Cứu trợ quốc tế - 'Con dao hai lưỡi' của châu Âu

Đồng euro đang gây ra một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán cho châu Âu như hồi thập niên năm 1920. Trên thực tế, chỉ có một khác biệt giữa hai cuộc khủng hoảng: Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, người ta có thể dựa vào nhiều gói cứu trợ quốc tế lớn.

Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp đang tăng cao. Ảnh: AFP/TTXVN


Những gói cứu trợ lớn này đã phần nào giúp giảm bớt khó khăn tài chính của Khu vực đồng euro (Eurozone), nhưng với một cái giá cao. Những gói cứu trợ này không những khiến các nhà đầu tư không phải trả giá cho những quyết định sai lầm của họ, mà còn trao cho các nước Nam Âu cơ hội trì hoãn sự phá giá tiền tệ thực tế dưới hình thức giảm giá hàng hóa tương đối. Điều này là cần thiết để khôi phục sức cạnh tranh đã bị phá hủy trong những năm đồng euro mới ra đời, khi đồng tiền này gây ra lạm phát cao.


Quả thực, đối với các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, việc giành lại sức cạnh tranh có thể đòi hỏi họ phải giảm khoảng 30% giá hàng hóa so với những thành viên khác của Eurozone, so với lúc bắt đầu khủng hoảng. Italy có thể cần giảm giá tương đối của họ đi khoảng từ 10 - 15%. Nhưng cho đến nay, Bồ Đào Nha và Italy vẫn không thực hiện "bất kỳ sự phá giá thực tế nào", trong khi giá tương đối tại Hy Lạp và Tây Ban Nha chỉ giảm 8% và 6%.

Trong số tất cả những quốc gia gặp khủng hoảng, chỉ có Ireland là đang phục hồi. Lý do rất rõ ràng là bong bóng của nước này đã phát nổ từ cuối năm 2006, khi họ chưa nhận bất kỳ đợt cứu trợ nào. Và trong tình cảnh đó, Ireland đành phải tự cứu mình, nên họ không có lựa chọn nào ngoài việc thực thi những biện pháp khắc khổ, giảm giá hàng hóa tương đối của họ so với các nước Eurozone khoảng 13%. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Ireland đang giảm mạnh và khu vực chế tạo đang phục hồi.

Để so sánh, Hy Lạp nhận được phần lớn số tiền cứu trợ của châu Âu nhưng tỷ lệ thất nghiệp của nước này lại tăng cao nhất. Các khoản vay chính thức mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cộng đồng quốc tế cung cấp cho Hy Lạp đã tăng hơn 6 lần trong 5 năm qua, tương đương 181% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cùng kỳ của nước này lại tăng hơn gấp đôi.

Có bốn khả năng phản ứng kinh tế và chính sách đối với vấn đề này. Thứ nhất, châu Âu nên trở thành một liên minh chuyển khoản, tức là các nước phía Bắc ngày càng cung cấp nhiều tín dụng cho các nước phía Nam và sau đó ngưng lại. Thứ hai, các nước Nam Âu có thể rơi vào giảm phát. Thứ ba, các nước Bắc Âu có thể lạm phát. Thứ tư, các nước không còn sức cạnh tranh nên ra khỏi liên minh tiền tệ của châu Âu và phá giá đồng nội tệ mới của họ.

Mỗi con đường trên đều đi kèm với những "biến chứng" nghiêm trọng. Phản ứng đầu tiên tạo ra một sự lệ thuộc lâu dài vào các khoản chuyển khoản, theo đó, việc duy trì giá cả tương đối đang ngăn cản nền kinh tế giành lại sức cạnh tranh. Con đường thứ hai dẫn đến việc nhiều con nợ tại các nước khủng hoảng bị phá sản. Con đường thứ ba tước đoạt các nước chủ nợ Bắc Âu. Và con đường thứ tư có thể gây ra hiệu ứng lan truyền thông qua các thị trường vốn, có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn như tại Cyprus năm 2013.

Cho đến nay, chính giới châu Âu đang tập trung vào việc cung cấp tín dụng cho những quốc gia bị khủng hoảng với lãi suất gần bằng 0, cuối cùng có thể biến đổi thành các vụ chuyển khoản. Nhưng giờ đây, ECB đang tìm cách phá vỡ bế tắc trên thông qua nới lỏng định lượng (QE). Mục tiêu ECB đặt ra là phục hồi Eurozone.

Tuy nhiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ sẽ không "ngồi im" khi đồng euro mất giá, làm dấy lên đồn đoán thế giới có thể rơi vào một cuộc chiến tranh tiền tệ. Hơn nữa, các nước Nam Âu, thay vì giữ nguyên giá cả, có thể từ bỏ các biện pháp khắc khổ và phát hành nhiều trái phiếu mới hơn để kích thích kinh tế. Sau giai đoạn khởi sắc ban đầu, Eurozone sẽ rơi lại vào khủng hoảng lâu dài. Cuối cùng đồng euro bị hoàn toàn mất tín nhiệm và sụp đổ. Do vậy, việc tiếp tục các biện pháp khắc khổ là "cơ hội" cuối cùng của các nước Nam Âu.


Dương Hoa (Theo "Project syndicate")

Triển vọng nào cho khủng hoảng nợ Hy Lạp?
Triển vọng nào cho khủng hoảng nợ Hy Lạp?

Khả năng Athens đạt trở lại cân bằng cán cân thương mại và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường tài chính quốc tế là điều xa vời, ít nhất là trong thời gian ngắn và trung hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN