Cộng đồng ASEAN: Một kỷ nguyên mới bắt đầu

Ngày 31/12/2015 có thể là một ngày cuối năm bình thường với hầu hết các quốc gia trên thế giới, song riêng với các nước khu vực Đông Nam Á, đây là thời khắc lịch sử khi họ chính thức trở thành một cộng đồng và cùng bắt đầu một trải nghiệm mới.

Mục tiêu của việc thành lập Cộng đồng ASEAN (AC), đưa khu vực Đông Nam Á trở thành một “đầu tàu” toàn cầu, hoàn toàn có thể đạt được nếu các nước ASEAN đi theo lộ trình đúng đắn và phù hợp.

Bất chấp nhiều khác biệt về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh của các nước thành viên và cả những bất ổn trong quá khứ, những gì ASEAN đạt được ngày hôm nay là rất đáng kể. Không cho phép mình ngủ quên trên những thành tựu đã đạt được, AC được thành lập đồng nghĩa với việc các nước ASEAN cần tiếp tục đổi mới và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân trong nước cũng như các thách thức của thời đại mới.

Lãnh đạo các nước ASEAN tại Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 tại Malaysia ngày 22/11. Ảnh: AFP/ TTXVN

Câu hỏi đặt ra là AC cần trở thành một cộng đồng như thế nào, và chúng ta sẽ làm thế nào để đạt được những mục tiêu ấy? Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 vừa qua tại Kuala Lumpur đã phần nào làm nổi bật những định hướng trong vòng một thập kỷ đầu của AC.

Đầu tiên và quan trọng nhất, Tầm nhìn 2025 xác định ASEAN là một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm và do người dân định hướng, được cụ thể hóa bằng từ “bao trùm”, và theo đúng chủ đề của năm cuối cùng trong quá trình thành lập AC: “Người dân của chúng ta, cộng đồng của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta”. Đây có thể coi là điểm xuất phát vững chắc cho một tổ chức được xây dựng và điều hành theo mô hình liên quốc gia.

Bao trùm là khái niệm có nhiều cách hiểu. Có người cho rằng ASEAN cần xây dựng những chính sách đặt phúc lợi xã hội và lợi ích của người dân trong khu vực lên hàng đầu. Trong khi đó, lại có ý kiến lập luận rằng người dân cần đóng vai trò trọng yếu trong việc định hình tương lai cộng đồng. Tuy nhiên, dù có hiểu theo cách nào thì các nước thành viên ASEAN đã cùng nhất trí đặt người dân ở vị trí ưu tiên cao hơn bao giờ hết.

Giám đốc Vụ các Vấn đề ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Jakkrit Srivali nói rằng khi tham gia cùng các đối tác ASEAN trong quá trình soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch chi tiết đi kèm, Thái Lan tin tưởng rằng ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng nơi mọi người đều có tiếng nói, mọi phát biểu đều được lắng nghe, và không ai bị phớt lờ. 

Đây là một quan điểm phản ánh Mục tiêu Phát triển Bền vững mà Liên hợp quốc khởi xướng. Điều này đồng nghĩa với việc mọi cá nhân và tập thể, cả yếu và mạnh, từ già đến trẻ, từ những người tàn tật cho tới người bình thường, và kể cả những người dễ bị tổn thương hay từng bị cô lập, đều có chung vận mệnh và có tiếng nói trong việc định hình cộng đồng này. Và dĩ nhiên, một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm cần phải được củng cố bằng các biện pháp quản lý hiệu quả, chống tham nhũng, đảm bảo nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong mọi chính sách, hoạt động và sáng kiến của cộng đồng.

Thứ hai, AC phải là một cộng đồng có tính cạnh tranh và năng động, phải có những giải pháp hiệu quả để thu hẹp khoảng cách phát triển và theo đuổi những chính sách phát triển bền vững. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong ba trụ cột chính của ASEAN, chỉ có thể giúp khu vực trở thành một thị trường chung và trung tâm sản xuất duy nhất khi mọi nhân tố trong quá trình sản xuất được tự do dịch chuyển giữa các nước thành viên và các nước thành viên phải nhận thức và dỡ bỏ mọi rào cản phi thuế quan.

Cơ chế Một cửa ASEAN cần nhanh chóng có hiệu lực, và các quốc gia cũng như khu vực cần nhanh chóng điều chỉnh các luật lệ để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng. AC cũng phải chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như những người nông dân - "xương sống" của nền kinh tế ASEAN và là những nhân tố quan trọng làm nên sức bền kinh tế cho khu vực.

Một AEC cạnh tranh và năng động cũng cần có những sự gắn kết nhất định. Tăng cường kết nối trong nội khối ASEAN, một sáng kiến của Thái Lan từ năm 2009, cần phải được triển khai trên mọi khía cạnh, và con đường. Tăng cường kết nối khu vực sẽ giúp người dân, hàng hóa và dịch vụ luân chuyển trong khu vực một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn và giúp giảm thiểu các chi phí phát sinh đắt đỏ. Tuy nhiên, sẽ có những mặt trái từ sự gia tăng kết nối mà AC cần chuẩn bị trước để đối phó cho hiệu quả. Đó là những loại tội phạm xuyên biên giới như buôn người, buôn ma túy và tội phạm mạng.

Cuối cùng AC cần phải là một cộng đồng thống nhất và đảm bảo vai trò trung tâm của mình trong các diễn biến khu vực. Kế hoạch Hành động ASEAN về thúc đẩy và duy trì vị trí trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực giúp AC đạt được mục tiêu trong tương lai. ASEAN cần tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ đối tác với mọi đối tác trên thế giới, nhất là các đối tác chiến lược. Chỉ có như vậy, AC mới có thể trở thành một nền tảng vững chắc để các cường quốc cùng phát triển, và cùng giải quyết một cách hòa bình những thách thức chung trong thời đại mới.

TTK
Cơ hội và thách thức từ cộng đồng kinh tế ASEAN
Cơ hội và thách thức từ cộng đồng kinh tế ASEAN

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức được thành lập, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển, nhưng cùng với đó, sẽ đi kèm nhiều thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN