Có nên sáp nhập các thị trường chứng khoán châu Âu?

Tờ Le Figaro (Pháp) mới đây dẫn đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Giáo sư Đại học Paris-Dauphine, Jean-Hervé Lorenzi, và Giáo sư Đại học Paris-VIII, Olivier Pastré, cho rằng dự án hợp nhất các thị trường chứng khoán châu Âu được xem là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Theo các tác giả, một cuộc tranh luận dường như ít được quan tâm của giới truyền thông và các nhà lãnh đạo chính trị, song dường như khó có thể đảo ngược đối với tương lai của châu Âu, là việc sáp nhập NYSE Euronext (công ty điều hành các thị trường chứng khoán New York, Pari, Amxtécđam, Brúcxen, Lixbon và thị trường thứ cấp Luân Đôn (LIFFE) và Deutsche Borse (công ty điều hành thị trường chứng khoán Francfort và thị trường thứ cấp Đức Eurex). Nếu chỉ là sự sáp nhập giữa hai công ty điều hành chứng khoán quy mô trung bình như vậy, thì sự thờ ơ này có thể hiểu được. Tuy nhiên, phi vụ này được tính đến trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nặng nề và vượt ra khỏi phạm vi giao dịch chứng khoán thông thường. Trong bối cảnh đó, dự án lớn này của châu Âu có khả năng tác động chắc chắn và lâu dài tới ba lĩnh vực của "cuộc chiến kinh tế và tài chính". Đầu tiên là thị trường tài chính.

Từ ngày 1/11/2007, thị trường tài chính châu Âu được xem đã bước sang một kỷ nguyên mới. Trên thực tế, đó là thời điểm bắt đầu áp dụng Chỉ thị về các thị trường công cụ tài chính (MIF). Mục đích của chỉ thị này, bị tranh cãi nhiều ngay từ đầu, là nhằm cải thiện hiệu quả của các thị trường tài chính châu Âu, đồng thời mở cửa cho các thị trường này cạnh tranh. Mở cửa cạnh tranh cho các thị trường tài chính là mũi tên hướng tới 3 đích: Làm giảm bớt các chi phí, cải thiện tính thanh khoản trên thị trường và làm tăng sự minh bạch.

Bốn năm sau thời điểm có hiệu lực của chỉ thị này, chi phí của các giao dịch đã giảm nhưng nó cũng không có tác động ngược trở lại đối với các nhà đầu tư là các hộ gia đình và doanh nghiệp. Về tính thanh khoản trên thị trường, đã xuất hiện nhiều tiến bộ, song trên các thị trường hiện đã phân khúc nhiều hơn. Trong thời gian qua, việc xuất hiện gia tăng các giao dịch chứng khoán ẩn danh (hệ thống dark pools) thể hiện rõ tính thiếu minh bạch của các thị trường tài chính châu Âu. Ở thời điểm cuộc khủng hoảng đang chứng tỏ trụ cột chắc chắn nhất của sự ổn định tài chính vẫn là tính minh bạch và cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp đã chỉ rõ sự nguy hiểm của các thị trường phi tập trung, thì việc sáp nhập NYSE Euronext và Deutsche Borse là lời giải cho những vấn đề này, vì nó sẽ góp phần củng cố thị trường chứng khoán châu Âu, tập trung và minh bạch hơn, đồng thời sẽ được các cơ quan điều tiết thị trường kiểm soát tốt hơn.

Lĩnh vực thứ hai là công nghiệp. Tính phức tạp gia tăng của các thị trường chứng khoán, cùng với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, thúc đẩy các thị trường chứng khoán tập trung hơn nhằm hưởng lợi và tránh bị gạt sang bên lề bởi các hình thức thị trường kém điều tiết. Trong lĩnh vực này, NYSE Euronext đã chọn lựa làm chủ số phận và tăng cường liên kết ở châu Âu với Deutsche Borse, nhằm giúp tạo sự cân bằng giữa thị trường châu Âu và Mỹ, đồng thời giúp đương đầu tốt nhất với các thị trường chứng khoán mới nổi đã tăng giá trị gấp 4 lần chỉ trong gần 5 năm qua. Từ quan điểm này, Ủy ban châu Âu có thể đã nhầm khi lo ngại về quy mô hiện nay của NYSE Euronext và Deutsche Borse trên thị trường thứ cấp châu Âu.
Lĩnh vực sau cùng là kinh tế, cũng là khó khăn nhất để bảo vệ. Trái ngược với phán đoán của một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng chưa hề có dấu hiệu kết thúc, như dẫn chứng ở Hy Lạp. Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng ở châu Âu, cần phải tạo thêm việc làm. Để làm được điều đó, cũng cần đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó các ngân hàng tiếp tục đóng vai trò của họ. Cũng như việc huy động thêm vốn của các nhà đầu tư trên hai thị trường chứng khoán.


Ba lĩnh vực này không phải là những cuộc tranh luận mang tính kỹ thuật, mà là những cuộc tranh luận chính trị rất cơ bản. Vì vậy, theo các tác giả, giới chính trị phải nắm bắt và có trách nhiệm với những cuộc tranh luận đang diễn ra.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN