Chưa thể đạt được "Hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu"

Ngày 7/12, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP - 17) đang diễn ra tại Durban (Nam Phi), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thừa nhận khả năng đạt được một hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu tại hội nghị lần này vẫn còn xa vời, song các nước cần có cái nhìn thực tế về cơ hội để khai thông bế tắc.


Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Ảnh: Internet


Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các nước không để mất động lực và thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các cuộc thương lượng. Theo ông, thời gian không còn nhiều, vì vậy các nước phải hành động khẩn cấp trước khi tình trạng biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng tới mức không thể khắc phục. Ông hy vọng hội nghị lần này ở Đơban có thể đạt được tiến triển về 4 nội dung, gồm: Thứ nhất, các nước nhất trí thực hiện những thoả thuận đã đạt được tại Hội nghị Cancun (Mêhicô) năm 2010 là thành lập "Quỹ Khí hậu Xanh" nhằm giúp các nước đang phát triển tự bảo vệ mình trước những tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng tương lai bền vững. Thứ hai, các nước khẳng định lại các cam kết tài chính ngắn hạn và dài hạn, trong đó cần minh bạch hơn trong việc phân phối và chuyển giao 30 tỷ USD cho các nước nghèo đang rất cần nguồn vốn này để đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tái khẳng định cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ các chính phủ, khu vực tư nhân và các nguồn tài trợ khác cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thứ ba, các nước cần thận trọng xem xét giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto. Thứ tư, các nước cần thúc đẩy tầm nhìn về một hiệp ước chống biến đổi khí hậu toàn cầu mạnh mẽ hơn mà tất cả các bên có thể chấp nhận được.

Sau 9 ngày thương lượng tại Durban, đại diện hơn 190 nước vẫn không thu hẹp được bất đồng về cách thức hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Trong khi các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Braxin, Nam Phi và Trung Quốc,… khẳng định một hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu trước hết phải thừa nhận trách nhiệm lịch sử của các nước công nghiệp phát triển và kiên quyết đòi những nước đầu tiên gây ra biến đổi khí hậu phải là những nước đầu tiên cắt giảm khí thải. Các nền kinh tế mới nổi khẳng định lập trường yêu cầu gia hạn Nghị định thư Kyoto.

Trong khi đó, các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canađa và Nga đề nghị các nước đều phải có nghĩa vụ cắt giảm khí thải, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia đã vượt Mỹ trở thành nước thải lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ gia hạn Nghị định thư Kyoto nếu tất cả các nước thoả thuận thông qua một hiệp ước mang tính ràng buộc về mặt pháp lý vào năm 2015. Trong khi Mỹ tuyên bố không ủng hộ một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý về biến đổi khí hậu nếu các nước đang phát triển không cam kết cùng cắt giảm khí thải, các nước đang phát triển lo ngại rằng cam kết đạt được tại các hội nghị trước đó về biến đổi khí hậu tại Côpenhaghen (Đan Mạch) và Cancun về viện trợ 100 tỷ USD dành cho các nước này sẽ không được thực hiện. Các nước đang phát triển kêu gọi chuyển giao nhanh khoản viện trợ này và thành lập Quỹ Khí hậu Xanh để hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng nhấn mạnh nhu cầu đưa vấn đề nước vào danh mục các vấn đề ưu tiên trong các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu. Tổ chức Đối tác toàn cầu về nước (GWP) cho rằng kế hoạch hành động toàn cầu cũng như các ưu tiên thúc đẩy vấn đề nước hiện hành chưa tương xứng với những biến đổi khổng lồ về nguồn nước trên thế giới do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi ngày càng nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng khan hiếm nước, vai trò của vấn đề nước trong các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu vẫn chưa thích hợp. Do đó, vấn đề nước cần được đặt ở vị trí cao hơn trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu.

GWP nhấn mạnh những thách thức về nước không chỉ đe dọa châu Phi mà tất cả các khu vực trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nước ở châu Phi là nhân tố hàng đầu buộc thế giới phải hành động khẩn cấp. Theo GWP, hơn 100 triệu người ở miền nam châu Phi hiện không được tiếp cận đầy đủ các nguồn nước, trong khi khu vực này được dự báo sẽ trở nên nóng hơn và khô hơn nữa trong vòng 50 - 100 năm tới.


Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)

Trung Quốc thành lập Trung tâm nghiên cứu, hợp tác quốc tế về BĐKH

Chính phủ Trung Quốc vừa thành lập Trung tâm nghiên cứu chiến lược và hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu quốc gia, trực thuộc Ủy ban phát triển và cải cách nhà nước.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN