Đàm phán Anh – EU lắm chông gai nhìn từ Đông Âu

Một trong những trở ngại chính đối với quá trình đàm phán là việc Anh từ chối tham gia sâu hơn vào Liên minh châu Âu (EU), được quy định trong Hiệp ước thành lập EU.


Cuộc đàm phán Anh – Liên minh châu Âu (EU) được tái khởi động sẽ gặp nhiều chông gai, trắc trở. Các nhà phân tích chính trị Karolina Borońska và Hryniewiecka ở Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Ba Lan đã lý giải như sau:

Thứ nhất, nội dung đề xuất cải cách thiếu cụ thể, chi tiết và mâu thuẫn trong chính chương trình đàm phán của chính phủ Anh. Sau khi chính thức gửi danh sách các yêu cầu cải cách lên lãnh đạo EU, Thủ tướng Anh David Camoron hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề này, có thể là tại Hội nghị thượng đỉnh EU trong tháng 12 tới. Điều này nghe có vẻ rất lạc quan. Tuy nhiên, những đề xuất cải cách trong lá thư dài 6 trang mà Thủ tướng Anh Cameron gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 10/11 lại thiếu tính cụ thể, chi tiết và chưa rõ ràng về mong muốn thực sự của chính phủ Anh.

Điều này có thể được giải thích là do đề xuất cần phải hướng tới nhiều đối tượng khác nhau (nhóm nghị sỹ đảng Bảo thủ trong Nghị viện Anh, lãnh đạo EU và công chúng Anh) và là chiến lược của chính phủ Anh để có thể dễ dàng hơn trong giải thích với công chúng Anh về thỏa thuận với EU. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội cho các lực lượng theo xu hướng hoài nghi châu Âu ở Anh phủ nhận bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa Anh và EU.

Thủ tướng Anh David Camoron sẽ không dễ dàng trong cuộc đàm phán với EU. Ảnh: Telegraph

Trong khi đó Thủ tướng Cameron lại tỏ ra mâu thuẫn trong chính các tuyên bố của mình. Ông Cameron muốn thỏa thuận đạt được phải mang “tính ràng buộc pháp lý và không thể đảo ngược”, tuy nhiên lại nhấn mạnh “có nhiều cách để đạt được cùng một kết quả”. Trong khi khẳng định “đàm phán” dựa trên cơ sở linh hoạt (có thể thỏa thuận, nhượng bộ) nhưng ông Cameron lại không dành nhiều lựa chọn cho EU với việc tuyên bố rằng Anh sẽ rời khỏi EU nếu liên minh này không chấp nhận các đề xuất nêu trên. Cùng lúc đó Thủ tướng Cameron cũng cam kết sẽ “nỗ lực hết sức để duy trì tư cách thành viên EU của nước Anh” nếu đạt thỏa thuận với EU. Mặc dù nhấn mạnh những đề xuất cải cách của Anh là vì lợi ích chung của toàn EU nhưng trong một số vấn đề dường như Thủ tướng Cameron chỉ tìm kiếm sự thỏa hiệp, nhượng bộ của EU đối với Anh, chẳng hạn như việc gia tăng ảnh hưởng của Anh đối với các quyết định của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cuối cùng, chính phủ Anh tập trung thông báo đến công chúng Anh và dư luận về những hậu quả tiêu cực mà EU phải gánh chịu nếu “để nước Anh ra đi”  nhưng dường như lại quên rằng điều này cũng tác động tiêu cực đến chính nước Anh và Anh chưa có “kế hoạch B” sau khi rời khỏi EU.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề chủ quyền. Một trong những trở ngại chính đối với quá trình đàm phán là việc Anh từ chối tham gia sâu hơn vào Liên minh châu Âu, được quy định trong Hiệp ước thành lập EU. Đây được coi là một trong những điểm chính trong chính sách đàm phán của Anh. Đa số người dân Anh có thể sẽ không nhận thức được rằng Thủ tướng Cameron đã sử dụng cụm từ “liên minh chặt chẽ hơn” với ý nghĩa khác. Việc sử dụng chữ “u” thường thay vì viết hoa trong “union” (Liên minh) là nhằm mục đích đề cập nhiều hơn tới khía cạnh xã hội (liên minh của người dân châu Âu) so với khía cạnh quốc gia và mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn. Điều này cũng có nghĩa rằng trong khi là thành viên của “liên minh” này Anh vẫn tiếp tục được hưởng nhiều quy chế ưu đãi của EU - về chính sách tiền tệ, về các quy định của Schengen, về các vấn đề pháp lý, đối nội, và nếu không muốn thì Anh vẫn sẽ không hội nhập sâu hơn vào EU. Tuy nhiên, khác với việc hưởng quy chế đặc biệt trong các lĩnh vực cụ thể này, việc từ chối tham gia vào “liên minh của người dân” với ý nghĩa và phạm vi rộng hơn sẽ gặp phải những khó khăn về pháp lý. Ngoài khó khăn trong việc giải thích nội hàm của vấn đề, điều này cũng có thể dẫn tới những tác động tiêu cực về pháp lý và chính trị khác, chẳng hạn như hiệu lực các pháp quyết của Tòa án Công lý EU (CJEU) đối với Anh và khả năng xung đột với các nước thành viên khác, ví dụ liên quan đến vấn đề nhập cư và chính sách chống biến đổi khí hậu. Việc đáp ứng yêu cầu này của Anh ở thời điểm hiện tại dường như là không khả thi. Hành động thiết thực nhất có lẽ là phải làm rõ hơn ở cấp độ Hội đồng châu Âu về yêu cầu này của Anh trong các vòng đàm phán tiếp theo.

Thứ ba, về tính công bằng trong khối đồng tiền chung Eurozone. Cả Thủ tướng David Cameron và Bộ trưởng Tài chính George Osborne đều chưa đề cập một cách rõ ràng đến cơ chế pháp lý mang tính ràng buộc mà nước này yêu cầu nhằm bảo đảm lợi ích của các nước không phải là thành viên của Eurozone trong việc hoạch định chính sách kinh tế. Nhiều khả năng quá trình đàm phán sẽ liên quan đến hoạt động của  Ủy ban Ngân hàng châu Âu (EBA) hoặc quyền yêu cầu xem xét lại chính sách chung của các nước thành viên Eurozone trong trường hợp khẩn cấp. Những vấn đề này chỉ có thể đạt được nếu thay đổi Hiệp ước EU hoặc các nước thành viên đưa ra các cam kết mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, hiện đa số các quốc gia thành viên Eurozone, nhất là Pháp và Bỉ phản đối những thay đổi này. Trong khi đó một số nước thành viên Eurozone trong tương lai như Ba Lan cũng khó có khả năng chấp nhận cho Anh được quyền vô hiệu hóa các quyết định chung của khối. Vì vậy, nhượng bộ cao nhất trong đàm phán cũng chỉ có thể là khả năng Hội đồng châu Âu ra tuyên bố bằng văn bản, trong đó cam kết các quyết định của Eurozone mang tính chất mở và phù hợp với tất cả các khía cạnh của thị trường chung. Mặc dù vậy, điều này khó có thể làm người Anh hài lòng.

Thứ tư, liên quan đến vấn đề di cư và hệ thống phúc lợi xã hội. Vấn đề phúc lợi xã hội dành cho người di cư nội khối trong EU chắc chắn là nội dung đàm phán quan trọng nhất mà người dân Anh quan tâm. Mặc dù các yêu cầu do chính phủ của Thủ tướng Anh đưa ra rất cụ thể nhưng không phải vì thế mà quá trình đàm phán sẽ dễ dàng hơn. Thứ nhất, bất kỳ sự hạn chế nào đối với việc tiếp cận phúc lợi xã hội của công dân EU di cư trong vòng 4 năm đầu tiên và việc ngăn cản họ xin phúc lợi xã hội cho con cái với lý do đang sinh sống ở nước ngoài là sự phân biệt đối xử và do đó vi phạm các quy định của EU. Việc thay đổi các quy định này đòi hỏi phải có sự đồng thuận của đa số nghị sỹ trong Nghị viện châu Âu. Đây là vấn đề nhạy cảm do liên quan đến nguyên tắc tự do đi lại trong EU. Hơn nữa, đa số các quốc gia EU, nhất là các nước thành viên khu vực Trung, Đông và Nam Âu sẽ phản đối những thay đổi này. Thứ hai, các số liệu thống kê cho thấy năm 2011 mức độ đóng góp của người di cư châu Âu cho ngân sách Anh lớn hơn tới 30% so với những gì họ nhận được. Trong khi đó Thủ tướng Anh hoàn toàn có thể dựa vào sự ủng hộ của Hội đồng châu Âu nhằm hạn chế việc lạm dụng hệ thống phúc lợi xã hội trong phạm vi cả nước. Liên quan đến vấn đề này, gần đây Tòa án Công lý EU (CJEU) đã có một số động thái ủng hộ Anh như tuyên bố rằng các nước thành viên EU có quyền quyết định quyền của người định cư và phúc lợi xã hội đối với những người nhập cư EU không làm việc. Một cách gián tiếp, CJEU cũng cho phép Anh từ chối lao động EU lần đầu tìm việc làm ở Anh nhận được hỗ trợ từ hệ thống “Universal Credit”.

Thứ năm, hoạt động của các lực lượng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Trong những tuần tới, các cơ quan pháp lý của EU sẽ nỗ lực hết sức nhằm đưa ra thỏa thuận “ràng buộc về mặt pháp lý” nhưng cũng “linh hoạt” có thể thỏa mãn cả Thủ tướng Anh Cameron và lãnh đạo 27 nước thành viên. Tuy nhiên, đó chưa phải là điểm kết thúc của tiến trình này. Chính người dân Anh chứ không phải giới chính trị gia mới là người đưa ra quyết định cuối cùng. Theo chính phủ Anh, cuộc trưng cầu dân ý có thể sẽ được tiến hành 6 tháng sau khi đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, trong thời gian đó lực lượng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở Anh sẽ làm mọi cách để phủ nhận thỏa thuận này. Trong trường hợp việc trưng cầu dân ý về vấn đề này bị hoãn lại thì chính phủ Anh cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ là cử tri sẽ sử dụng trưng cầu dân ý để biểu thị sự phản đối chính phủ, nhất là đối với việc chính phủ Anh đang có kế hoạch cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công.

Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Thủ tướng Anh công bố kiến nghị 4 điểm cải cách EU
Thủ tướng Anh công bố kiến nghị 4 điểm cải cách EU

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 10/11 gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk bản kiến nghị cải cách Liên minh châu Âu (EU) gồm 4 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN