 2008 và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhóm bảo thủ nhiều ảnh hưởng trong Quốc hội. Các nhà lập pháp thực dụng hơn lo ngại rằng các thành viên Đảng Trà đang khiến Đảng Cộng hòa ngày càng có xu hướng thiên hữu hơn nhằm duy trì tính cạnh tranh trong các cuộc tổng tuyển cử.

Hai Thượng nghị sỹ Cruz và Lee đã kêu gọi Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm đa số bác bỏ đề xuất cấp ngân sách cho Obamacare thông qua các điều khoản liên quan đến một dự luật ngân sách tạm thời cho phép chính phủ hoạt động qua ngày 1/10.

Tình trạng bế tắc với Thượng viện do phe Dân chủ nắm giữ đã khiến chính phủ phải tạm thời đóng cửa một phần và khiến các bên hết sức đau đầu trong việc tìm kiếm một giải pháp để tránh đẩy nước Mỹ lần đầu tiên rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Thượng nghị sỹ Cruz, một ứng cử viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đã gây được nhiều sự chú ý trong suốt giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Ba tháng trở lại đây, số tiền mà nhân vật này quyên góp được vào khoảng 800.000 USD.

Drew Ryn, một thành viên của Dự án Madison - một trong những tổ chức bảo thủ đầu tiên ủng hộ ông Cruz trong việc vượt qua David Dewhurst, ứng viên được nhiều người kỳ vọng, trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2012, nói: "Tôi cho rằng Ted Cruz và Mike Lee đã làm chính xác những gì mà những người đã bầu chọn họ mong muốn".

Tuy nhiên, hai Thượng nghị sỹ này đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích công khai về các hành động có thể gây tổn hại tới uy tín và vị thế của Đảng Cộng hòa. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến do tờ "Washington Post" và kênh truyền hình ABC News tiến hành mới đây cho thấy có đến 3/4 số người Mỹ cảm thấy thất vọng với cách các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa xử lý vấn đề ngân sách.

Tờ "Houston Chronicle" đã đăng tải một bài bình luận bày tỏ sự thất vọng đối với việc chính tờ báo này từng ủng hộ việc Ted Cruz bước vào Thượng viện năm 2012. "Houston Chronicle" cho rằng Ted Cruz thực sự đã trở thành "một phần nguyên nhân gây ra các rắc rối" tại Washington.

"Thỏa hiệp" chưa bao giờ là một khái niệm có trong từ điển của Mike Lee - Thượng nghị sỹ bang Utah từ năm 2010, hay Cruz - một người vừa mới chỉ trở thành Thượng nghị sỹ cách đây 10 tháng. Cả hai đã không tham dự các cuộc đàm phán tại Thượng viện, đồng thời không tham gia các nhóm lưỡng đảng thúc đẩy các cuộc thảo luận để giải quyết khủng hoảng. Cả hai Thượng nghị sỹ này thậm chí còn không tham dự cuộc họp kín hàng tuần của Đảng Cộng hòa hôm 15/10 vừa qua.

Theo các quan chức làm việc trong Quốc hội và các nhà lập pháp, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tỏ ra khó chịu và không hài lòng với ông Cruz. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối trong nội bộ đảng, trên thực tế hiện TNS này vẫn nhận được không ít sự ủng hộ của giới bảo thủ.

Tại Hội nghị Cử tri Uy tín được tổ chức cuối tuần trước, một sự kiện thường niên có sự tham dự của các nhân vật bảo thủ trong xã hội và phái Phúc Âm, những người tham dự đã nhắc lại quyết tâm của hai Thượng nghị sỹ Cruz và Lee kiên quyết không nhượng bộ. Lee đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của những người tham dự hội nghị khi nói rằng ông sẽ tiếp tục cộng tác với Cruz kêu gọi Quốc hội Mỹ cắt giảm ngân sách cho chương trình Obamacare. Ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không lùi bước. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng nhau".


TTK
Thoát hiểm trong gang tấc, nước Mỹ chưa hết âu lo
Thoát hiểm trong gang tấc, nước Mỹ chưa hết âu lo

Nước Mỹ vừa thoát hiểm vào phút chót khi lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng bế tắc về việc nâng trần nợ công, mở đường cho việc chính phủ hoạt động trở lại sau hơn 2 tuần đình trệ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN