Cuộc chiến khí đốt EU, Ukraine và Nga đến hồi kết?

Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC), Ukraine và Nga đã đồng ý phục hồi lại các đường ống khí đốt tự nhiên qua Ukraine tới tháng 3/2015. EC đã gọi đó là sự kiện mang tính “đột phá”. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính nhất thời mà có thể sẽ cần phải bổ sung thêm vài biện pháp trong những tháng tới. Hơn nữa, không có gì bảo đảm rằng một cuộc chiến khí đốt khác giữa Nga và Ukraine sẽ không diễn ra.

Thỏa thuận khí đốt mùa Đông trên của Ukraine, như các phương tiện truyền thông loan báo, bao gồm 2 nội dung: Một đề xuất ràng buộc được ký bởi EC, Ukraine và Nga; và một phụ lục đối với thỏa thuận khí đốt đã có giữa Tập đoàn Gazprom của Nga và Công ty năng lượng quốc doanh Naftogaz của Ukraine. Theo thỏa thuận mùa Đông, Ukraine sẽ trả nợ cho Gazprom theo 2 giai đoạn: Thứ nhất Kiev sẽ trả 1,45 tỷ USD để thanh toán một phần nợ cũ trong hợp đồng mua khí đốt trước đó. Khoản chi phí này được tính ở mức giá 268,5 USD/1.000 m3 khí đốt. Tiếp theo, Kiev sẽ trả 1,65 tỷ USD cho Tập đoàn Gazprom vào cuối năm nay. Hiện tại, có 3 nguồn bảo đảm về khả năng thanh toán của Kiev là từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), doanh thu của Tập đoàn Năng lượng Ukraine Naftogaz và các khoản EU cho vay trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ.

Lãnh đạo Nga, Ukraine và EU gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại Milan ngày 17/10/2014.


Một khía cạnh khác của thỏa thuận mới trên là Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Ukraine để đối lấy việc nhận được thanh toán trước hàng tháng. EC cho biết giá khí đốt mà Ukraine sẽ phải trả cho mùa Đông này là “thấp hơn 385 USD/1.000 m3” và dựa trên tỷ giá mà Nga và Ukraine đã thống nhất từ năm 2011. Theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, giữa tháng 11-12/2014, Ukraine sẽ phải trả 378 USD/1.000 m3 khí và 365 USD/1.000 m3 bắt đầu trong năm tới do chính sách hải quan của Nga. Ukraine tuyên bố sẽ mua 4 tỷ m3 khí đốt của Nga vào cuối năm 2014.

Mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tuyên bố rằng “thỏa thuận khí đốt mùa Đông là một bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng ở lục địa châu Âu”, song nó vẫn có những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, Nga vẫn dễ dàng kiểm soát giá khí đốt vì điều này hiện đang phụ thuộc vào những quyết định của cơ quan hải quan nước này, nên sẽ không có những thay đổi trong hợp đồng khí đốt. Thứ hai, việc loại bỏ điều kiện “take or pay” (nhận trực tiếp hay trả lại) tạo ra một mối nguy hiểm đối với Ukraine. Điều kiện “take or pay” thường là một sự trở ngại cho các nước đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của họ, nhưng Ukraine lại đang rất cần nguồn cung khí đốt của Nga an toàn ở mức 4-5 tỷ m3 khí vào cuối năm nay. Không có nguyên tắc “take or pay” về cơ bản có nghĩa là Moskva có thể giảm nguồn cung khí gas cho Ukraine bất kỳ lúc nào như nước này đã từng làm với Ba Lan và Slovakia.

Thứ ba, EC đã đưa ra sự bảo lãnh tài chính nhưng lại không cung cấp tiền cho Ukraine, ngoại trừ phần thanh toán khoản nợ đầu tiên ở trên. Khả năng thanh toán tài chính của Ukraine vẫn không chắc chắn vào thời điểm này. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì đang hối thúc Kiev cải cách trong lĩnh vực khí đốt của họ. Lưu ý rằng số tiền mà IMF tài trợ cho Ukraine bao gồm cả yêu cầu phải có sự cải cách trong lĩnh vực kinh tế quan trọng này của Ukraine, nhưng số tiền này giờ đây chủ yếu là dành để trả nợ Nga, do đó không còn đủ tiền để dành cho cải cách.

Nhiều thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraine trước đó đều không kéo dài.


Vì vậy, theo ông Wojciech Jakobik, chuyên gia phân tích năng lượng tại Viện Jagiellonian (Ba Lan), thỏa thuận khí đốt mùa Đông tuy là nền tảng cho giai đoạn mới trong mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU)-Nga và đại diện của Ủy ban châu Âu có thể gọi đó là “bước đột phá”, nhưng nó không có gì khác hơn là "sự đầu hàng" của Ukraine. Mặc dù giá bán buôn khí đốt tại châu Âu đã hạ, song nhiều người vẫn rất hoài nghi về hoạt động cung cấp khí đốt cho EU sau khi hợp đồng hết hạn vào tháng 3/2015. Hơn nữa, Kiev vẫn không có được một sự bảo đảm vững chắc về nguồn cung năng lượng, nên nước này vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng Đông - Tây trong bối cảnh cả hai bên đang phải chịu tổn thất nặng nề từ các đòn trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về thương mại.


Trong khi đó, nhiều thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraine trước đó đều không kéo dài. Năm 2006, sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine sau nhiều tranh cãi về vấn đề thanh toán, hai bên đã ký một thỏa thuận sơ bộ nhằm khôi phục hoạt động này. Tuy nhiên, những bất đồng mới nảy sinh từ khoản nợ mua khí đốt của Ukraine trong năm tiếp theo đã khiến nguồn cung bị thu hẹp đáng kể. Nga và Ukraine không thể đồng thuận về mức nợ và tới năm 2009, các mâu thuẫn càng gia tăng, khiến hoạt động cung cấp khí đốt cho nhiều nước châu Âu bị gián đoạn. Hiện 1/3 lượng khí đốt EU tiêu thụ là do mua từ Nga, và ½ số đường ống vận chuyển khí đốt tới EU là đi qua Ukraine.

Ngay sau khi thỏa thuận trên được ký kết, nhận định trên được xác nhận bởi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak, người đã mô tả thỏa thuận mùa Đông là “không ràng buộc về mặt pháp lý”. Trong con mắt của ông, “bước đột phá” mới này không có gì nhiều hơn “một tuyên bố về ý định và thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ các cuộc đàm phán ba bên”. Như ông Novak đã nói, việc thực hiện thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào hợp đồng gần đây giữa Gazprom và Naftogaz.


Công Thuận (N.E.E)
Công nghiệp năng lượng Nga phụ thuộc phương Tây?
Công nghiệp năng lượng Nga phụ thuộc phương Tây?

Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, vốn kéo dài gần 10 tháng, đã có những tác động trực tiếp đến nền kinh tế Nga. Đầu tư nước ngoài - công cụ tốt nhất để tích hợp các nền kinh tế trên thế giới – đổ vào Nga ngày càng giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN