Cơ hội để ông Obama chứng tỏ không phải là tổng thống 'vịt què'

Tạm gác sang một bên "nỗi buồn" thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu tới châu Á ngày 8/11 trong một chuyến công du kéo dài 8 ngày, được thiết kế để chứng tỏ với thế giới rằng ông không phải là tổng thống "vịt què".

Theo "Thời báo Tài chính" (Anh), chuyến công du Trung Quốc và Myanmar để tham dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực và chuyến công du Australia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sẽ mang đến cho ông Obama cơ hội để chứng tỏ với các nhà lãnh đạo toàn cầu rằng ông vẫn làm được "việc gì đó" trên trường quốc tế trong 2 năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ cố gắng chứng minh rằng ông vẫn chú tâm vào sáng kiến đối ngoại của mình, đó là chiến dịch "xoay trục sang châu Á", bất chấp sự bẽ bàng sau bầu cử, một quốc hội thù địch và cả sức ép từ các cuộc khủng hoảng khắp nơi trên thế giới. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và tại Brisbane (Australia), ông Obama sẽ có dịp gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Mặc dù không có kế hoạch gặp chính thức, song cả hai nhà lãnh đạo này sẽ tham dự nhiều cuộc họp và đứng trên cùng một sân khấu, trước ống kính của các phóng viên.

Chuyến công du châu Á lần này là cơ hội để ông Obama chứng tỏ ông vẫn làm được "việc gì đó" trên trường quốc tế trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống.


Giữa các cuộc họp mang tính ngoại giao này, ông Obama sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc ở thời điểm mà quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang ngày một lạnh giá. Ông Douglas Paal - cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng dưới thời các Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush - nhận xét: "Trong hai năm qua, ông Obama đã cố tránh trở thành một tổng thống chỉ chuyên về chính sách đối ngoại, nhưng giờ đây ông ấy không còn lựa chọn nào khác".

Điều trớ trêu là thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vừa qua có thể sẽ tạo cú huých lớn cho chiến lược châu Á của ông Obama. Mặc dù thương mại hiếm khi được đề cập trong chiến dịch vận động tranh cử vừa rồi, nhưng các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang nổi lên như một trong những khu vực mà các lãnh đạo đảng Cộng hòa và Nhà Trắng tin rằng họ có thể làm việc với nhau ở Quốc hội mới. Theo ông Paal, kết quả cuộc bầu cử thực sự sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa Tổng thống Obama khi đàm phán với Trung Quốc và các đối tác khác trong TPP trong nửa sau nhiệm kỳ. Trong khi đó, ông Orrin Hatch - nghị sĩ Cộng hòa có khả năng sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện - ngày 7/11 cho rằng kế hoạch xây dựng các văn bản luật để cung cấp cho các nhà đàm phán Mỹ sử dụng cho các cuộc đàm phán TPP sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong Quốc hội mới.

Trong khi chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama - một chiến lược nhằm thúc đẩy sự hiện diện của Mỹ ở khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc - tập trung chủ yếu vào vấn đề quân sự, thì các cuộc đàm phán thương mại lại là phần trọng tâm của chương trình nghị sự kinh tế của Mỹ và là nỗ lực nhằm định hình sự liên kết thương mại trên khắp Thái Bình Dương, chứ không chỉ trong nội bộ châu Á.

Chuyên gia về các vấn đề châu Á Ernie Bower, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, nói rằng nhiều chính phủ ở châu Á đang tự hỏi "Tổng thống Barack Obama sẽ thế nào sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ? Họ muốn tìm hiểu xem ông còn năng lực chính trị để tiếp tục theo đuổi các cam kết trước đó hay không". Chuyên gia Bower cũng cho rằng "kinh tế là nền tảng cơ bản của an ninh ở châu Á và đó chính là TPP". Kể từ khi chính sách xoay trục được công bố năm 2011, chính quyền Tổng thống Obama đã phải đối mặt với những chỉ trích từ cả các đồng minh và bạn bè trong khu vực rằng chính sách này đã khiến Mỹ bị phân tâm với các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới - đặc biệt là năm nay với hàng loạt cuộc khủng hoảng từ Ukraine, Iraq, Syria cho tới dịch Ebola ở Tây Phi.


Nhà Trắng cho biết chuyến thăm kéo dài 8 ngày của Tổng thống Obama tới châu Á-Thái Bình Dương - một khoảng thời gian xa đất nước dài bất thường của một tổng thống Mỹ - chứng tỏ ông đang tiếp tục các cam kết và lợi ích của mình ở khu vực. Tuy nhiên, những đồng minh Mỹ - vốn đang lo ngại về cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc trong các tranh chấp biển - lại đang hy vọng vào một sự tái đảm bảo của Washington. Jeff Bader - từng là cố vấn của Tổng thống Obama trong các vấn đề châu Á trong nhiệm kỳ đầu của ông - nói: "Ông ấy cần phải chú trọng vào tính rõ ràng trong các chính sách của mình".

Tổng thống Obama cũng sẽ kết hợp chuyến thăm Myanmar khi tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á với một bữa ăn tối riêng với bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh phe đối lập của Myanmar được trả tự do năm 2010. Nhà Trắng tin rằng vai trò của Mỹ nhằm củng cố các cải cách chính trị và kinh tế ở Myanmar sẽ trở thành một trong những "di sản" quan trọng của Tổng thống Obama.


TTK
Chính sách đối ngoại của ông Obama có thể thay đổi
Chính sách đối ngoại của ông Obama có thể thay đổi

Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể sẽ phải đối mặt với một môi trường mới của chính sách đối ngoại trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN