Cuộc chiến dầu mỏ đằng sau cuộc khủng hoảng Iran

Cuộc khủng hoảng Iran ngày càng trở nên căng thẳng, các nước phương Tây đang sử dụng tối đa vũ khí dầu mỏ để trừng phạt Iran; đáp lại, Têhêran cũng phong tỏa các con đường cung cấp dầu mỏ, ngừng cung cấp dầu mỏ cho châu Âu… Theo báo Hồng Công “Văn Hối” ngày 23/2, cuộc đối đầu giữa phương Tây và Iran về vẻ ngoài dường như nhằm vào vấn đề hạt nhân của Iran, song trên thực tế đằng sau đó là cuộc chiến dầu mỏ và đọ sức về năng lượng.

Iran và phương Tây sử dụng dầu mỏ làm vũ khí đối đầu nhau.


Sau khi Iran quyết định ngừng cung cấp dầu mỏ cho Pháp và Anh, lãnh đạo châu Âu cũng như hai nước này đều nhấn mạnh rằng châu Âu có đủ dự trữ dầu mỏ, đủ sức ứng phó với sự thiếu hụt dầu mỏ do Iran ngừng cung cấp. Trong số gần 3 triệu thùng dầu thô nước này xuất khẩu mỗi ngày có tới gần 25% xuất sang thị trường châu Âu. Cho dù châu Âu chủ động không mua hay Iran chủ động không bán, cuộc chiến này rõ ràng gây ra ảnh hưởng khá nghiêm trọng đối với Iran. Xuất khẩu dầu thô là huyết mạch kinh tế của Iran, trong bối cảnh bị bao vây cấm vận như hiện nay, nếu lượng dầu thô xuất khẩu bị giảm đi 1/4, nền kinh tế Iran chắc chắn sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Ngược lại, do lượng dầu thô của Iran xuất sang châu Âu chủ yếu là vào thị trường Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp…, những chú “lợn đen” (PIGS - các nước mắc nợ nhiều nằm trong danh sách đen) của châu Âu, nếu không nhập được dầu từ Iran, yết hầu an ninh năng lượng của các nước này cũng sẽ bị bóp nghẹt, khiến cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã trầm trọng sẽ càng tồi tệ hơn, sự phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Một khi cuộc khủng hoảng ở những nước này gia tăng, bản thân các nước Anh, Pháp và Đức đương nhiên sẽ bị tác động đáng kể. Do đó, trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Iran và Liên minh châu Âu (EU), cả hai bên thực tế đều đang “đùa với lửa”.

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là khả năng dự trữ dầu của các nước phát triển đều có thể đạt trên 150 ngày, riêng Nhật Bản thậm chí còn có thêm dự trữ dầu mỏ phi chính phủ đạt khoảng 77 ngày. Bên cạnh đó, các nước này còn có các kênh nhập dầu thô khác nữa, nên họ có khả năng chịu đựng bền bỉ hơn Iran.

Điều đáng đề cập là cuộc chiến dầu mỏ giữa Iran và phương Tây liên quan tới các nước công nghiệp mới nổi, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Do lượng tiêu dùng năng lượng lớn song kho dự trữ lại ít nên các nước này hết sức nhạy cảm với cuộc khủng hoảng dầu mỏ Iran. Theo thống kê, đến năm 2020 dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc mới có thể đạt 90 ngày. Đối với Ấn Độ, quốc gia có tới 80% lượng dầu mỏ phải dựa vào nhập khẩu, sự tổn hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cho dù là các nước Âu - Mỹ hay Iran, không bên nào có thể chơi cuộc chiến dầu mỏ này đến cùng, cuộc chiến càng kéo dài thì hậu quả của nó đối với các bên càng nặng nề. Nếu Mỹ - Âu áp dụng một cuộc chiến lật đổ như ở Irắc và Libi, Mỹ - Âu có thể sẽ sa lầy vào một cuộc chiến dai dẳng khác không biết khi nào kết thúc. Hơn nữa, chưa ai có thể khẳng định được rằng Iran thực sự có vũ khí hạt nhân hay không, can thiệp vũ trang chống Iran nếu không cẩn thận sẽ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Do đó, cuộc chiến dầu mỏ này càng giống như cuộc chiến hăm dọa để làm đối phương khuất phục. Cuộc đọ sức như vậy không thể kéo dài, nó chỉ có giới hạn trong sự chịu đựng của phương Tây mà thôi.

Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN