Cuba và những 'nguồn năng lượng mới'

Phiên họp bất thường của Quốc hội Cuba ngày 10/10 (rạng sáng 11/10 giờ Hà Nội) với nhiệm vụ bầu chọn các chức danh lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong đời sống chính trị của đảo quốc Caribe.

Đây là bước triển khai theo lộ trình đã được vạch ra trong Hiến pháp mới và được tiến hành theo những quy định của Luật Bầu cử - mà cùng với Luật Biểu tượng quốc gia, là những luật đầu tiên của Hiến pháp mới được thông qua tháng 2 vừa qua.

Quốc hội Cuba đã bầu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Díaz-Canel Bermúdez vào cương vị Chủ tịch nước, chức danh mới được Hiến pháp 2019 khôi phục và quy định là người đứng đầu bộ máy nhà nước, cùng Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Salvador Valdes Mesa vào cương vị Phó Chủ tịch nước.

Trước đó, các đại biểu cũng bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Quốc hội, cùng các thành viên khác trong Hội đồng Nhà nước. So với hệ thống của bản Hiến pháp 1976 (có hiệu lực tới năm 2019), Hội đồng Nhà nước - vốn là cơ quan thường vụ của Quốc hội - sẽ quay về với chức năng lập pháp và giám sát thuần túy hơn, không còn là cơ quan trực tiếp đưa ra những quyết sách cụ thể.

Một chức danh nữa cũng được Hiến pháp 2019 khôi phục là Thủ tướng Chính phủ, thường được hiểu là vị trí thay thế trực tiếp cho chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trước đây, nhưng sẽ gánh vác trọng trách hành pháp trọn vẹn hơn. Theo lộ trình dự kiến, trong kỳ họp thường kỳ cuối năm vào tháng 12 tới, tân Chủ tịch nước sẽ đề cử ứng viên Thủ tướng để Quốc hội bỏ phiếu thông qua.

Cũng theo quy định, tất cả những người giữ các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước kể trên đều phải được bầu chọn trong số các đại biểu Quốc hội, và nhiệm kỳ sẽ chính thức bắt đầu kể từ khi được Quốc hội bầu chọn hoặc thông qua, với quy định mỗi người chỉ được đảm nhiệm một chức danh lãnh đạo tối đa 2 nhiệm kỳ 5 năm.

Đây chính là những bước đi nền móng đầu tiên theo Hiến pháp mới tiến tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, phù hợp hơn với sự nghiệp phát triển đất nước Cuba trong giai đoạn lịch sử mới và trong bối cảnh thế giới mới, đặc biệt là trong việc triển khai công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội”.

Bởi vậy, giới chuyên gia đánh giá phiên họp này là sự kiện quan trọng trong quá trình tìm kiếm các “nguồn năng lượng mới” cho công cuộc “Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội” của “hòn đảo tự do”.

Chú thích ảnh
Một phiên họp của Quốc hội Cuba ở thủ đô La Habana. Ảnh: AFP/TTXVN

“Nguồn năng lượng mới” được nhắc tới nhiều thời gian gần đây, bắt nguồn từ “tình thế năng lượng mới”, theo đúng khái niệm được ông Miguel Díaz-Canel đưa ra. Một loạt những rào cản và trừng phạt của chính quyền Mỹ từ đầu năm đối với hơn 30 hãng vận tải biển thuộc nhiều quốc gia chuyên chở dầu từ Venezuela tới Cuba đã đẩy tình trạng kinh tế của đảo quốc Caribe này vào một trong những thời điểm căng thẳng nhất vài năm qua.

Nhiều hãng hàng hải từ chối cung cấp dịch vụ vì e ngại những chính sách mà La Habana gọi là “các biện pháp không chính quy” này của Washington, trong khi một số ít hãng còn lại đòi tăng cước phí và đàm phán lại hợp đồng. Hệ quả là vào đầu tháng 9, không có tàu chở dầu nào cập cảng Cuba.

Trước tình thế ấy, Chính phủ Cuba đã cố gắng giảm, giãn bớt nhu cầu điện năng - chủ yếu vẫn được sản xuất bằng nhiệt điện chạy dầu - trong các giờ tiêu thụ cao điểm bằng những cách như tái tổ chức và giảm bớt giờ làm tại công sở hay các lớp học bậc đại học, triển khai mô hình làm việc từ xa, tại nhà.

Bên cạnh đó là một chiến dịch kêu gọi tiết kiệm điện, giảm bớt các chuyến xe khách trên toàn quốc và ưu tiên sử dụng đường sắt, tạm hoãn một số công trình xây dựng đòi hỏi cần cẩu và các máy móc cỡ lớn khác - ngoại trừ các dự án phát triển hay các dự án đầu tư chủ chốt, hay khuyến khích sử dụng sức kéo gia súc; đồng thời cam kết đảm bảo việc vận tải lương thực, thuốc men cùng một số nhu yếu phẩm then chốt khác, cũng như những hàng hóa liên quan tới xuất khẩu.

Sau 2 tuần căng thẳng, nhịp độ sinh hoạt tại Cuba đang dần lắng dịu lại từ tuần cuối cùng của tháng 9, sau khi các tàu chở dầu bắt trở lại theo những hợp đồng mới, mặc dù một số biện pháp tiết kiệm mang tính trung hạn vẫn được áp dụng. Trong khoảng thời gian khó khăn này, đã không diễn ra "tình trạng tê liệt kinh tế" hay "bùng nổ xã hội" mà các lực lượng thù địch Cuba từ bên ngoài ra sức dự báo.

Quan trọng hơn, 2 tuần “thử lửa” vừa qua đã cho thấy người dân Cuba vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, kiên cường và lạc quan như cách đây gần 3 thập niên: tại các bến xe buýt hay các điểm nút giao thông đã có vô vàn những cử chỉ hào hiệp tương trợ cho người xa lạ đi nhờ, nhường nhịn người già, phụ nữ, trẻ em; trong hàng dài chờ đợi tại các quầy đổ xăng, bên cạnh một vài lời than vãn không thể tránh thì vẫn luôn đầy ắp những lời động viên, những câu chuyện tiếu lâm và những nụ cười cùng những hành động tương ái để cùng nhau vượt qua nhiều giờ chờ đợi. Câu nói của Chủ tịch Díaz-Canel “chính nhân dân đã đưa ra lời giải tốt nhất” thực sự là một tổng kết thực tiễn.

Đối với “tình thế năng lượng” vừa qua và sự khan hiếm năng lượng khá thường xuyên nói chung của Cuba, tiết kiệm chỉ là biện pháp ứng phó và giải pháp dài hạn sẽ phải là việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, bao gồm từ việc đẩy nhanh hơn kế hoạch chuyển đổi dần cơ cấu điện năng theo hướng bền vững hơn với mục tiêu quan trọng nhất là nâng sản lượng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo từ mức 4,6% hiện tại lên 24% tổng sản lượng vào năm 2030, cho tới đẩy mạnh việc tìm kiếm dầu khí cả ở vùng biển giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác lẫn thăm dò, khai thác trong đất liền bằng công nghệ mới - mà dự án khoan theo công nghệ trục ngang đầu tiên tại Cuba, được khởi công nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa qua, chính là một khởi đầu hứa hẹn.

Những “nguôn năng lượng mới” ấy sẽ giúp Cuba tận dụng tốt hơn sức mạnh của thời đại, hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới để tiếp nối con đường cách mạng, trên nền tảng vững chắc là truyền thống đấu tranh, ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết cao độ như đã được chứng minh trong đợt khan hiếm nhiên liệu vừa qua hay bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào trước đó.

Ngày 10/10/1868 là ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh giành độc lập đầu tiên của Cuba (1868-1878) và bản Tuyên ngôn của Hội đồng cách mạng Cuba - khi đó vẫn là thuộc địa của Tây Ban Nha - được phát đi trong ngày lịch sử ấy có đoạn viết: “Cuba khát khao được trở thành một quốc gia vĩ đại và văn minh, để mở rộng vòng tay bạn bè và trái tim bác ái tới mọi dân tộc trên thế giới”.

Uớc mơ cao cả đó bắt đầu trở thành hiện thực với thắng lợi của cuộc cách mạng 1959 dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Fidel Castro. Tiếp nối sự nghiệp trường kỳ ấy trong làn gió mới chính là ý nghĩa của việc tổ chức phiên họp bất thường của Quốc hội Cuba đúng vào ngày kỷ niệm 151 năm sự kiện lịch sử trên.

Lê Hà (PV TTXVN tại Cuba)
Quốc hội Cuba bầu đồng chí Miguel Díaz-Canel Bermúdez làm Chủ tịch nước
Quốc hội Cuba bầu đồng chí Miguel Díaz-Canel Bermúdez làm Chủ tịch nước

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, với 579 phiếu ủng hộ trên tổng số 580 phiếu bầu, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã được Quốc hội nước này bầu vào cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa, chức danh mới được Hiến pháp 2019 khôi phục và quy định là người đứng đầu bộ máy nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN