Chung tay đánh bại 'thảm họa thầm lặng'

Vào những năm 1980, Ossey Bernard Yapo, một cậu bé ở Côte d'Ivoire, luôn mang theo một chiếc túi vải và những chai thủy tinh khi đi mua bánh mỳ hay nước giải khát cho gia đình. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên, túi nhựa và chai nhựa sử dụng một lần dần trở thành vật đựng thay thế tại các tiệm bánh hay cửa hiệu tạp hóa ở hầu hết các địa phương trên khắp quốc gia Tây Phi 26 triệu dân này. Những chiếc túi và chai nhựa này nhìn qua thì tiện lợi mà không tốn kém, song lại đi kèm với hậu quả lâu dài.

Chú thích ảnh
Rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển ở Ouzai, phía nam Beirut, Liban. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Yapo, nay là một giáo sư khoa học môi trường, đã dành 20 năm để nghiên cứu về tác động của ô nhiễm nhựa, cảnh báo về hiện tượng xả rác thải nhựa tràn ngập Côte d'Ivoire: “Các khuôn viên trường đại học, sân vận động và các đường phố đôi khi bị bao phủ bởi màu trắng, với từng lớp từng lớp túi nhựa.” Riêng thành phố lớn nhất Côte d’Ivoire là Abidjan mỗi ngày thải ra tới 280 tấn rác thải nhựa, khối lượng nặng bằng 3 chiếc máy bay chở đầy khách.

Có thể nói, nhựa đang xâm lấn Côte d’Ivoire cũng như cả thế giới. Mỗi phút trên thế giới có 1 triệu chai nhựa được bán ra. Mỗi năm có tới 5.000 tỷ túi nhựa được sử dụng trên toàn cầu. 50% trong số hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm là nhựa sử dụng một lần. Chỉ 10% trong số này được thu gom để tái chế. 90% còn lại được chôn lấp tại bãi rác địa phương hoặc thải ra ngoài tự nhiên, gây áp lực nặng nề với môi trường.

Điểm chung tại nơi sâu nhất trong lòng đại dương là Rãnh Mariana và đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, những khu vực khó tiếp cận nhất hành tinh, là những mảnh nhựa nhỏ. Ước tính, hằng năm, có khoảng 19-23 tấn nhựa đổ ra biển, sông và hồ, khiến hơn 800 triệu loài sinh vật biển và ven biển bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa.

Không những vậy, vi nhựa, các hạt nhựa nhỏ có đường kính nhỏ hơn 5mm, len lỏi vào thức ăn, nước uống và không khí. Các mảnh nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện trong máu, sữa mẹ và cả nhau thai. Ước tính rằng mỗi người trên hành tinh tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm và còn nhiều hơn nữa nếu tính cả việc hít phải vi nhựa.

Đáng quan ngại, ô nhiễm nhựa có thể kéo dài hàng trăm năm, trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất với hành tinh. Theo Liên hợp quốc (LHQ), trừ khi con người thay đổi cách thức sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, lượng chất thải nhựa xâm nhập vào các hệ sinh thái dưới nước có thể tăng gần gấp 3 lần, từ mức 9-14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2016 lên mức 23-37 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040.

Coi nhựa sử dụng một lần là “thảm họa thầm lặng”, từ năm 2014, Chính phủ Côte d'Ivoire đã cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng và bán túi nhựa không thể phân hủy, cũng như ủng hộ việc chuyển sang sử dụng bao bì có thể tái sử dụng. Những người gây ô nhiễm có thể đối mặt án tù 6 tháng và bị phạt gần 1.700 USD. Nhờ những nỗ lực này, ngày nay, khi đến Côte d’Ivoire, du khách có thể tìm thấy túi giấy và túi tái sử dụng ở bất cứ tiệm bánh, hiệu thuốc, trạm xăng hay các siêu thị lớn nào. Thành phố Abidjan hiện cũng trở thành một trung tâm cho các công ty khởi nghiệp quan tâm đến môi trường.

Năm nay, Côte d’Ivoire cũng là quốc gia đăng cai tổ chức Ngày Môi trường Thế giới (5/6), với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan. Với chủ đề "Đánh bại ô nhiễm nhựa", Ngày Môi trường Thế giới 2023 tập trung vào các giải pháp xử lý ô nhiễm nhựa, đồng thời là một lời nhắc nhở rằng cần đẩy nhanh các hành động của con người trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), cho biết nhân loại sử dụng và lạm dụng hàng trăm triệu tấn nhựa mỗi năm bởi nó quá rẻ, bất chấp cái giá phải trả do ô nhiễm nhựa là quá lớn. Theo nhiều cách, nhựa đóng góp tích cực cho xã hội, song cách chúng ta sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa đang làm ô nhiễm hệ sinh thái, gây ra nhiều nguy cơ với sức khỏe con người và động vật, gây bất ổn cho khí hậu. “Để giảm thiểu những rủi ro này, cần áp dụng một cách tiếp cận tuần hoàn để loại bỏ nhựa ra khỏi hệ sinh thái, ra khỏi cơ thể và nền kinh tế.”

Theo ông El Assaad Abdul Rahmane, nhà sáng lập công ty tái chế Recyclage.CI tại Abidjan, những lo ngại về ô nhiễm nhựa thường bị bỏ qua khi các cộng đồng phải đối mặt với những vấn đề cấp bách hơn như nạn đói và thất nghiệp. Do đó, các chính phủ phải hỗ trợ các công ty tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn và tái chế, vì điều này có thể tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân.

Các nghiên cứu cho thấy, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2040 sẽ giúp giảm hơn 80% lượng nhựa thải ra đại dương, giảm 55% sản lượng nhựa nguyên sinh, giúp các chính phủ tiết kiệm 70 tỷ USD, giảm 25% lượng khí thải nhà kính và tạo ra thêm 700.000 việc làm, chủ yếu ở phía Nam bán cầu, cũng như giúp cải thiện sinh kế cho hàng triệu người lao động trong khu vực phi chính thức, chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Dù ô nhiễm nhựa đang làm Trái Đất “nghẹt thở”, song với khoa học và các giải pháp hiện có, thế giới vẫn có thể xử lý cuộc khủng hoảng này. Một báo cáo mới của UNEP cho thấy, có thể giảm 80% tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nếu hành động ngay bây giờ, khi tái sử dụng, tái chế, định hướng lại và tăng sự đa dạng hóa để không sử dụng nhựa.

Các chính phủ có thể cấm sử dụng nhựa dùng một lần, hoặc thúc đẩy đổi mới để các sản phẩm nhựa được tái sử dụng và lưu thông trong nền kinh tế càng lâu càng tốt. Ngành công nghiệp hóa dầu hay những ngành sử dụng sản phẩm từ nhựa có thể tăng tốc tái sử dụng và tái chế. Mỗi cá nhân có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ mà tích cực như mang theo túi khi mua sắm, lựa chọn thực phẩm không có bao bì nhựa, hay dọn dẹp và làm sạch bãi biển, sông, hồ gần nơi sinh sống.

Trong thông điệp nhân Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, việc thế giới bắt đầu đàm phán một thỏa thuận đa phương có tính ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt ô nhiễm nhựa là một bước đầu tiên đầy triển vọng, song cũng cần tất cả chúng ta chung tay hành động. Bởi trên thực tế, vòng đàm phán quốc tế thứ hai về vấn đề này (trong số 5 vòng theo kế hoạch) vừa kết thúc ngày 2/6 tại Paris (Pháp), song chưa đạt bước tiến đột phá nào.

Theo Tổng Thư ký Guterres: “Tất cả chúng ta, gồm các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phải hành động để chấm dứt cơn nghiện sử dụng nhựa, ủng hộ lối sống không rác thải và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự. Cùng nhau, chúng ta hãy định hình một tương lai sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người”.

Phương Thịnh (TTXVN)
Ngày Môi trường Thế giới 5/6: Thế giới đối mặt với ô nhiễm nhựa
Ngày Môi trường Thế giới 5/6: Thế giới đối mặt với ô nhiễm nhựa

Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN