Cuộc đua gay cấn cho ghế tổng thống Pháp

Hai ứng cử viên nặng ký nhất cho chiếc ghế chủ nhân điện Elysee, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và ông Francois Hollande thuộc Đảng Xã hội (PS), đang hối hả chạy đà cho chiến dịch tranh cử chính thức, từ ngày 9 đến 20/4. Còn hơn một tháng trước ngày diễn ra bầu cử vòng một vào ngày 22/4 và vòng hai vào ngày 6/5, nhưng sức nóng của cuộc chạy đua quyết liệt này thậm chí đã lan tỏa ra ngoài biên giới nước Pháp.

Hai ứng cử viên nặng ký nhất: Ông Francois Hollande (trái) và ông Nicolas Sarkozy.


Êkíp tranh cử của ông Sarkozy tận dụng lợi thế của Internet và mạng xã hội để đẩy nhanh tiếp xúc cử tri, tìm kiếm sự ủng hộ của giới cử tri ưa thích công nghệ, đặc biệt là lớp trẻ. Twitter có kế hoạch tổ chức mít tinh trực tuyến để vận động tranh cử cho ông Sarkozy. Về phần mình, ứng cử viên Hollande đã tổ chức một cuộc mít tinh với hàng nghìn người tham dự tại thành phố cảng Marseille, nơi được xem là "thành trì" của đối thủ Sarkozy, cam kết nếu thắng cử sẽ đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, người nhập cư và ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Êkíp tranh cử của ông Hollande cũng sử dụng các chuyên gia công nghệ để thu hút cử tri. Lượng thuê bao từ Twitter, Facebook ủng hộ ông Hollande hiện rất cao, lần lượt là 195.000 và 72.000 người. Chi phí cho việc sử dụng công nghệ cao để tranh cử của ông Hollande dự kiến lên tới 2 triệu euro, khoảng 10% tổng kinh phí tranh cử.

Theo kết quả cuộc thăm dò do Viện CSA thực hiện công bố tối 14/3, ông Sarkozy, thuộc Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), sẽ giành số phiếu ngang bằng với ông Hollande trong vòng một. Ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen ổn định ở mức 16% số phiếu ủng hộ, ứng cử viên Phong trào Dân chủ (MoDem) Francois Bayrou với 13%, trong khi ứng cử viên Mặt trận cánh tả Jean-Luc Melenchon có tỉ lệ ủng hộ 11%. Kết quả thăm dò của CSA cũng cho thấy trong vòng hai, ông Hollande có khả năng giành 54% số phiếu bầu so với tỷ lệ 46% của ông Sarkozy.

Hôm 15/3, mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí "Nhà Kinh tế" (Anh) nhận định, ông Sarkozy sẽ giành lợi thế tại bầu cử vòng một, nhưng ít dấu hiệu cho thấy ông có thể giành chiến thắng chung cuộc. EIU cho rằng, sự ủng hộ gia tăng mới đây dành cho ông Sarkozy là nhờ bài hùng biện về vấn đề ngăn chặn nhập cư, cải tổ Hiệp ước Schengen và thực hiện chính sách bảo hộ kinh tế. Điều này đã giúp ông nhận được sự ủng hộ ở trong nước, nhưng những lời hùng biện quá mức nhằm tranh thủ các cử tri cực hữu có thể làm phức tạp các mối quan hệ của Pháp với Liên minh châu Âu (EU), vốn cũng đã bị đe dọa bởi cam kết của ông Hollande rằng sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán về khế ước tài khóa của EU.

Một ông chủ mới trong điện Elysee đồng nghĩa với những tân chính sách tác động lên toàn cựu lục địa bởi Pháp (cùng Đức) luôn được coi là "động lực của châu Âu". Ví như Hy Lạp, dù đã đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ với khu vực tư nhân và nhận được gói cứu trợ thứ hai từ EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhưng nước này vẫn đang vẫy vùng với nỗi lo thoát nợ. Việc chấp nhận các áp đặt của EU, mà "đầu trò" được cho là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Sarkozy, để đổi lấy những khoản vay mới đã khiến nhiều người dân Hy Lạp không khỏi tức giận về cảm giác mất chủ quyền. Ông Hollande xuất hiện như một hy vọng mới, với những đề xuất đàm phán lại các hiệp định về châu Âu và bổ sung thêm các nội dung tăng trưởng phù hợp với mong muốn không được nói ra của Aten. Vì vậy, một tờ báo tại Hy Lạp đã ví nước này như một kẻ sắp chết đuối đang coi Hollande "như một cái cọc".

Tương tự là Bungari, việc tái đắc cử của ông Sarkozy đồng nghĩa với việc viễn cảnh gia nhập không gian Schengen của họ ngày càng xa vời. Gia nhập Schengen chắc chắn sẽ khiến Bungari phải chấp nhận nhượng bộ ít nhiều về chủ quyền quốc gia đối với các nước trong cùng không gian, nhưng đổi lại là những lợi ích kinh tế, thương mại và du lịch mà việc tự do đi lại có thể mang lại.

Hồi tháng 2/2012, việc Thủ tướng Merkel lo lắng ứng cử viên cánh tả Pháp bước vào điện Elysee thay ông Sarkozy đã trở thành chủ đề quan tâm số một của báo chí châu Âu. Các đảng Xã hội ở khắp châu Âu đang công khai hy vọng về một sự đổi mới trên chính trường châu lục, với việc chấm dứt sự tồn tại của trục Pháp - Đức "rất khó chịu". Tuy nhiên, có một thực tế là bà Merkel cũng vẫn tiếp tục ủng hộ ông Sarkozy trong cuộc bầu cử lần này sau khi cặp đôi trung hữu phối hợp chặt chẽ trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN