Chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton và sự yếu thế của Mỹ

Chuyến công du 11 ngày vòng quanh thế giới của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bắt đầu ngày 15/7 với chặng dừng chân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận toàn thế giới. Nhưng điều nghịch lý là có thể chuyến đi này sẽ vô tình vạch cho thế giới thấy sự suy giảm rõ rệt và không gì ngăn cản được của sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Ngoại trưởng Anh William Hague (phải) tại cuộc họp. AFP-TTXVN


Theo tờ Người Bảo vệ (Anh) ngày 14/7, tại điểm dừng chân đầu tiên ở Istanbul, bà Clinton có cuộc gặp chung với các ngoại trưởng châu Âu và một số nước khác thuộc nhóm tham gia chiến dịch tấn công vào Libi do NATO dẫn đầu. Thông tin chính thức, do Pháp công bố, nói rằng sức ép đối với chính quyền của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi đang có tác dụng, và những nội dung chính của một thỏa hiệp sắp sửa được công bố.

Trong khi những đánh giá nói trên sẽ được công khai nhắc tới nhiều tại Istanbul, thì ở hậu trường có thể bà Clinton sẽ được nghe những lời phàn nàn rằng Mỹ chưa đủ nỗ lực về quân sự và các mặt khác, trong việc hỗ trợ các đồng minh NATO. Cho dù có nhiều lời phỏng đoán rằng ông Kadhafi sắp đầu hàng, song vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về khả năng này. Trong khi đó, cách tiếp cận của Mỹ, Anh, Pháp, Italia và Nga ngày càng bất đồng, và dường như làm vấn đề càng thêm rối beng.

Các cuộc hội đàm song phương giữa bà Clinton và các đối tác cũng sẽ bàn đến vấn đề Xyri, Iran và cuộc xung đột Ixraen - Palextin. Trong cả ba vấn đề này, Mỹ đều chứng tỏ sự bất lực. Tại Đamát, Tổng thống Xyri Bashar al-Assad tiếp tục phớt lờ sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ về cuộc đàn áp tại nước này. Cách đây vài ngày, bà Clinton nói Tổng thống al-Assad đã đánh mất tính hợp pháp của ông. Tuy nhiên, Mỹ hầu như không thể làm gì hơn ngoài sự chỉ trích đối với nhà lãnh đạo Xyri.

Quyết định gần đây của Iran đẩy nhanh chương trình làm giàu urani cho thấy, những tuyên bố rằng lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt đang làm Têhêran thoái lui không phải là sự thật. Và với việc kế hoạch hòa bình của Oasinhtơn bị Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu làm tê liệt, bà Clinton không còn gì để nói về vấn đề Palextin. Giờ đây, vai trò của Mỹ chỉ còn là một nhà quan sát hậm hực đứng bên ngoài, trong bối cảnh Liên hợp quốc sắp bỏ phiếu thông qua quy chế nhà nước cho Palextin.

Chặng dừng chân của bà Clinton tại Hy Lạp, đất nước đang gặp khủng hoảng tài chính, vào ngày 17/7 sẽ không mang lại sự trợ giúp nào về vật chất cho đất nước này. Giống như người Hy Lạp, người Mỹ dường như không thể nhất trí được về biện pháp giải quyết vấn đề này. Và chính chủ nghĩa tư bản thị trường xuyên quốc gia do Mỹ tạo ra bị cáo buộc là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên trước khi nó lan ra các nước khác.

Chặng dừng chân tiếp theo của bà Clinton là Ấn Độ. Ngoại trưởng Mỹ sẽ nói nhiều về việc thắt chặt quan hệ với Ấn Độ thông qua các cuộc đối thoại chiến lược và hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, bà Clinton sẽ không thể hy vọng thay đổi sự ủng hộ của Ấn Độ dành cho Mianma, quan điểm của Niu Đêli về vấn đề Kashmir và những tính toán của nước này trong vấn đề Ápganixtan.

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Đông Nam Á và Đông Á, nơi những thách thức lớn nhất đối với quyền lực của Mỹ đang nổi lên. Điểm cuối cùng của chuyến đi sẽ là Hồng Công, nơi bà Clinton sẽ có bài phát biểu phê phán chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN