Cơn ác mộng với Hamas

Các thủ lĩnh của phong trào Hamas ở Gaza đang vô cùng lo lắng về những thay đổi đột ngột ở Ai Cập sau khi quân đội nước này lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi - ứng cử viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.


Các nhà quan sát cho rằng việc lật đổ ông Morsi và sự sụp đổ của lực lượng Hồi giáo ở nước này là cơn ác mộng đối với phong trào Hamas ở Gaza, bởi Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và Hamas có mối quan hệ rất chặt chẽ. Động thái này cũng gây sức ép lớn đối với Gaza và phong trào Hamas - nhóm đã dùng bạo lực để giành quyền kiểm soát Dải Gaza từ tháng 6/2007.


Một cảnh sát của Hamas (phải) đang nói chuyện với một quân nhân Ai Cập qua hàng rào biên giới ngày 5/7/2013.Ảnh: AFP/TTXVN


Giới quan sát cho rằng ảnh hưởng của các diễn biến ở Ai Cập và các quốc gia Arập khác có thể làm suy yếu vị thế của Palextin trong cuộc đối đầu với Ixraen, bởi những quốc gia này đang bận tâm giải quyết công việc nội bộ. Hamas cũng tỏ ra thận trọng và kiềm chế không phản ứng trước những gì vừa xảy ra ở Ai Cập. Chính quyền Dân tộc Palextin (PNA) đã bày tỏ quan điểm trung lập đối với cuộc khủng hoảng ở Ai Cập, tuy nhiên, Tổng thống Palextin M. Abbas đã gửi lời chúc mừng tới các nhà lãnh đạo mới ở Ai Cập sau vụ lật đổ ông Morsi. Ông đã ca ngợi quân đội Ai Cập về những nỗ lực của họ nhằm khôi phục hòa bình và ngăn tình hình an ninh xấu đi.


Năm 2012, ông Morsi đã nhiều lần tiếp đón các thủ lĩnh và quan chức của phong trào Hamas ở Cairô và nới lỏng các biện pháp hạn chế áp đặt ở khu vực biên giới Rafah. Tuy nhiên, sau khi ông Morsi bị lật đổ, các nhà phân tích chính trị bày tỏ quan ngại rằng những thay đổi ở Ai Cập sẽ không có lợi cho Dải Gaza.


Trao đổi với hãng tin Tân Hoa Xã, ông Mekhemer Abu Se'da - giáo sư ngành khoa học chính trị của Đại học al - Azhar ở Gaza - nói: "Những thay đổi hiện nay ở Ai Cập sẽ không có lợi cho Hamas hay Dải Gaza trong thời gian tới". Ông dự đoán quân đội Ai Cập sẽ áp đặt nhiều biện pháp thắt chặt hơn đối với Hamas và Dải Gaza, chủ yếu là việc đóng cửa thêm nhiều đường hầm khác và tiếp tục đóng cửa biên giới Rafah trong thời gian dài cho đến khi tình hình chính trị Ai Cập được giải quyết.


Các nhà phân tích và chuyên gia cố vấn về chính trị khác của Palextin cho rằng sự sụp đổ của phong trào Hồi giáo ở Ai Cập sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Hamas trong khu vực và buộc Hamas phải chấp nhận các điều kiện để hoàn tất tiến trình hòa giải nội bộ và tổ chức tổng tuyển cử trong lãnh thổ Palextin. Ibrahim Abrash, một học giả chính trị và là cựu Bộ trưởng Văn hóa, viết trên trang mạng cá nhân rằng Hamas phải chấm dứt việc tự coi mình là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo "bởi chiến lược đó của Hamas sẽ làm tổn hại lớn đến Palextin". Ông dự đoán các biện pháp an ninh sẽ được áp đặt nhiều hơn nữa ở Gaza.


Ahmed Rafiq Awad - nhà phân tích chính trị ở Bờ Tây - cho rằng sự sụp đổ của Phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập "buộc Hamas phải cân nhắc cẩn thận vấn đề hòa giải để tránh phải đối mặt với bất kỳ sức ép nào trong tương lai có thể làm xóa sổ sự hiện diện của nhóm này". Ông Awad nói: "Trong tương lai, Hamas phải thận trọng hơn và phải cố gắng tham gia vào hệ thống chính trị Palextin, đặc biệt là sau khi mối quan hệ của nhóm này với Iran, Xyri và phong trào Hezbollah suy giảm". Ông Awad cũng hy vọng rằng một khi tình hình Ai Cập được giải quyết, nước này sẽ nối lại việc bảo trợ cho tiến trình hòa giải nội bộ ở Palextin.


TTK

Đảng cầm quyền Syria thay gần hết ban lãnh đạo
Đảng cầm quyền Syria thay gần hết ban lãnh đạo

Đảng Baath cầm quyền tại Syria, đứng đầu bởi Tổng thống Bashar al-Assad, hôm nay thông báo sẽ thay thế toàn bộ các lãnh đạo hàng đầu, trong đó có Phó Tổng thống Farouk al-Sharaa, và chỉ ngoại trừ ông Assad.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN