Đã đến lúc tính tới sự tan rã của khu vực đồng euro

Cùng với con tàu Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với vô vàn sóng gió, một số quan chức có trách nhiệm bị hất khỏi boong tàu, ít nhất là có Thủ tướng Hy Lạp và Thủ tướng Italia. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU vẫn khẳng định rằng các chính trị gia có thể ra đi, song đồng euro sẽ tồn tại mãi mãi. Theo “Thời báo Tài chính” (Anh), những cam kết kiểu này tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau đầy nguy hiểm.

Vì lòng tự trọng, nỗi sợ hãi, lý tưởng chung và quyền lợi cá nhân của các nhà lãnh đạo EU nên sẽ vô cùng khó để thuyết phục họ thừa nhận rằng đồng euro là nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng hiện nay. Sau gần một thập kỷ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, với các nền chính trị khác biệt, đã biểu hiện những khiếm khuyết. Đồng euro không phải là cái đích đến cuối cùng. Nó chỉ là một công cụ, có nhiệm vụ thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và đồng thuận chính trị trong khu vực. Khi mà thực tế cho thấy điều ngược lại, bây giờ không phải là lúc nghĩ cách cứu đồng tiền này, mà là làm thế nào để loại bỏ nó, hoặc ít nhất làm thế nào để một thành viên yếu nhất phải ra đi.

Đồng euro không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu mà còn là nguyên nhân khiến khủng hoảng kéo dài. Thứ nhất, nó làm lãi suất giảm mạnh ở Nam Âu, qua đó khuyến khích các thành viên như Italia và Hy Lạp vay tiền vô tội vạ. Giờ đây, đồng tiền này đã không cho phép các nước này thả nổi lạm phát và phá giá tiền tệ như họ từng làm mỗi khi nợ công tăng mạnh. Đây chính là những gì mà Italia, Hy Lạp và hầu hết các nước Nam Âu đang phải chấp nhận nếu muốn được giảm nợ nần và nhận tiền cứu trợ.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã phơi bày những điểm yếu của đồng euro. Cách đây 2 năm, khi lần đầu tiên cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp lộ rõ tính chất nghiêm trọng của nó, EU đã đặt ra hai nhiệm vụ: Xử lý tình hình Hy Lạp và thuyết phục thị trường rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt, không liên quan đến phần còn lại của khu vực đồng euro. Tuy nhiên, cả hai nhiệm vụ này EU đều không hoàn thành.

Cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đang bị đẩy lên cao bởi khủng hoảng chính trị ở nước này. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu của Italia, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, không ngừng tăng lên và sớm muộn sẽ vượt quá sức chịu đựng của nước này. Nếu Italia phải xin cứu trợ, các quỹ dự phòng của EU và IMF sẽ không kham nổi.

Hy Lạp và Italia không phải là hai mắt xích yếu duy nhất của EU. Ailen và Bồ Đào Nha đã phải xin cứu trợ và có thể sẽ tiếp tục khốn đốn trước những diễn biến mới nhất. Nguy cơ đối với Tây Ban Nha cũng đã lộ rõ, trong khi Pháp không thể cân bằng được ngân sách kể từ những năm 1970 và đang rất lo lắng trước nguy cơ bị đánh tụt hạng tín nhiệm.

Trước những khó khăn ngày càng chồng chất, các nhà lãnh đạo EU với tuyên bố “làm tất cả những gì có thể để cứu đồng euro” đang đưa ra những giải pháp ngày càng thiếu tính thuyết phục. Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, các biện pháp thắt chặt chi tiêu sẽ giúp nợ công của Hy Lạp giảm còn tương đương 120% GDP vào cuối thập niên này. Italia sẽ thuyết phục thị trường cho vay với lãi suất 2% mỗi năm, thay vì 7 - 8% như hiện nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mua lại tất cả trái phiếu của Italia nếu nước này gặp khó khăn. Tất cả đều là những viễn cảnh quá lạc quan.
Dưới góc độ chính trị, giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng đồng euro là khu vực này cần một chính thể liên bang có quyền lực thực sự. Nhưng đây là một giải pháp phải mất nhiều thập kỷ để thực hiện, trong khi cuộc khủng hoảng đang leo thang hằng tuần.

Không thể phủ nhận rằng phá vỡ đồng euro là việc làm đầy khó khăn và nguy hiểm. Sự tháo vốn và vỡ nợ xảy ra khi một thành viên bị loại khỏi khu vực có thể đẩy các ngân hàng xuống vực thẳm. Và kéo theo nó là khủng hoảng kinh tế và chính trị, ít nhất trong một thời gian nhất định. Chính phủ mới của Italia có thể giúp EU thư thả thêm một thời gian, song với những “khiếm khuyết” của đồng tiền chung khu vực, thời gian thư thả sẽ không kéo dài.
Một số ý kiến cho rằng thay vì khăng khăng nói khu vực đồng euro không thể bị “tan đàn xẻ nghé”, các nhà lãnh đạo EU cần lên kế hoạch để quá trình này có thể bắt đầu.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN