Đàm phán hạt nhân Iran trước giờ 'G'

Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đang ở giai đoạn thử thách quan trọng, đến ngày 31/3 tới phải ký kết được thỏa thuận khung, mở đường cho 90 ngày đàm phán tiếp theo hướng tới một thỏa thuận toàn diện nhằm khép lại cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài 12 năm qua.

Hiện Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) đang tiến hành thương lượng "nước rút", với vòng đàm phán mới vừa được nối lại tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 26/3.

Hai bên đã phải ấn định "thời hạn chót" lần thứ ba cho thỏa thuận cuối cùng, sau hai lần lỡ hẹn kể từ khi đạt được thỏa thuận sơ bộ ngày 24/11/2013.

Các đại biểu tham giam đàm phán hạt nhân tại Palais des Nations ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 24/11/2013. Ảnh: THX-TTXVN


Cho đến nay, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề chủ chốt, nhất là về quy mô làm giàu urani của Iran và tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các nhà đàm phán sẽ khó có thể tìm được các lý do chính đáng để ấn định thêm một thời hạn chót nữa.

Dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Mỹ và Iran, cũng sẽ khó lòng chấp nhận việc kéo dài vô hạn các vòng đàm phán vốn được tiến hành cấp tập từ 18 tháng qua. Điều này tạo ra sức ép rất lớn lên các nhà đàm phán khi kim đồng hồ nhích dần đến thời điểm ngày 31/3.

Bất chấp những tiến triển trong các cuộc đàm phán gần đây, con đường dẫn đến thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran vẫn còn đầy rẫy chướng ngại vật. Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama hiện đang ở tình thế hết sức khó khăn trước những động thái quyết liệt của Quốc hội lưỡng viện do phe Cộng hòa kiểm soát nhằm ngăn cản việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư ngỏ tới Nhà Trắng đòi có tiếng nói lớn hơn trong mọi thỏa thuận với Iran, đồng thời có kế hoạch bỏ phiếu về một dự luật mới liên quan tới nước này.

Trước đó, các nhà lập pháp Mỹ còn có một hành động được cho là "vượt mặt" chính quyền khi mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới tận phòng họp của mình để đọc một bài diễn văn kêu gọi tẩy chay thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thậm chí, một nhóm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa còn gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo Iran cảnh báo rằng bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào đạt được có thể bị điều chỉnh hay rút lại một khi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2017.

Tại Iran, phe bảo thủ cũng luôn tìm cách gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Hassan Rowhani trong các cuộc đàm phán hạt nhân với 6 cường quốc thế giới.

Ngoài việc chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Rowhani trong các cuộc đàm phán hạt nhân, Quốc hội Iran (Majlis) với đa số nghị sĩ thuộc phe bảo thủ yêu cầu phương Tây phải bãi bỏ ngay lập tức tất cả các biện pháp trừng phạt một khi hai bên đạt được thỏa thuận hạt nhân - yêu sách được cho là khó có khả năng được đáp ứng, và tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận thông qua một thỏa thuận "tốt".

Một trở ngại khác không thể không nhắc đến là những bất đồng nảy sinh trong chính nội bộ Nhóm P5+1, đe dọa việc thông qua thỏa thuận. Pháp khăng khăng yêu cầu sửa đổi 5 điểm chính vừa được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif nhất trí, trong đó có việc cho phép Tehran giữ lại 6.000 máy ly tâm và tạm ngừng hoạt động hạt nhân trong vòng 10 năm. Về phần mình, Đức cũng tỏ ra ngần ngại về các nội dung của thỏa thuận đang được dự thảo.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định cơ hội đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng hiện lớn hơn nhiều so với trước đây. Sức ép và các trở ngại nói sẽ trên càng khiến Mỹ và Iran quyết tâm đạt bằng được thỏa thuận khung trước thời hạn chót.

Trước khi bước vào vòng đàm phán áp chót, các nhà lãnh đạo hai nước đã thể hiện ý chí chính trị rất cao. Không chỉ phản đối việc kéo dài thời gian thương thảo, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn tuyên bố sẵn sàng phủ quyết mọi quyết định của Quốc hội nhằm gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ đưa thỏa thuận hạt nhân Iran ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tăng tính hợp pháp quốc tế của văn bản này. Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo - những người từ trước đến nay có thái độ do dự - ủng hộ các nỗ lực của ông nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân. Ông Rowhani thậm chí còn công bố ý định tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này.

Các nhà phân tích cũng cho rằng cả ông Obama và ông Rowhani hiện không còn đường lùi trong "canh bạc' này. Người đứng đầu Nhà trắng đã đánh cược di sản chính trị và lịch sử của mình vào thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đã quá muộn để ông có thể rút lui mà không mất thể diện và tín nhiệm cá nhân - điều cũng có thể làm giảm cơ may giành chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2016 cũng như ảnh hưởng tới vị thế của nước Mỹ tại Trung Đông và các khu vực khác trên thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Rowhani cũng có nhiều thứ để mất một khi các cuộc đàm phán hạt nhân sụp đổ. Ngược lại, việc đạt được thỏa thuận sẽ đưa Iran tái hội nhập quốc tế, khai thác các nguồn lực to lớn của mình để phát triển đất nước, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác hết sức to lớn với Mỹ và phương Tây nhằm tăng cường vai trò và vị thế cường quốc khu vực.

Nhiều khả năng vòng đàm phán hạt nhân tại Lausanne giữa Iran và Nhóm P5+1 sẽ diễn ra cam go và những nhượng bộ quan trọng có thể được đưa ra ở "phút 89".

Hai bên sẽ cố tận dụng mọi cơ hội để đạt được thỏa thuận khung có nội dung bao quát nhằm tránh cho tiến trình đàm phán bị "đứt gánh giữa đường" và đẩy các nội dung "hóc búa" nhất sang các cuộc thương thảo sẽ được tiến hành trong 3 tháng tiếp theo.



Hữu Chiến
(P/v TTXVN tại Trung Đông)

Đàm phán hạt nhân Iran vào giai đoạn nước rút
Đàm phán hạt nhân Iran vào giai đoạn nước rút

Cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 và Iran đã bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn đạt thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN